Mỹ sẽ có thêm 10 nhà máy sản xuất chip bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho rằng khoản tài trợ 52 tỷ USD cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn có thể giúp tạo ra 7 đến 10 nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ.
Tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến các hãng sản xuất ô tô và nhiều ngành công nghiệp khác.

Tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến các hãng sản xuất ô tô và nhiều ngành công nghiệp khác.

Tại một sự kiện bên ngoài nhà máy của hãng chip Micron Technology vừa diễn ra, Bộ trưởng Raimondo nhận định nguồn tài trợ 52 tỷ USD của chính phủ Mỹ sẽ kéo theo dòng vốn hơn 150 tỷ USD đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất chip, bao gồm cả nguồn vốn từ chính quyền các bang, chính quyền liên bang, và công ty tư nhân.

"Chúng tôi chỉ cần tiền liên bang... để khơi thông dòng vốn tư nhân", Bộ trưởng Raimondo cho biết. "Có thể là 7, có thể là 8, có thể là 9, hoặc 10 nhà máy chip mới ở Mỹ vào thời điểm chúng tôi hoàn thành", bà Raimondo nói thêm.

Bộ trưởng Raimondo cho biết bà hy vọng các bang sẽ cạnh tranh để nhận nguồn tài trợ liên bang cho các nhà máy sản xuất chip và Bộ Thương mại Mỹ sẽ áp dụng một quy trình minh bạch để cấp vốn.

Tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu, do nhu cầu thiết bị điện tử tăng cao thời dịch, đã ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến các nhà sản xuất ô tô và nhiều ngành công nghiệp khác.

Các hãng xe lớn như General Motors, Ford, và Toyota đã buộc cắt giảm sản lượng trong năm nay do sự thiếu hụt chip bán dẫn. Hãng tin Reuters dẫn thông báo tháng trước của Ford khẳng định tình trạng thiếu chip có thể khiến hãng xe này hụt một nửa sản lượng trong quý II/2021.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner cho rằng nguồn tài trợ của Mỹ có thể tạo ra từ 7 đến 10 nhà máy sản xuất chip mới. Tuy nhiên, "việc này sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều. Sẽ mất nhiều năm để Bộ Thương mại thực hiện những khoản đầu tư này", thượng nghị sĩ Mark Warner nhận định.

Tuần trước, Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer công bố dự luật lưỡng đảng sửa đổi về việc chi 52 tỷ USD cho nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn của Mỹ trong vòng 5 năm tới.

Những người ủng hộ khoản tài trợ trên cho rằng Mỹ từng nắm 37% thị phần sản xuất chất bán dẫn và vi điện tử vào năm 1990, nhưng thị phần đến nay chỉ còn 12%.

Theo Reuters, dự luật trên bao gồm khoản chi 39 tỷ USD cho khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D), và sản xuất chất bán dẫn, và 10,5 tỷ USD để thực hiện các chương trình, bao gồm Trung tâm công nghệ bán dẫn quốc gia, Chương trình chế tạo đóng gói tiên tiến quốc gia, và các chương trình R&D khác.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn đề xuất loại bỏ các quy định về tiền lương hiện hành khỏi dự luật, đồng thời mong muốn có một cuộc bỏ phiếu về đề xuất sửa đổi này bởi ông cho rằng vấn đề tiền lương đang tác động xấu đến sự đồng thuận của đảng Cộng hòa.

"Tôi không mong đợi điều này sẽ ngăn cản việc chúng tôi đạt được những gì chúng tôi mong muốn", thượng nghị sĩ John Cornyn nói về vấn đề tiền lương với Reuters. "Điều đó quan trọng nhưng tôi nghĩ việc thông qua dự luật chip cho nước Mỹ (Chips for America) là điều cần thiết", John Cornyn nói thêm.

Thượng nghị sĩ John Cornyn cho rằng Trung Quốc đã khiến Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư như vậy. "Đây là một lỗ hổng mà chúng tôi phải khắc phục", ông Cornyn nói.

Tin bài liên quan