Năm 2024, Ninh Thuận xác định 3 khâu đột phá, 6 lĩnh vực ưu tiên

Ninh Thuận xác định sáu lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng là thúc đẩy đầu tư công; năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và kinh tế đô thị.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách tỉnh Ninh Thuận năm 2024.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Long Biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã thông qua dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

Theo đó, trên cơ sở mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu với 36 nhiệm vụ trọng tâm đột phá; 191 nhiệm vụ cụ thể và 54 công trình, dự án động lực quan trọng.

Trong năm 2024, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; tập trung vào 3 khâu đột phá và 6 lĩnh vực trọng tâm ưu tiên; phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 11 - 12%.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, 3 khâu đột phá là tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm nhất là dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng; tạo đột phá trong lĩnh vực đất đai để khơi thông nguồn lực và phát triển.

Sáu ngành, lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh Ninh Thuận là thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và kinh tế đô thị.

UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm năm 2024 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 60/NQ-HĐND, ngày 14/12/2023 gồm Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án TP. Phan Rang – Tháp Chàm; Dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; Dự án Kênh đường ống cấp II và kênh cấp III thuộc Hệ thống thủy lợi Sông Cái - Tân Mỹ; Dự án Đường giao thông nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng tổng hợp Cà Ná.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, địa phương xác định năng lượng vẫn là khâu đột phá, còn dư địa, đóng góp chính cho tăng trưởng nên các cấp, các ngành quyết liệt, tập trung rà soát các khó khăn, vướng mắc để kiến nghị trung ương tháo gỡ, đôn đốc tiến độ khởi công các dự án năng lượng.

Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận xác định phát triển công nghiệp là đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, trong đó tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, phát triển cảng biển, khởi công dự án LNG…

Tin bài liên quan