Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS)

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS)

NAPAS thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) nhận định: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán đang diễn ra mạnh mẽ cùng với tiến trình chuyển đổi số quốc gia theo định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. NAPAS đã và đang góp phần thúc đẩy quá trình này".

Giao dịch rút tiền mặt tiếp tục giảm

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công nói riêng là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ từ giữa thập niên trước đến nay. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước và Chi hội Thẻ - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có trên 82 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 52 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động, có khoảng 30 ngân hàng thương mại và 17 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua QR Code.

Cả nước có 21.349 cây ATM và 462.247 máy POS, tăng tương ứng 3,59% và 26,84% so với năm 2021. Ngoài ra, có trên 150.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code (không bao gồm VietQR).

Dịch vụ thẻ ngân hàng tiếp tục được các tổ chức phát hành thẻ quan tâm phát triển. Đến cuối tháng 6/2023, tổng số lượng thẻ lưu hành đạt gần 139 triệu thẻ (tăng 0,48% so với cùng kỳ năm 2022). Các đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng hệ sinh thái, sản phẩm - dịch vụ trên nền tảng công nghệ thẻ chip tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code).

Các ngân hàng tích cực triển khai phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức định danh điện tử (eKYC), đã có 27/60 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức về mở thẻ ngân hàng bằng eKYC với hơn 10,8 triệu thẻ đang hoạt động.

Trong xu hướng phát triển và tăng trưởng nhanh chóng của các kênh thanh toán không tiền mặt, ông Nguyễn Quang Minh cho biết, tỷ lệ rút tiền mặt qua ATM hiện chỉ chiếm khoảng 4% qua hệ thống NAPAS. Tỷ lệ này đã giảm từ mức 12% vào năm 2021 xuống dần qua các năm. Trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị rút tiền mặt qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm 20% so với cùng kỳ năm trước cho thấy xu hướng tích cực của thanh toán không tiền mặt.

“Giao dịch qua VietQR sau 9 tháng đầu năm nay tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng giao dịch VietQR trung bình/ngày gấp 7 lần số lượng giao dịch rút tiền mặt. Mỗi tháng có hơn 20 triệu người sử dụng ứng dụng ngân hàng để quét mã VietQR; hơn 11 triệu mã VietQR được sử dụng để nhận tiền. VietQR đang góp phần thay đổi tích cực thói quen thanh toán của người dùng, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia”, ông Minh chia sẻ.

Đa dạng giải pháp thanh toán

Tổng giám đốc của NAPAS nhận định, thị trường thanh toán Việt Nam tăng trưởng tốt thời gian qua và còn nhiều tiềm năng phát triển. Mức độ chuyển đổi số, áp dụng công nghệ trong lĩnh vực thanh toán ngày càng nhanh, rộng và rút ngắn khoảng cách so với thế giới. Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn, thị trường cần được chú trọng đầu tư và phát triển hạ tầng thanh toán.

Thời gian qua, NAPAS đã và đang chủ động nghiên cứu, triển khai đa dạng các giải pháp thanh toán nhằm hoàn thiện hạ tầng và hệ sinh thái thanh toán bán lẻ quốc gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán, góp phần phổ cập tài chính toàn diện.

Cụ thể, dựa trên Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do Ngân hàng Nhà nước ban hành, NAPAS đã phối hợp với các ngân hàng triển khai đa dạng các sản phẩm thẻ để đáp ứng nhu cầu của thị trường gồm thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ tín dụng, thẻ đa tính năng kết hợp giữa thẻ ngân hàng và thẻ y tế… đem lại sự thuận tiện và thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng. NAPAS cũng đang phối hợp với Tổ chức thẻ quốc tế triển khai thẻ đồng thương hiệu, phục vụ tệp khách hàng có nhu cầu chi tiêu cả trong nước và quốc tế.

NAPAS chính thức triển khai cung cấp giải pháp số hóa điểm chấp nhận thanh toán (Tap to phone)

NAPAS chính thức triển khai cung cấp giải pháp số hóa điểm chấp nhận thanh toán (Tap to phone)

Để đáp ứng nhu cầu thanh toán di động ngày càng tăng, NAPAS mới đây đã cùng với 2 ngân hàng đầu tiên là MBBank và VIB chính thức triển khai cung cấp giải pháp số hóa điểm chấp nhận thanh toán (Tap to phone), cho phép biến chiếc điện thoại di động thành máy thanh toán thẻ (Soft POS) giúp mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán đến các đơn vị kinh doanh có quy mô nhỏ. Thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục ra mắt dịch vụ ứng dụng công nghệ tokenization cho phép số hóa thẻ trên nền tảng thiết bị di động và các website/ứng dụng thương mại điện tử.

Một trong những dấu ấn của hành trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt của NAPAS phải kể đến là việc cho ra đời mã VietQR, mảnh ghép hoàn thiện hạ tầng thanh toán, chuyển tiền liên ngân hàng trên lãnh thổ Việt Nam và kết nối liên thông thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới.

“NAPAS xây dựng hạ tầng số hóa thanh toán để sẵn sàng đáp ứng cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán hiện tại cũng như tương lai. Phát triển các sản phẩm đa kênh, đa phương tiện, hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông công cộng và các nhu cầu khác của thị trường”, Tổng giám đốc NAPAS khẳng định.

Hiện tại, NAPAS đang triển khai một loạt giải pháp thanh toán cho hệ thống giao thông ở Hà Nội, TP.HCM; cung cấp đa dạng phương thức thanh toán qua thẻ, tài khoản, mã QR cho nền tảng Dịch vụ công quốc gia trực tuyến; cung cấp một số dịch vụ theo Kế hoạch phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an để triển khai Đề án 06 - phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong vai trò đơn vị cung ứng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, NAPAS đã xây dựng hạ tầng số hóa thanh toán để sẵn sàng đáp ứng cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán hiện tại cũng như tương lai. Phát triển các sản phẩm đa kênh, đa phương tiện, hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông công cộng và các nhu cầu khác của thị trường. Để thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán trong thời gian tới, NAPAS tiếp tục định hướng phát triển trở thành mạng lưới thanh toán bán lẻ đáng tin cậy nhất với Chính phủ, các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán, khách hàng và đối tác.

Tin bài liên quan