Ảnh minh họa: Corbis

Ảnh minh họa: Corbis

NĐT có nguy cơ mất tiền trong tài khoản

Tôi thực sự sợ một ngày nào đó, CTCK nơi tôi mở tài khoản lạm dụng tiền gửi của khách hàng, làm mất tiền của khách hàng, giống như trường hợp của HASC.

Là nhà đầu tư, chúng tôi thực sự hoảng hốt khi đọc thông tin về việc Chủ tịch HĐQT CTCK Hà Thành (HASC) bỗng nhiên biến mất, mang theo khoản nợ đến hàng trăm tỷ đồng. Vụ việc này đang được cơ quan chức năng điều tra, nhưng theo thông tin báo chí thì khoản tiền biến mất theo sự mất tích của vị chủ tịch trên là một phần của chính CTCK, một phần của các đối tác và phần còn lại là tiền trên tài khoản nhà đầu tư.

Lục lại thông tin về tình hình tài chính của các CTCK hiện nay, tôi thấy, trừ các DN niêm yết phải công bố báo cáo tài chính định kỳ, thì thông tin về tình trạng tài chính của các CTCK chưa niêm yết hiện rất ít ỏi. Nếu có cố gắng vào website công ty thì chúng tôi cũng chỉ tiếp cận chủ yếu được với các thông tin PR, thông tin thị trường, thông tin về vốn điều lệ, chứ thực trạng lỗ, lãi, mức độ lành mạnh về tài chính tại các CTCK nói chung rất mờ mịt.

Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) từ 1/4/2011, các CTCK phải thực hiện báo cáo hàng tháng chỉ tiêu an toàn tài chính cho Ủy ban. Tôi nghĩ rằng, UBCK cần công bố công khai các chỉ tiêu an toàn tài chính này của khối CTCK. Có thể, cơ quan quản lý nghĩ rằng, bức tranh thị trường rất xấu, nếu bắt CTCK công khai mức độ an toàn tài chính sẽ làm thị trường càng bi quan hơn. Nhưng nếu không công khai gì, cứ mờ mờ, ảo ảo như hiện nay, thì nhà đầu tư chúng tôi làm sao mà biết được công ty nào lành mạnh, công ty nào mất an toàn để mà tự bảo vệ mình?

Báo chí đang làm những việc có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý thị trường như đưa ra các con số hàng ngàn tỷ đồng nợ vay của một số CTCK. Tuy nhiên, thông tin báo chí cũng mập mờ không nói rõ là CTCK nào đang vay nhiều như vậy.

Chúng tôi thực sự hoang mang và cho rằng, những thông tin liên quan đến sức khỏe của khối CTCK lúc này là rất nhạy cảm, cần được công khai để đảm bảo sự công bằng cho tất cả những người tham gia cuộc chơi. Không thể tư duy theo kiểu vì nhạy cảm, vì ngại đụng chạm vào các CTCK có vấn đề mà cứ thông tin kiểu mập mờ như vậy.

Tôi là người ít giao dịch, nhưng trên tài khoản tại CTCK đang có 20.000 cổ phiếu các loại và gần 100 triệu đồng tiền mặt. Hàng tháng, tôi được CTCK báo về tình trạng số dư chứng khoán và tiền trên tài khoản của mình. Tôi chưa từng ký một văn bản nào về việc gửi số tiền mặt trên tại ngân hàng (không biết các nhà đầu tư khác như thế nào, có ký hợp đồng nào với ngân hàng về việc gửi tiền tại đó không?), nên tôi chỉ biết rằng cả tiền và chứng khoán của tôi do CTCK quản lý.

Tôi không có ý định chuyển nơi mở tài khoản (vì cũng chẳng biết chuyển đi đâu cho an toàn hơn), nhưng rất lo rằng, một ngày nào đó, nếu xảy ra tình trạng CTCK nơi tôi mở tài khoản lạm dụng tiền gửi của khách hàng, làm mất tiền của khách hàng (trong đó có tôi), thì ai sẽ đứng ra phân xử và bồi thường cho tôi đây?

UBCK thể không đứng nhìn CTCK khốn khó, còn nhà đầu tư hoang mang được nữa. Chúng tôi cần sự tin cậy nơi CTCK khi để cả tiền và cổ phiếu ở đó, bởi nếu không, dòng tiền rút khỏi thị trường sẽ ngày một nhiều.

Để có sự tin cậy đó, biện pháp trước tiên là phải minh bạch. UBCK phải yêu cầu CTCK công bố con số thực về mức độ an toàn tài chính, như thế mới là công bằng với nhà đầu tư. Nếu tiếp tục bao che cho những khoản nợ xấu, khoản thua lỗ, khoản lạm dụng vốn tại CTCK sẽ đẩy nhà đầu tư vào tình thế rủi ro cao độ khi chúng tôi hoàn toàn không có khoản bảo hiểm nào và không biết khi nào CTCK nơi mình để tiền và cổ phiếu ở đó sẽ "vỡ".