Thủy sản là một trong số ít ngành có DN đạt lợi nhuận tăng đột biến trong quý II năm nay

Thủy sản là một trong số ít ngành có DN đạt lợi nhuận tăng đột biến trong quý II năm nay

Mùa… giải trình kết quả kinh doanh yếu kém

(ĐTCK-online) Lãnh đạo một số DN niêm yết nói vui rằng, mùa công bố thông tin DN năm nay cũng là mùa… giải trình kết quả kinh doanh yếu kém.

Tính đến cuối ngày 28/7/2011, tại Sở GDCK TP. HCM đã có 269 DN niêm yết trên tổng số 296 DN niêm yết công bố báo cáo tài chính quý II. Tại sàn Hà Nội, con số DN công bố báo cáo quý II cũng đã trên 230 DN trong tổng số 387 DN niêm yết.

So với các năm trước, ý thức minh bạch thể hiện bằng việc công bố thông tin đúng hạn hoặc gần như đúng hạn (chậm một vài ngày) của các DN niêm yết nói chung được nâng lên một bậc. Nhưng song hành cùng sự tiến bộ về công bố thông tin này là bức tranh về sự suy giảm hiệu quả hoạt động, khi 60% số DN niêm yết đã công bố kết quả quý II có tăng trưởng âm về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2010.

Theo quy định, các DN có lợi nhuận biến động đến 10% so với cùng kỳ phải  giải trình với Sở và nhà đầu tư về nguyên nhân gây nên sự biến động đó. Mùa công bố báo cáo quý II này, ngoài một số ít DN trong ngành mía đường, ngành cao su tự nhiên, ngành thủy sản có lợi nhuận tăng đột biến (cũng phải giải trình), nhiều DN niêm yết khác đang giải trình vì thực tế lợi nhuận giảm.

Điểm đáng lưu ý là các lý do DN giải trình lỗ không mang tính đặc thù ngành, đặc thù DN, mà tập trung vào mấy nguyên nhân: chi phí lãi vay tăng cao, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, trích lập dự phòng rủi ro tăng cao, trong khi doanh thu giảm mạnh do hàng không bán được dù DN không tăng giá bán.

Điểm lại danh sách 1.000 DN nộp thuế thu nhập lớn nhất năm 2010 có tên hàng trăm DN đang niêm yết trên TTCK. Đối tượng DN này đóng góp một nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước và là niềm tự hào của TTCK Việt Nam . Tuy nhiên, năm nay, đóng góp vào ngân sách nhà nước từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp có thể sẽ giảm sút đáng kể, khi nhiều DN lớn, nằm trong Top đầu đóng thuế nhiều nhất năm 2010 đang có kết quả kinh doanh kém khả quan.

CTCK SSI năm 2010 đứng ở vị trí 35 trong bảng xếp hạng đóng thuế nhiều nhất, nhưng 6 tháng đầu năm nay, Công ty ghi nhận mức lỗ 88 tỷ đồng; BVH từng đứng vị trí 82 trong bảng xếp hạng, nhưng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2011 giảm trên 20% so với cùng kỳ; CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) cũng có tên trong danh sách đóng thuế nhiều nhất, nhưng quý II năm nay đã thấm lỗ. Khi DN lớn lỗ hoặc có lợi nhuận suy giảm, không chỉ  cổ đông khó trông chờ cổ tức như kế hoạch, mà ngân sách nhà nước cũng không thể trông chờ những khoản đóng góp lớn, bằng hoặc cao hơn năm 2010.

Lãnh đạo một số DN niêm yết nói vui rằng, mùa công bố thông tin DN năm nay cũng là mùa… giải trình kết quả kinh doanh yếu kém. Kết quả kinh doanh cùng nguyên nhân gây nên thua lỗ hoặc suy giảm lợi nhuận đã được nhiều DN phân tích công khai. Loại thông tin này một mặt thể hiện trách nhiệm minh bạch khi niêm yết, nhưng mặt khác, qua những con số, qua những giải trình, những lý do từ thực tế, điều mà nhiều DN mong đợi là thông điệp về một giải pháp tổng thể cho nền kinh tế mà Chính phủ đã đưa ra từ đầu năm sớm trở thành hiện thực. Mong mỏi này càng lớn hơn khi nhân sự cao cấp trong bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ tới đang được Quốc hội xem xét, bàn thảo và định hình.