Sản phẩm gạch không nung của Công ty Thanh Phúc được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Sản phẩm gạch không nung của Công ty Thanh Phúc được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Nâng tầm công nghệ sản xuất gạch không nung

(ĐTCK) Để được số đông người tiêu dùng chấp thuận, các sản phẩm gạch không nung phải được nâng tầm chất lượng mà trong đó, chuẩn hóa dây chuyền sản xuất là yêu cầu then chốt.

Bài học thành công

Công ty cổ phần Cơ khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc là doanh nghiệp khoa học - công nghệ, được hình thành vào những năm đầu của thời kỳ đất nước đổi mới.

Trải qua 30 năm thăng trầm, đến nay Công ty đã trở thành doanh nghiệp khoa học - công nghệ lớn mạnh, được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đánh giá là đơn vị điển hình về ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào chế tạo và sản xuất máy gạch không nung tại Việt Nam.

Là doanh nghiệp chế tạo máy và sản xuất vật liệu xây không nung đầu tiên tại Việt Nam, tính đến nay, Công ty đã cung cấp ra thị trường gần 1.000 dây chuyền sản xuất gạch không nung, xuất khẩu sang 8 nước.

Hiện tại, Công ty đang vận hành 2 nhà máy.

Thứ nhất là Nhà máy sản xuất gạch không nung.Đây là nơi chạy thử nghiệm các sản phẩm mới để đánh giá và cải tiến trong quá trình vận hành thực tế trước khi sản xuất hàng loạt.

Với 03 dây chuyền sản xuất gạch xây, gạch lát tự động, 04 máy sản xuất gạch terrazzo OP2, OP3X, OP5, 01 máy sản xuất ngói màu hiện đại, 02 máy sản xuất gạch giả đá cao cấp, tính tự động hóa cao, có năng suất và chất lượng ổn định, mẫu mã phong phú, đa dạng, số lượng lớn.

Thương hiệu gạch ngói Thanh Phúc đã có uy tín trong lĩnh vực vật liệu xây không nung tại Việt Nam, sản phẩm có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các chủ đầu tư nước ngoài tại các công trình trọng điểm như cảng Cái Lân, cảng Hải Phòng, cảng Đình Vũ, cảng Lạch Huyện, Tân Cảng, Khu Công nghiệp Tràng Duệ.…

Hầu hết các công trình lớn khác tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đều sử dụng gạch Thanh Phúc từ 20 năm nay.

Thứ hai là Nhà máy cơ khí - Chế tạo máy sản xuất gạch không nung, Thanh Phúc là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Xây dựng cấp Giấy chứng nhận dây chuyền phù hợp tiêu chuẩn cho các dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung.

Nhà máy đang được điều hành bởi hệ thống quản lý tinh gọn, chủ động, các công nhân tay nghề cao, nhiệt tình, tận tụy trong công việc, thường xuyên được tập huấn nâng cao tay nghề.

Các máy công cụ công nghệ cao luôn được đầu tư, bổ sung phục vụ sản xuất như: hàng chục máy phay, máy tiện CNC, máy pha cắt tôn Plasma, lò tôi cao tần, tổ hợp lò tôi thấm ni tơ các bon thể khí, rô bốt hàn khung máy, rô bốt hàn khuôn liên hoàn...

Trong quá trình phát triển doanh nghiệp, Công ty Thanh Phúc đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển dự án sản xuất gạch không nung ở Việt Nam.

Cụ thể, năm 2016, Chính phủ đã có Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện, Bộ Xây dựng là cơ quan đồng thực hiện. Công ty Thanh Phúc được lựa chọn là đơn vị chế tạo máy đã trình diễn thành công dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động hoàn toàn tại Công ty.

Trong chương trình này, Công ty Thanh Phúc đã nhận được sự hỗ trợ, chuyển giao của chương trình về công tác tổ chức và quản lý sản xuất, đào tạo nâng cao tay nghề về thủy lực, khí nén, điện tự động.

Điển hình về sự hỗ trợ thành công của chương trình trên mà doanh nghiệp nhận được, đó là chương trình hoàn thiện công nghệ nhiệt luyện tôi thấm ni tơ các bon thể khí, đơn vị chuyển giao là khoa Nhiệt luyện - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Công nghệ nhiệt luyện của Thanh Phúc là một trong những đơn vị có công nghệ nhiệt luyện tốt, được ứng dụng vào công nghệ chế tạo khuôn gạch, sau khi xử lý nhiệt bề mặt bằng công nghệ tôi thấm Nitơ - Các bon thể khí, độ cứng bề mặt khuôn theo tiêu chuẩn là 50 - 55 HRC, công nghệ tôi khuôn do Thanh Phúc thực hiện có thể hơn 64 HRC.

Các chuyên gia Dự án phát triển vật liệu xây không nung do UNDP tài trợ khảo sát tại Công ty Thanh Phúc.

Các chuyên gia Dự án phát triển vật liệu xây không nung do UNDP tài trợ khảo sát tại Công ty Thanh Phúc.

