Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ khi Covid xuất hiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế toàn cầu trong quý II đã ghi nhận mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid xuất hiện cách đây 2 năm, khi những tác động tiêu cực từ lạm phát gia tăng ở phương Tây đến các biện pháp Zero Covid ở Trung Quốc đang đè nặng lên hoạt động kinh tế.
Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ khi Covid xuất hiện

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn thế giới đã thu hẹp trong quý II. Chiến lược gia Yoshimasa Maruyama tại SMBC Nikko Securities ước tính rằng, GDP toàn cầu đã giảm 2,7% trong quý II.

Mỹ, Đức, Anh và Trung Quốc đã tăng trưởng âm trong quý II. Mỹ hiện đang rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật sau khi GDP của nước này giảm trong hai quý liên tiếp. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự đoán vào đầu tháng này rằng, Anh sẽ bước vào cuộc suy thoái từ tháng 10 đến tháng 12 và trải qua một đợt suy thoái đến năm 2023.

Trong một cuộc khảo sát của Nikkei với 10 nhà kinh tế, 3 nhà kinh tế dự đoán Mỹ sẽ bước vào cuộc suy thoái trong năm nay hoặc trong nửa đầu năm 2023, trong khi 6 nhà kinh tế dự đoán tương tự đối với khu vực đồng euro.

Những dự báo này được đưa ra khi nhu cầu về các thiết bị và dịch vụ kỹ thuật số vốn dẫn đầu quá trình phục hồi sau Covid trên thế giới đã bắt đầu chậm lại.

"Một số khách hàng lớn nhất của chúng tôi đang giảm lượng hàng tồn kho với tốc độ chưa từng thấy trong thập kỷ qua", Giám đốc điều hành Patrick Gelsinger của Intel cho biết về doanh số bán máy tính vào cuối tháng 7. Trong quý II, công ty đã ghi nhận khoản lỗ ròng đầu tiên kể từ quý IV/2017.

Theo công ty Nghiên cứu Dữ liệu Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, các lô hàng máy tính cá nhân trên toàn thế giới giảm khoảng 15% trong năm trong khi điện thoại thông minh giảm 9% trong quý II. Công ty nghiên cứu Gartner đã hạ dự báo tăng trưởng cho doanh thu bán dẫn toàn cầu năm nay từ 13,6% xuống 7,4%.

Thách thức cũng đang hình thành trên thị trường hàng hóa. Giá đồng vốn rất nhạy cảm với sự thay đổi của nền kinh tế đang ở quanh mức 8.100 USD/tấn - thấp hơn gần 30% so với thời điểm xung đột Nga-Ukraine bắt đầu. Các kim loại công nghiệp như nhôm và niken trên diện rộng đang được bán với giá thấp hơn khoảng 10% đến 20% so với thời điểm tương tự.

Triển vọng toàn cầu vẫn còn mờ mịt. Lĩnh vực bất động sản và là động lực chính cho nền kinh tế Trung Quốc vẫn chậm chạp ngay cả sau khi nước này dỡ bỏ lệnh phong toả kéo dài nhiều tháng ở Thượng Hải vào tháng 6.

Căng thẳng ở Ukraine đã bóp nghẹt nguồn cung năng lượng của châu Âu. Vào tháng 7, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cung cấp khí đốt cho Đức ít hơn 80% so với kế hoạch trước đó. Công ty hóa chất BASF lo ngại họ có thể không thể duy trì hoạt động phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Đức.

Chi phí tiện ích tăng cao khiến các hộ gia đình phải thắt chặt chi phí. Doanh số bán lẻ của Đức vào tháng 6 đã giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1994.

Lạm phát trong khu vực đồng euro trong tháng 7 tiếp tục đạt kỷ lục ở mức 8,9%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau 11 năm từ âm 0,5% lên 0% vào ngày 27/7 do giá cả tăng cao.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 6 và vào tháng 7, đưa lãi suất lên 2,5% - một mức lãi suất "trung lập" dự kiến ​​sẽ không hạ nhiệt cũng không thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát trong nước vẫn ở mức trên 8%, làm dấy lên suy đoán rằng Fed cuối cùng có thể nâng lãi suất chính sách lên phạm vi trên 3%.

Mặc dù lạm phát không được kiểm soát đang bóp nghẹt các hộ gia đình, nhưng việc tăng lãi suất quá nhanh có thể giáng một đòn mạnh vào một nền kinh tế . Mỹ và châu Âu hiện đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn để đạt được sự cân bằng mong manh giữa việc kiềm chế sự gia tăng lịch sử của giá tiêu dùng và chống lại suy thoái kinh tế.

Một số người tin rằng, Mỹ đang ở trong tình trạng tương đối tốt do tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3,5%, nhưng những bất ổn vẫn còn. Chẳng hạn, nhiều công ty công nghệ Mỹ đã bắt đầu cắt giảm việc làm.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, con đường dẫn đến cái gọi là hạ cánh mềm "rõ ràng đã thu hẹp" và "có thể thu hẹp hơn nữa".

Tin bài liên quan