Ngân sách chi bao nhiêu cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại hội nghị.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại hội nghị.

Sáng 28/8, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Dự thảo).

Báo cáo nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Tấn Tới phản ánh, thảo luận tại Kỳ họp thứ năm, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, cần có số liệu cụ thể chứng minh “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn hiện nay.

Một số ý kiến đề nghị tính toán đầy đủ mức chi ngân sách, mức hỗ trợ; đề nghị bổ sung quy định rõ khung mức hỗ trợ; quy định rõ nguồn ngân sách để bảo đảm tính khả thi, có thể giao ngân sách Trung ương bảo đảm, giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, lấy từ các nguồn xã hội hóa, đóng góp của người dân ở địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và an ninh, Chính phủ đã bổ sung đánh giá cụ thể về thực trạng lực lượng, nguồn lực hiện có, thực trạng chi hiện nay và khả năng bảo đảm kinh phí, ngân sách của các địa phương để chi trả chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này bảo đảm tính khả thi.

Cụ thể, hiện nay, các địa phương trong cả nước đều bảo đảm ngân sách để chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá tổng thể về thực trạng chi hiện nay của các địa phương cho tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.

Khái toán tổng mức chi theo quy định của dự thảo Luật và so sánh với tổng mức chi hiện nay của các địa phương là bảo đảm cân đối với mức chi trung bình từ 20 tỷ đến 30 tỷ/1 năm/1 tỉnh, thành phố (từ 2 tỷ đến 2,5 tỷ/1 tháng).

Theo đó, khi kiện toàn các lực lượng, chức danh thành một lực lượng thống nhất thì vẫn thực hiện chi trả chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở như mức trung bình hiện nay các địa phương đang chi trả cho các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Còn về lâu dài sẽ giảm và không phải chi trả ngân sách cho nhiều lực lượng như hiện nay thì các địa phương sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn nữa về chế độ, chính sách cho lực lượng này.

Về nguồn kinh phí, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban đã tiếp thu vào dự thảo Luật theo hướng: Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, ông Tới báo cáo.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp nói vẫn rất băn khoăn chế độ chi bồi dưỡng cho lực lượng này.

“Theo tôi tính toán, bồi dưỡng cho lực lượng này rất cao. Với 100.000 tổ bảo vệ dân phố, mỗi tổ 3 người phục vụ thì có 300.000 người. Tính trung bình mỗi người hưởng chế độ chi, dù dự thảo luật không nói bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ thấp nhất cũng phải mức lương ở cơ sở, nghĩa là khoảng 1,8 triệu/người. Nhân với 300.000 người, thì phải 540 tỷ đồng/tháng, chia đều cho 63 tỉnh/thành là 8,4 tỷ đồng”, ông Hòa nêu.

Vẫn theo đại biểu Hòa, đó là chưa kể chi bảo hiểm y tế, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây cũng là một khoản lớn.

Bên cạnh đó, người tham gia lực lượng được bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ theo phân công của cấp có thẩm quyền ngoài nhiệm vụ chi; hoặc khi cử đi tập trung đi huấn luyện được hưởng bằng chế độ cơ bản của chiến sĩ; hoặc khi làm nhiệm vụ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau thì được hưởng bồi dưỡng theo quy định…

Ông Hòa cho rằng, cần cân nhắc các chế độ trên để tránh khi luật ban hành rồi khó thực hiện ở địa phương.

“Lực lượng dân quân tự vệ hiện không hưởng lương, phụ cấp hàng tháng, còn lực lượng này có lương hàng tháng, ngoài ra còn bồi dưỡng”, ông Hòa so sánh.

Theo nghị trình, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ sáu vào tháng 10 tới.

Tin bài liên quan