Ông Cedric Gilbert

Ông Cedric Gilbert

Ngành quản lý quỹ sẽ nhắm đến NĐT nhỏ lẻ

(ĐTCK) Các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) từ lớn tới bé tại Việt Nam đang vật lộn tìm hướng đi mới sau một thời gian dài trầm lắng, một số công ty đã lần đầu tiên cho ra mắt sản phẩm quỹ mở đầu năm nay.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi về những thay đổi trong ngành quản lý quỹ với ông Cedric Gilbert, Giám đốc hoạt động CTQLQ Bảo Việt.

Theo ông, ngành quản lý quỹ Việt Nam đang có những biến chuyển như thế nào?

Tôi nghĩ rằng, ngành quản lý quỹ sẽ gặt hái được nhiều ích lợi hơn từ phân khúc NĐT nhỏ lẻ trong thời gian tới, bởi sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành khung pháp lý cho quỹ mở - loại hình quỹ đặc trưng cho phân khúc NĐT nhỏ lẻ, các CTQLQ có thể giới thiệu các sản phẩm đầu tư được thiết kế riêng cho khối NĐT này.

Một vài CTQLQ lớn đã bắt đầu giới thiệu và quảng bá quỹ đầu tư dạng mở của họ từ cách đây ít tuần. Qua đó, NĐT nhỏ lẻ sẽ hiểu dần về sản phẩm đầu tư mới này. Điều này diễn ra tương tự như ở các thị trường khác. Nếu nhìn sang châu Âu, bạn sẽ thấy, tổng tài sản đầu tư vào các quỹ dạng mở chiếm một nửa tổng số tài sản được quản lý bởi các CTQLQ. Tôi không nghĩ có yếu tố nào khiến thị trường Việt Nam sẽ khác.

CTQLQ Bảo Việt là một ví dụ. Hiện chúng tôi đang chỉ phục vụ riêng khách hàng tổ chức, với 6 hợp đồng ủy thác đầu tư và 1 quỹ thành viên. Khi khung pháp lý cho quỹ mở được ban hành, chúng tôi cũng đang nghĩ đến việc mở rộng ra phân khúc khách hàng nhỏ lẻ. Chúng tôi rất có thể sẽ phát triển sản phẩm đầu tư mới phù hợp với nhu cầu thị trường trong tương lai gần.

 

Kết quả chào bán của các quỹ mở vừa rồi cho thấy, tâm lý thích tự “lướt sóng” trong các NĐT nhỏ lẻ vẫn rất phổ biến, trong khi kết quả hoạt động của các CTQLQ không thuyết phục. Vậy các nhà quản lý quỹ sẽ khai thác thị trường này ra sao?

Vẫn còn hơi sớm để kết luận về sự phát triển của loại hình quỹ mở ở Việt Nam . Những quỹ đầu tiên mới được chào bán từ cách đây một vài tuần và đến nay vẫn còn rất ít lựa chọn cho NĐT. Trước khi khung pháp lý cho quỹ đầu tư dạng mở được ban hành, chỉ có rất ít quỹ đầu tư tập trung vào khách hàng nhỏ lẻ. Nhưng giờ đây, sẽ có nhiều quỹ đầu tư lớn với thành tích đầu tư tốt, mở rộng phục vụ sang mảng khách hàng này.

Sắp tới, các CTQLQ sẽ giới thiệu một chuỗi các quỹ đầu tư dạng mở khác nhau, đầu tư vào các tài sản khác nhau, gồm cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác, cho phép NĐT dễ dàng chuyển tiền đầu tư của mình giữa các quỹ này và tìm ra một sản phẩm đầu tư thích hợp với họ.

Tôi biết rằng, một bộ phận NĐT Việt Nam thích tự “lướt sóng” hơn. Rõ ràng, đầu tư vào một quỹ không thể hấp dẫn bằng việc kiếm lời nhanh trực tiếp trên TTCK. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng, các nhà đầu cơ vẫn thích nói về các câu chuyện đầu tư thành công của họ, chứ ít nói về những thất bại. Vì thế, nếu chúng tôi mở rộng ra mảng khách hàng nhỏ lẻ, chúng tôi có thể cho họ thấy những ví dụ về sự thất bại, từ đó so sánh giữa lợi nhuận và rủi ro.

Một lợi ích khác giữa đầu tư vào quỹ so với đầu tư trực tiếp là tính cố định về hiệu quả và rủi ro. Nếu bạn tự đầu tư, bạn có thể có lãi trong năm này nhưng trong năm sau bạn có thể mất tất cả. Liệu có bao nhiêu người đầu tư vào trên 5 cổ phiếu? Rất hiếm. Vì thế, những NĐT này có thể có lợi nhuận rất cao hoặc rất thấp so với mức lợi nhuận trung bình của thị trường và rủi ro là rất cao. Các CTQLQ tốt không chỉ chú trọng vào lợi nhuận, mà còn vào rủi ro.

 

Theo ông, những NĐT như thế nào nên đầu tư vào các quỹ đầu tư dạng mở?

Bản thân tôi cũng đã có kinh nghiệm cá nhân đầu tư vào quỹ mở ở nước ngoài. Quy tắc đầu tiên là luôn luôn cân nhắc thời hạn dự kiến đầu tư. Tôi không nghĩ bạn nên đầu tư vào cổ phiếu, dù là trực tiếp hay thông qua quỹ mở, nếu bạn cần khoản tiền đó trước thời hạn 5 năm. Bởi vì cho dù triển vọng TTCK mà bạn đang đầu tư thế nào thì bạn cũng không bao giờ biết thời gian bao nhiêu là đủ cho mục tiêu kỳ vọng. Nếu bạn cần tiền, bạn có thể bán chứng khoán trong khoảng thời gian khó khăn và chấp nhận mất vốn. Ngược lại, nếu bạn xác định đầu tư dài hơn, bạn sẽ có cơ hội để chọn xem khi nào là thời gian thích hợp để bán.

Thị trường trái phiếu thì lại khác. Giữ trái phiếu ở Việt Nam trong thời điểm này đem lại khoản thu nhập coupon tương đối tốt, nhưng giá trái phiếu lại dao động trái chiều với lãi suất, do đó, khi lãi suất tăng lên, bạn có thể sẽ lỗ vốn, thậm chí có thể lỗ nhiều hơn cả thu nhập coupon bạn được nhận, nếu lãi suất biến động quá mạnh. Thông thường, các quỹ đầu tư trái phiếu phù hợp với NĐT dài hạn, chứ không phải nhà đầu tư nhỏ lẻ.