Không ít ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng khi chưa đủ điều kiện vay. Ảnh: Dũng Minh

Không ít ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng khi chưa đủ điều kiện vay. Ảnh: Dũng Minh

Muôn kiểu lách... cho vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu áp dụng đúng quy định, nhiều khách hàng vay vốn gần như không bao giờ gõ được cửa ngân hàng.

Điếc không sợ súng và tặc lưỡi cho qua

Thanh Tùng, người Nghệ An, chủ một cửa hàng quần áo ở phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhưng cũng quan tâm đến bất động sản chia sẻ, là chủ một shop nhỏ, làm ăn có thuận lợi thì cũng chỉ dư được ít tiền. Trong khi đó, đồng hương suốt ngày rỉ rả trong nhóm chat về việc đợt này lãi 2 đến 5 tỷ đồng do buôn bất động sản, nên anh không thể làm ngơ.

“Không đủ vốn để đi buôn đất, tôi nhờ chị ruột ở quê đang vay vốn sản xuất - kinh doanh tại Ngân hàng V với lãi suất ưu đãi cho vay ké 3 tỷ đồng. Tưởng việc vay vốn sẽ khó khăn, nhưng không ngờ rất thuận lợi”, anh Tùng cho biết.

Đem câu chuyện này trao đổi với chuyên viên pháp chế của Ngân hàng A thì được biết, vấn đề này nhân viên ngân hàng đều biết. Tuy nhiên, nếu kiểm tra thấy hoạt động của doanh nghiệp đang diễn ra bình thường với dòng tiền ra vào qua ngân hàng vẫn đều đặn, đúng hạn. Đặc biệt, tài sản bảo đảm là bất động sản là thứ nhìn thấy được, tay sờ được nên vẫn “tặc lưỡi” cho qua.

“Nếu mình làm hết trách nhiệm, tức cứ đúng quy định mà làm, dẫn tới khách hàng không được vay vốn, thì sẽ bị cán bộ tín dụng ngân hàng ghét, thậm chí sếp gọi điện thoại nhắc nhở là không linh hoạt, cứng nhắc, nguyên tắc”, vị chuyên viên pháp chế nói.

Tại hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra ngày 15/7/2022, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát, ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề trong hoạt động tín dụng, thẩm định và quyết định cho vay tại các ngân hàng như chưa đánh giá đầy đủ, chính xác mục đích vay vốn, tính khả thi, hiệu quả của dự án vay vốn; chưa đánh giá năng lực và quy mô hoạt động của khách hàng; các thông tin, tài liệu, hồ sơ đề nghị vay vốn để thẩm định chưa đầy đủ, thiếu tính pháp lý, có độ tin cậy chưa cao...

“Nhiều khách hàng có chung nguồn trả nợ vay từ dự án bất động sản chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, không bảo đảm nguồn thu trong tương lai nhưng không có nguồn tài chính khác trả nợ, không đáp ứng vốn tự có để thực hiện phương án”, vị lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát, ngân hàng cho biết.

Có những trường hợp ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng khi chưa đủ điều kiện như không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết, khoản vay không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm rất ít, phương án sản xuất - kinh doanh không khả thi, dự án trong phương án vay vốn đã dừng thi công, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc không hiệu quả, lỗ lũy kế liên tiếp trong những năm gần đây…

“Nhiều ngân hàng xác định thời hạn cho vay không phù hợp với phương án sản xuất - kinh doanh của khách hàng hoặc không phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; cho vay ngoài địa bàn không có chấp thuận của trụ sở chính. Cán bộ ngân hàng cho vay lòng vòng nhiều đối tượng dưới nhiều hình thức là góp vốn hợp tác kinh doanh, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cho vay tiêu dùng cá nhân, cho vay bù đắp vốn tự có, cho vay khác để che giấu mục đích cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản”, vị lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát, ngân hàng cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng, tất cả những tồn tại trên vẫn đang hiện diện tại hệ thống ngân hàng, nhưng để khắc phục là bài toán khó. Hành lang pháp lý trên thực tế rất chặt chẽ, nhưng nếu làm đúng quy định thì trong 100 khách hàng thì may ra có 2 khách hàng đủ điều kiện vay.