Tiếp theo là cải tiến chế tạo khuôn bao 2 lớp để khắc phục triệt để hiện tượng vỡ vanh khuôn và nhận thấy chất lượng, độ bền tăng lên rõ rệt tới 30 - 35%. Điều này là một ưu thế nâng cao khả năng cạnh tranh so với các đơn vị khác trên thị trường và các thiết bị nhập khẩu.

Công nghệ lắp ráp cũng được chú trọng như: Lắp ráp thành dây chuyền hoàn thiện và chạy thử ngay tại xưởng sản xuất. Hội ý và điều chỉnh ngay tại trong nhà máy. Điều này có những ưu điểm sau:

Về quản trị: Ban Lãnh đạo công ty và ban quản lý nhà máy có thể giám sát và theo dõi tiến độ, khối lượng và chất lượng sản phẩm, kiểm soát được tính ổn định của dây chuyền, đưa ra ý kiến chỉ đạo sâu sát nhất.

Về lực lượng sản xuất: trong quá trình lắp ráp, toàn bộ công nhân liên quan tham gia sản xuất được tiếp cận, học hỏi, hội ý trực tiếp tại Nhà máy, nhận xét, đánh giá và tích lũy kinh nghiệm một cách thực tế nhất góp phần vào nâng cao tay nghề trong tương lai.

Về khách hàng: Khi khách hàng đến kiểm tra tiến độ thì sẽ tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất của mình, kiểm tra, giám sát hiện trạng trực tiếp các thiết bị đang được hoàn thiện. Điều này làm yên tâm, hài lòng và tăng độ tin cậy của các khách hàng.

Dự kiến, trong quý I/2020, Thanh Phúc sẽ đưa ra thị trường các dây chuyền sản xuất tự động năng suất cao cần ít nhân công như máy TP OP2, TP OP3 là 2 người, máy mới TP OP5 chỉ 1 người, dây chuyền TP86 chỉ 2 người điều hành toàn bộ dây chuyền sản xuất.

Về giá thành sản phẩm, dây chuyền do Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có giá bán rất cao khoảng 60 - 80 tỷ đồng, dây chuyền liên doanh khoảng 25 - 28 tỷ đồng, dây chuyền do Thanh Phúc chế tạo với tính năng tương đương có giá chỉ 12 tỷ đồng.

Một số vướng mắc và đề xuất

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quy định hướng dẫn thực hiện sản xuất và sử dụng vật liệu không nung trong công trình xây dựng, nhưng đến nay, một số địa phương không thực hiện hoặc chưa thực sự quan tâm triển khai.

Điều này gây nên tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến các nhà đầu tư dìm giá vật liệu xây dựng không nung, các nhà máy đã đầu tư dây chuyền sản xuất bắt buộc phải cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá thành sản phẩm dẫn đến tình trạng không quan tâm đến chất lượng. điều này không những gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh vật liệu xây không nung nói chung và các nhà sản xuất nói riêng mà còn khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm vì chất lượng thấp.

Theo quy định, sản phẩm gạch không nung phải có chứng nhận hợp quy mới được phép đưa vào công trình xây dựng, nhưng trên thực tế nhiều sản phẩm gạch không nung chất lượng thấp, chất lượng không ổn định, không có chứng nhận hợp quy vẫn tiêu thụ trên thị trường mà không bị xử lý dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng.

Có những địa phương xóa bỏ lò thủ công lại tập trung vào đầu tư lò gạch tuynel, nhưng quá trình sản xuất gạch tuynel không tuân thủ quy trình nên nên việc ảnh hưởng tới môi trường và sản phẩm cho ra thị trường không khác gì gạch thủ công.

Một nguyên nhân quan trọng gây trở ngại đối với loại vật liệu không nung đến từ thiết kế và thi công. Về thiết kế, có thể dễ dàng nhận thấy các tiêu chuẩn sản phẩm, quy phạm xây dựng, kết cấu kiến trúc, đơn giá xây dựng của các loại vật liệu không nung chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ từ các cơ quan quản lý.

Chưa tuân thủ các văn bản pháp lý, chưa cấm triệt để lò gạch thủ công, gạch nung được bán thấp hơn giá trị thật.

Cần áp thuế, phí môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên cao hơn hiện tại, để mở đường cho gạch không nung phát triển.

Trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với đất làm gạch từ 10% lên 15%, áp dụng từ 1/1/2016.

Tuy nhiên, ngoài việc tính thuế tài nguyên và phí môi trường phù hợp, thuế tiêu thụ đặc biệt như một số nước khác để tăng ngân sách nhà nước và khắc phục những hậu quả của việc khai thác tài nguyên đất bừa bãi thì Nhà nước còn phải có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm.

Tiếp theo đó, việc thực thi chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu không nung cũng cần được đẩy mạnh. Xử lý những công trình vi phạm do không tuân thủ sử dụng gạch không nung theo quy định.

Cần bồi dưỡng kiến thức về gạch không nung cho các cán bộ chuyên trách tại các địa phương một cách bài bản để triển khai chương trình phát triển vật liệu không nung.

Cần có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gạch không nung, nhất là các công trình vốn ngân sách, có chính sách ưu đãi đối với các dự án sản xuất vật liệu xây không nung. Mặt khác, cần nghiên cứu giảm thuế VAT cho vật liệu xây không nung xuống 5%.

Tin bài liên quan