Ông Hiroshi Okada

Ông Hiroshi Okada

NĐT Nhật kỳ vọng cao vào trái phiếu Việt Nam

(ĐTCK) “Lạm phát không còn là nỗi lo lớn của Việt Nam nên chúng tôi nhìn thấy cơ hội để lấy lại số vốn đã mất tại đây”.

Ông Hiroshi Okada, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Quỹ United Investments của Nhật Bản chia sẻ với ĐTCK sau khi mua hơn 20 tỷ đồng chứng chỉ Quỹ đầu tư trái phiếu MBCapital Việt Nam (MBBF).

Nguyên nhân gì khiến United Investments đầu tư trở lại vào Việt Nam , thưa ông?

Điều quan trọng nhất là sự thay đổi trong tương quan giữa VND và yên Nhật (JPY). Hai năm trước, chúng tôi đầu tư vào Việt Nam , nhưng kết quả làm chúng tôi chưa hài lòng. Khi đó, VND giảm giá, còn JPY vẫn mạnh, khiến chúng tôi thua lỗ vì tỷ giá.

Nhưng giờ đây, Nhật Bản có Chính phủ mới và chính sách mới “siêu” nới lỏng tiền tệ nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng giảm phát kéo dài của Thủ tướng Shinzo Abe đã dẫn đến việc đồng yên nhanh chóng giảm. Trong khi đó, VND đã chứng tỏ sự ổn định trong thời gian qua, lạm phát không còn là nỗi lo lớn của Việt Nam nữa, nên chúng tôi nhìn thấy cơ hội để lấy lại số vốn đã mất tại đây.

Có một xu hướng nữa có thể kể đến là sự chuyển dịch của dòng đầu tư Nhật Bản từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đã có những biến động nhất định trong quan hệ đầu tư của Nhật Bản và Trung Quốc trong năm vừa qua, khiến dòng tiền đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Thực tế, chúng tôi đã định lập quỹ đầu tư vào Trung Quốc, nhưng nhiều NĐT Nhật Bản không ủng hộ, nên chúng tôi đã hủy kế hoạch này và thay vào đó là kế hoạch đầu tư sang các nước khác.

 

Vậy ông kỳ vọng gì vào Việt Nam trong lần đầu tư vào MBBF này?

Chúng tôi chọn đầu tư vào MBBF vì chúng tôi kỳ vọng vào lợi suất cao của trái phiếu Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng vào cả lãi chênh lệch giao dịch trên thị trường thứ cấp và cả thu nhập từ trái tức. Dù lợi suất trái phiếu Việt Nam đã giảm nhiều so với năm ngoái, nhưng mức lợi suất 7%/năm hiện nay vẫn là rất cao so với mức lãi suất gần như 0% của Nhật Bản. Dù mức lãi này có hạ xuống thấp nữa thì với Nhật Bản vẫn là mức lãi cao.

Đã có nghiên cứu của hãng tài chính toàn cầu dự báo, năm 2050, GDP Việt Nam sẽ đứng thứ 14 trên thế giới, vì vậy chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào thị trường Việt Nam trong một tầm nhìn 20 - 30 năm. Quãng thời gian 2, 3 thập kỷ nghe có vẻ xa, nhưng đó là khoảng thời gian NĐT Nhật Bản có thể kỳ vọng khi đầu tư và với quãng thời gian đó thì thị trường Việt Nam có thể coi là đang còn rẻ.

Còn đối với thị trường cổ phiếu, thanh khoản thấp của thị trường Việt Nam vẫn là nhược điểm. Dòng tiền Nhật Bản hiện nay vẫn đang đổ khá nhiều vào các thị trường có thanh khoản tốt như Indonesia. Cách đây 2 năm, chúng tôi cũng đã bỏ vốn khoảng 30 triệu USD đầu tư cổ phiếu Việt Nam, nhưng kết quả không được như ý, chúng tôi đã rút hết tiền và hiện nay số vốn còn lại khoảng 15 triệu USD.

 

Ông có thể chia sẻ tình hình đầu tư của United Investments hiện nay tại Nhật Bản?

Quỹ United Investments hiện nay đầu tư tại 3 lĩnh vực chính: quỹ hưu trí, quản lý tài sản cho ngân hàng địa phương và quỹ đại chúng, với tổng quy mô tài sản quản lý khoảng 100 tỷ yên (tương đương 1,06 tỷ USD). Năm ngoái, thị trường tài chính Nhật Bản xảy ra vụ bê bối của Quỹ AIJ, làm thất thoát hơn 2 tỷ USD tiền hưu trí của nhà đầu tư Nhật Bản đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường quỹ hưu trí và trong tương lai, chúng tôi có thể giảm dần tỷ trọng đầu tư vào quỹ hưu trí. Trong khi đó, phân khúc quản lý tài sản cho ngân hàng địa phương tại Nhật Bản vẫn rất trầm lắng. Vì vậy, chiến lược của chúng tôi là tập trung chính cho quỹ đại chúng.

Quỹ đại chúng của chúng tôi thường có một vài ngàn NĐT, trong đó chúng tôi thông qua các đại lý phân phối một loạt sản phẩm cho NĐT như trái phiếu các nước, cổ phiếu Việt Nam, Hồng Kông. Gần đây, chúng tôi bắt đầu phân phối chứng chỉ quỹ Brazil, Nga và sắp tới là chứng chỉ quỹ trái phiếu Việt Nam. Tháng 2/2013, chúng tôi đã lập Quỹ đầu tư Asia High Yield Bond Fund, đầu tư vào các trái phiếu có tỷ suất sinh lời cao của châu Á.

Đối với MBBF, chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Quân đội phân phối chứng chỉ quỹ qua Ngân hàng sẽ đúng đặc thù quỹ mở trái phiếu hơn.