“Doanh nghiệp tay không bắt giặc đúng không chỉ nghĩa bóng mà cả nghĩa đen. Ví dụ, doanh nghiệp cần vay 300 tỷ đồng cho một dự án thì theo quy định vốn tự có phải đủ 10% và thể hiện rõ trên báo cáo tài chính, nhưng không mấy doanh nghiệp có đủ 30 tỷ đồng này. Cán bộ pháp chế phàn nàn vì bị sếp gọi điện thoại nhắc nhở, nhưng chính sếp cũng bị ép bởi “ở trên” điện thoại xuống là cần biết vận dụng linh hoạt”, vị phó tổng giám đốc ngân hàng nói.

Nguyên phó phòng tín dụng một chi nhánh của Ngân hàng V chia sẻ: “Ngày đầu mới vào làm tín dụng, phải dùng đúng từ là điếc không sợ súng thì mới làm được. Làm lâu, rồi chứng kiến đồng nghiệp vướng vào vòng lao lý nên tôi không thể làm tín dụng được nữa”.

Vi phạm hạn mức tăng trưởng tín dụng

Xung quanh câu chuyện tín dụng, thời gian qua, một số ngân hàng phản ánh tình trạng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) nên không thể cho vay thêm, trong khi các doanh nghiệp “khát” vốn.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, trong số các tổ chức tín dụng tăng trưởng nhanh có những vi phạm liên quan đến việc chấp hành quy định của Ngân hàng Nhà nước về room tín dụng.

“Tình trạng tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước thông báo không phải là chuyện lạ. Vấn đề này đã được Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề cập tại buổi sơ kết hoạt động hệ thống 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 vừa qua”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.

Theo báo cáo số 161/BC-KTNN tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021 đối với niên độ ngân sách năm 2020 được Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, có ngân hàng vượt room tín dụng với giá trị 3.318 tỷ đồng.

Trước tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết room tín dụng, mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao. Với các ngân hàng chủ yếu cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ để cho vay. Tuy nhiên, một số nhà băng tập trung cho vay trung và dài hạn, nhất là vào lĩnh vực bất động sản, nên thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, có tình trạng vi phạm quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động như tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn, giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần…

Đáng lưu ý, có tổ chức tín dụng chuyển khoản nợ có thể chuyển thành nợ xấu thành khoản phải thu có thời hạn, thu hồi dài hơn nhằm có thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, che giấu được khoản nợ xấu có khả năng phát sinh, ẩn dưới hình thức khoản phải thu còn trong hạn.

Rủi ro tín dụng bất động sản

“Liên quan đến việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao so với tổng dư nợ tín dụng hay so với tổng tài sản. Các ngân hàng đã cấp tín dụng tập trung vào 100 khách hàng lớn, nhất là khách hàng có liên quan đến chủ sở hữu của ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty, dự án bất động sản cao cấp, có tính đầu cơ..., tiềm ẩn rủi ro tín dụng tập trung”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021 và chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2% và chiếm tỷ trọng 19,9%). Trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19% và chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản; tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2% và chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản. Nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36.400 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%).

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khuyến nghị: “Việc xử lý ách tắc dòng vốn của thị trường bất động sản hiện nay cần được cân nhắc và tiếp cận theo nhiều nguồn vốn khác nhau, không đẩy rủi ro tới hệ thống ngân hàng. Suy cho cùng, hệ thống ngân hàng rủi ro chính là rủi ro đối với khả năng chi trả cho người gửi tiền, bởi vốn cho thị trường bất động sản thường dài hạn, trong khi vốn huy động của hệ thống ngân hàng 80% là ngắn hạn”.

Tin bài liên quan