Ngân hàng bất ngờ trước quyết định tăng mức dự trữ bắt buộc?

(ĐTCK-online) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) đối với các tổ chức tín dụng, mức DTBB đối với đồng VNĐ tăng gấp đôi so với trước, ngoài ra, tỷ lệ DTBB đối với đồng USD cũng được điều chỉnh tăng (xem bảng).

Một trong những lý do được NHNN nêu ra là sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để một phần hỗ trợ kiềm chế lạm phát trong năm nay, tuy nhiên, ở góc độ các ngân hàng thương mại thì quyết định đột ngột này cũng phần nào gây ra phản ứng.

Về cơ bản, DTBB là công cụ làm giảm hệ số nhân tiền của các ngân hàng thương mại, với mức DTBB mới là 10% (trước là 5%) thì có nghĩa một ngân hàng huy động được 10 đồng vốn sẽ phải gửi dự trữ 1 đồng tại NHNN và chỉ được sử dụng 9 đồng (với mức DTBB 5% thì số tiền được sử dụng là 9,5 đồng). Về lý thuyết, trong điều kiện bình thường, tăng DTBB sẽ khiến chi phí vốn của các ngân hàng tăng lên, đẩy lãi suất tăng lên theo, kiềm chế lượng tín dụng gia tăng, giảm lượng tiền ngoài lưu thông và hỗ trợ giảm lạm phát. 

Theo một quan chức NHNN, việc tăng DTBB là một biện pháp của NHNN nhằm ổn định giá trị tiền tệ, đồng thời là sự điều chỉnh bình thường theo tín hiệu thị trường. Cụ thể, mức dư thừa vốn khả dụng của các ngân hàng đang rất lớn, việc tăng DTBB vào thời điểm này không những không làm tăng chi phí vốn, mà ngược lại còn hỗ trợ chi phí cho các ngân hàng. Cụ thể, đối với lượng tiền gửi của các ngân hàng tại NHNN, thì chỉ có tiền gửi dự trữ mới được hưởng lãi suất, phần còn lại không được hưởng lãi. Tăng mức dự trữ có nghĩa là, số tiền gửi được hưởng lãi suất sẽ tăng lên và hỗ trợ chi phí cho các ngân hàng.

 

Tiền gửi VND

Tiền gửi ngoại tệ

Loại tổ chức

Không kỳ hạn và dưới 12 tháng Từ 12-24 tháng    Không kỳ hạn và dưới 12 tháng Từ 12-24 tháng    
Các NHTM Nhà nước (không bao gồm NHNNo & PTNN), NHTMCP đô thị, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính 10% 5%) 4% 2%) 10% 8%) 4% (2%)
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn 8% (4%) 4%(2%) 10% 8%) 4% (2%)
NHTMCP nông thôn, ngân hàng hợp tác, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương 4% (2%) 4% 2%) 10% 8%) 4% (2%)

Tất nhiên về lâu dài, khi vốn khả dụng không còn dư dật thì tác dụng sẽ ngược lại, bởi các ngân hàng phải gửi DTBB một số lượng tiền lớn hưởng lãi suất thấp, mà không được dùng để cho vay hoặc đầu tư. Vì vậy, việc tăng DTBB vào thời điểm hiện tại, không làm lãi suất cho vay tăng lên, và vì thế các doanh nghiệp vay vốn cũng không bị ảnh hưởng.

Cũng theo quan chức trên, một lý do quan trọng khác là việc dư thừa vốn khả dụng kéo dài (hơn 1 năm qua) đã khiến một số ngân hàng cung cấp vốn tín dụng một cách khá “thoải mái” do lượng vốn huy động được nhiều. Việc cấp tín dụng có phần không chặt có thể khiến việc cho vay kém hiệu quả, tác động lâu dài là nợ xấu sẽ tăng lên. Theo thống kê sơ bộ, tới thời điểm này, tăng trưởng tín dụng là khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong 2 tháng 3 và 4/2007, mức tăng trưởng tín dụng đạt tới 6%/tháng. Chính vì vậy, việc tăng DTBB cũng làm giảm lượng vốn khả dụng khiến ngân hàng phải thận trọng hơn trong đầu tư.

Những lý do trên cũng nhận được sự đồng tình của các ngân hàng thương mại trên một số góc độ. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước, với tình hình dư thừa vốn khả dụng như hiện nay, sự tác động tới các ngân hàng chưa lớn, tuy nhiên, nếu tình hình vốn thay đổi, chẳng hạn tới cuối năm vốn khả dụng thường hạn chế hơn do giải ngân tăng lên, thì tác động này sẽ rất đáng kể. Khoảng cách giữa lãi suất cho vay và huy động phải được nới rộng hơn để bù đắp chi phí tăng do DTBB. Để làm được điều này hoặc ngân hàng phải giảm lãi suất huy động hoặc tăng lãi suất cho vay và nếu phải tăng lãi suất cho vay thì người chịu thiệt hại trước tiên là khách hàng vay vốn.

Cũng theo vị lãnh đạo ngân hàng này, mặc dù đây là một công cụ để điều hành chính sách tiền tệ, nhưng một sự thay đổi lớn về DTBB dù như thế nào cũng tác động tới hoạt động của nhiều ngân hàng. Chính vì vậy, nếu có một sự tham vấn trước với các ngân hàng hoặc đưa ra một sự điều chỉnh từ từ thì sẽ tốt hơn.

Trả lời ĐTCK-online, giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, do hầu hết các ngân hàng cổ phần vẫn không dư thừa vốn, nên việc tăng DTBB sẽ tác động lớn tới nguồn vốn của ngân hàng. Vị giám đốc này vẫn cho rằng, các ngân hàng thương mại cổ phần có hệ thống kiểm soát rủi ro tốt thì mức tăng tín dụng 30% không phải là lớn, nên chưa cần phải kìm lại bởi quy mô tín dụng các ngân hàng cổ phần còn nhỏ.

“Xu hướng điều hành của các ngân hàng trung ương hiện nay là ổn định giá trị đồng tiền, nhưng ổn định vẫn để nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Với Việt Nam hiện nay, sự cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và cấp vốn cho nền kinh tế là điều cần cân nhắc”, vị giám đốc này nói.