Nếu thiếu vắng đối tượng NĐT nước ngoài thì thị trường kém sôi động hơn

Nếu thiếu vắng đối tượng NĐT nước ngoài thì thị trường kém sôi động hơn

Ngân hàng lên UPCoM: Vẫn khó cho NĐT ngoại

(ĐTCK-online) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Công văn số 7430/NHNN-TTGSNH hướng dẫn tổ chức tín dụng cổ phần thực hiện giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM, sau nhiều lần thảo luận với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

>> Chính thức gỡ “nút thắt” cho cổ phiếu ngân hàng lên UPCoM 

Tự quyết việc lên sàn

Theo nội dung Công văn số 7430/NHNN-TTGSNH, việc đăng ký giao dịch cổ phiếu tại thị trường UPCoM do tổ chức tín dụng cổ phần tự quyết định trên cơ sở tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành về chứng khoán và TTCK, mà không cần sự chấp thuận của NHNN. Khi tham gia giao dịch trên thị trường UPCoM, tổ chức tín dụng cổ phần phải tuân thủ một số nội dung liên quan tại Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân sở hữu từ 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của tổ chức tín dụng cổ phần và nhóm người có liên quan phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Thống đốc NHNN khi thay đổi tỷ lệ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 và các văn bản hướng dẫn nghị định này. Đồng thời, phải báo cáo UBCK về tình hình sở hữu cổ phần theo quy định tại Quyết định số 108/2008/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch thị trường UPCoM. Nếu giao dịch làm một cá nhân hay tổ chức nắm 5% cổ phần của tổ chức tín dụng trở lên thì tổ chức đó phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có được tỷ lệ sở hữu nêu trên.

Một điểm đáng chú ý theo hướng dẫn tại Công văn số 7430 là tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua cổ phần của tổ chức tín dụng cổ phần là công ty đại chúng tham gia UPCoM khi được sự chấp thuận của NHNN.

 

Yêu cầu đối với NĐT nước ngoài

NĐT nước ngoài muốn mua cổ phần ngân hàng trên UPCoM cần thực hiện theo Thông tư số 07/2007/TT-NHNN. Theo đó, hồ sơ đối với NĐT nước ngoài là cá nhân thực hiện mua cổ phần ngân hàng, ngoài đơn mua cổ phần, lý lịch tự khai, bản sao hộ chiếu, còn phải chứng minh nguồn tiền sở hữu là hợp pháp. Đối với NĐT tổ chức thì yêu cầu phải có báo cáo kiểm toán năm tài chính gần nhất cùng một số tài liệu khác. Nếu tổ chức tín dụng nước ngoài muốn mua cổ phần của ngân hàng trong nước thì phải có tài liệu của tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế về kết quả xếp hạng thời điểm gần nhất. Sau khi được phép của NHNN, NĐT nước ngoài đem giấy phép đó đến CTCK nơi mở tài khoản. CTCK này sẽ xem xét các vấn đề pháp lý liên quan trước khi thực hiện giao dịch cho NĐT nước ngoài. Mỗi giấy phép chỉ có giá trị cho một lần giao dịch.

Trước đây, nếu tổ chức, cá nhân giao dịch làm tỷ lệ sở hữu đạt từ 20% trở lên vốn điều lệ của ngân hàng thì ngân hàng đó phải ngừng các giao dịch   và báo cáo NHNN. Nhưng quy định mới đã bỏ yêu cầu này và đây được coi là một cách tháo gỡ tích cực cho các tổ chức tín dụng cổ phần thực hiện giao dịch tại UPCoM. Vậy nhưng, đối với NĐT nước ngoài thì chưa có sự tháo gỡ, trong khi cổ phiếu ngân hàng niêm yết, NĐT nước ngoài khi mua không phải xin phép.

Ông Phan Minh Tuấn, Trưởng đại diện Công ty Dragon Capital Group Limited tại Hà Nội cho rằng, việc yêu cầu NĐT nước ngoài phải xin phép mới được giao dịch cổ phiếu ngân hàng trên sàn UPCoM sẽ khiến NĐT nước ngoài mất cơ hội đầu tư. Giá cổ phiếu biến động hàng ngày, trong khi thủ tục xin phép mua cổ phiếu có thể mất nhiều thời gian. Theo ông Tuấn, chỉ nên quy định phải xin phép nếu giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu lớn tại ngân hàng.

Giám đốc một CTCK nhận định, việc chưa gỡ nút thắt này cho NĐT nước ngoài có thể không cản trở nhiều đến việc ngân hàng cổ phần lên giao dịch tại UPCoM. Tuy nhiên, nếu thiếu vắng đối tượng NĐT nước ngoài thì thị trường kém sôi động hơn.