Nhiều ngân hàng chưa triển khai được kế hoạch tăng vốn như Saigonbank, VietA Bank,  Nam A Bank…

Nhiều ngân hàng chưa triển khai được kế hoạch tăng vốn như Saigonbank, VietA Bank, Nam A Bank…

Ngân hàng nhỏ, sức ép tăng vốn cuối năm

(ĐTCK) Phương án tăng vốn điều lệ đã được các ngân hàng trình ĐHCĐ 2015 thông qua, thực hiện trong quý IV năm nay. Hiện tại, chưa thấy các ngân hàng triển khai phát hành cổ phiếu tăng vốn. Vậy các ngân hàng sẽ cấp tập thực hiện vào dịp cuối năm?

Khó tăng vốn

Saigonbank đã đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng trong 3 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tại ĐHCĐ thường niên 2015 diễn ra cuối tháng 4, HĐQT Saigonbank thể hiện quyết tâm sẽ thực hiện kế hoạch tăng vốn trong quý III, chậm nhất là quý IV năm nay.

Mới đây, HĐQT Saigonbank đã có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến ĐHCĐ bằng văn bản. Nội dung xin ý kiến là phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 4.080 tỷ đồng. Thời gian thực hiện lấy ý kiến cổ đông từ ngày 15/9 - 25/9. Thế nhưng, hiện chưa thấy Saigonbank công bố kết quả lấy ý kiến này, cũng như chưa thấy động thái triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Tương tự, VietA Bank chưa thực hiện được kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng trong gần 3 năm qua, cho dù kế hoạch này đã được trình ĐHCĐ thông qua nhiều lần. Tại ĐHCĐ thường niên 2015, VietA Bank đề xuất phương án tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2015 và định hướng tăng vốn điều lệ đến năm 2016. Theo HĐQT VietA Bank, căn cứ Đề án tái cấu trúc VietA Bank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, căn cứ kế hoạch kinh doanh năm 2015 và định hướng kinh doanh đến hết năm 2016 của VietA Bank, Ngân hàng sẽ tăng vốn giai đoạn 2/2015 từ mức 3.500 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là quý III/2015. Đến năm 2016, vốn điều lệ của VietA Bank dự kiến tăng lên 5.000 tỷ đồng.

Thực tế, VietA Bank đã trình hồ sơ tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng lên Ngân hàng Nhà nước vào đầu tháng 4/2015. Vậy nhưng, kế hoạch tăng vốn của VietA Bank vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Đối với Nam A Bank, ngân hàng này triển khai khá sớm kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận trong quý II/2015. Tuy nhiên, kết quả sau đợt phát hành, Nam A Bank chỉ hoàn thành được hơn 2% kế hoạch, nâng vốn lên 3.021 tỷ đồng. 

Không M&A

Theo ông Phan Đình Tân, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank, Ngân hàng đang đi đúng lộ trình tự tái cơ cấu đã được ĐHCĐ thông qua và kết quả đạt được tương đối khả quan. Về tin đồn Nam A Bank có động thái “thâu tóm” Eximbank, ông Tân khẳng định, đây chỉ là tin đồn, hiện Nam A Bank không sở hữu bất cứ cổ phần nào của Eximbank.

Mặc dù không nằm trong danh sách tái cấu trúc bắt buộc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, song với quy mô vốn điều lệ còn khiêm tốn, cùng sức cạnh tranh trên thị trường hạn chế, Saigonbank cũng phải từng bước đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc để trụ vững trên thị trường và giải pháp được nhiều cổ đông kỳ vọng là sáp nhập với Vietcombank. Thế nhưng, tại ĐHCĐ năm 2015, HĐQT Saigonbank không trình chủ trương sáp nhập.

HĐQT Saigonbank cho hay, chủ trương của Ngân hàng là tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và nâng cao năng lực tài chính, quản trị. Còn vấn đề sáp nhập, hiện Saigonbank chưa tính đến. Cơ quan chủ quản của Saigonbank là Thành ủy TP. HCM cũng chưa có ý kiến và kế hoạch cụ thể về vấn đề này, nên Ngân hàng chưa có kế hoạch sáp nhập.

Được biết, nợ xấu của Saigonbank cuối năm 2014 ở mức dưới 5%. 6 tháng đầu năm 2015, Saigonbank đạt 122 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng chưa ghi nhận dự phòng rủi ro. Trong năm nay, nhà băng này phải bán 500 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đòi hỏi trích lập dự phòng lớn.

Còn theo HĐQT VietA Bank, trong năm nay, Ngân hàng tập trung thực hiện tái cấu trúc theo đúng lộ trình đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Theo đó, VietA Bank nhân rộng các mô hình tái cấu trúc đã được thực hiện thí điểm thành công trong năm 2013 - 2014 và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. VietA Bank phấn đấu đến cuối năm thực hiện thành công Đề án tái cấu trúc ngân hàng.

Hiện còn nhiều nhà băng nhỏ, vốn điều lệ ở mức 3.000 tỷ đồng như: Kienlongbank, PGBank, VietA Bank, Saigonbank, Navibank, Viet Capital Bank, Nam A Bank (3.021 tỷ đồng), VietBank. Trong số này, chỉ có PGBank có kế hoạch sáp nhập vào Vietinbank.

Tin bài liên quan