Trung tuần tháng 4 vừa qua, hai quỹ đầu tư, IDGX và SSI Digital Ventures, phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) triển khai chương trình BlockStar Incubation Program 2025, nhằm ươm tạo các startup ứng dụng Blockchain. Chương trình này sẽ đào tạo 8 startup Web3 trong 10 tuần, giúp họ phát triển sản phẩm, tuân thủ pháp lý và kết nối với nhà đầu tư.
SSI Digital Ventures (SSID) là đơn vị đầu tư đổi mới của Chứng khoán SSI, với 200 triệu USD cam kết và 500 triệu USD danh mục đồng đầu tư, tiên phong trong các giải pháp tài sản số, cơ sở hạ tầng Blockchain và chiến lược token hóa tại Việt Nam.
TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng HIDS cho biết, các startup Blockchain sẽ có cơ hội lớn nhờ vào Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mới đây, Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ công nhận tài sản số là sản phẩm công nghệ số có giá trị pháp lý.
Cũng trong tháng 4, Dragon Capital đề xuất tạo ra tài sản số được mã hoá từ tài sản truyền thống (Real World Assets - RWAs) là các quỹ ETF hiện đang được niêm yết và giao dịch trên HOSE, mở ra hướng đi mới cho thị trường tài chính trong kỷ nguyên số hoá. Việc một tổ chức tài chính lâu đời như Dragon Capital chủ động tham gia phát triển tài sản số là tín hiệu tích cực cho thấy nếu được triển khai thí điểm thành công, mô hình token hóa quỹ ETF sẽ là bước đi chiến lược giúp Việt Nam quản lý rủi ro một cách hiệu quả, đồng thời khơi thông dòng vốn và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Công nghệ Blockchain và tài sản mã hoá đã và đang thay đổi sâu sắc cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu. Các sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung, hay còn gọi là CEX với khả năng xử lý hàng tỷ USD giao dịch mỗi ngày đã trở thành một trụ cột quan trọng trong hệ sinh thái tài chính số.
Tại Việt Nam, sự phát triển của thị trường này cũng rất đáng chú ý. Theo báo cáo của Chainalysis, một tổ chức chuyên phân tích dữ liệu Blockchain, trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022, tổng giá trị tiền mã hoá chảy vào Việt Nam ước tính đạt 90,8 tỷ USD.
Hiện tại, Việt Nam đứng trong Top 5 quốc gia về tỷ lệ người sở hữu tài sản số, cho thấy sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng, dẫn đến nhiều rủi ro và thách thức trong quản lý.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã đưa ra khung pháp lý thử nghiệm và từng bước hợp pháp hóa các sản phẩm số, Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh xu hướng này tại thị trường tài chính trong nước.
Theo bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam là cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Khung pháp lý phù hợp mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan. Đối với doanh nghiệp, tài sản số sẽ là một kênh huy động vốn mới và hiệu quả cho các doanh nghiệp, thông qua các mô hình như STO (Securities Token Offering). Với nhà đầu tư, đây là một kênh đầu tư tiềm năng. Thị trường tài sản số sẽ giúp Nhà nước thu thuế từ giao dịch tiền mã hóa, tăng nguồn thu cho ngân sách. Điều cần thiết là xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để vừa khuyến khích sự phát triển của thị trường vừa kiểm soát được các rủi ro tiềm ẩn.
Có một số yếu tố quan trọng cần phải xem xét kỹ lưỡng khi xây dựng khung pháp lý cho thị trường tài sản số, trong đó bao gồm các quy định về phòng chống gian lận, rửa tiền, các quy định để quản lý ngoại hối và các quy định cụ thể cho các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường này.
Chuyên gia SSIAM cho rằng, Việt Nam cần áp dụng quy trình KYC nghiêm ngặt, xác minh danh tính khách hàng để ngăn chặn các hoạt động phi pháp, kiểm soát rủi ro và đảm bảo tính minh bạch; xây dựng hệ thống giám sát, giúp phát hiện các hành vi gian lận, thao túng thị trường và hoạt động rửa tiền, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Về quản lý ngoại hối, Chính phủ cân nhắc việc khuyến khích giao dịch tài sản số giữa các sàn hợp pháp trong nước để đảm bảo kiểm soát dòng vốn và tránh thất thoát ngoại tệ. Mô hình này đã được một số quốc gia áp dụng nhằm hạn chế rủi ro tài chính trong quá trình phát triển thị trường tiền mã hóa. Thêm vào đó, một cơ chế thuế theo hướng đơn giản và hợp lý, đặc biệt trong giai đoạn đầu xây dựng thị trường, sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Khi thị trường đã phát triển ổn định, Chính phủ có thể điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với thực tế để đảm bảo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Nhìn vào thuận lợi, SSI nhận thấy, thị trường công nghệ số Việt Nam đang bùng nổ, tạo cơ hội lớn để triển khai các dự án sáng tạo. Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, thông qua Chiến lược Blockchain Quốc gia (Quyết định 1236/QĐ-TTg, ngày 22/10/2024) và Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia cũng mang lại môi trường thuận lợi cho các sáng kiến công nghệ.
Tuy vậy, SSI cũng đối mặt với không ít thách thức. Việc chưa có khung pháp lý rõ ràng cho tài sản số khiến các khoản đầu tư gặp rủi ro và khó khăn trong việc đảm bảo tuân thủ. Blockchain là một lĩnh vực kỹ thuật cao, nhưng Việt Nam hiện còn thiếu đội ngũ nhân lực vận hành chất lượng, đòi hỏi đầu tư dài hạn vào đào tạo và giữ chân nhân tài. Ngoài ra, sự biến động của thị trường tài sản mã hóa và cạnh tranh từ các trung tâm Blockchain như Singapore hay Thái Lan đặt ra yêu cầu SSI Digital Ventures phải xây dựng quy trình thẩm định chặt chẽ và tạo sự khác biệt thông qua chuyên môn đầu tư và tính bản địa.
Chia sẻ tại Hội thảo “Kinh nghiệm và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa”, đại diện TCBS cho biết, khi tài sản mã hóa được công nhận với hành lang pháp lý rõ ràng, TCBS sẽ tích hợp vào sản phẩm dịch vụ để cung cấp cho khách hàng, bởi nó sẽ bổ sung kênh đầu tư, giúp đa dạng hóa danh mục và giảm thiểu rủi ro với khách hàng. Dù vậy, đại diện công ty chứng khoán này đánh giá tài sản mã hóa vẫn rất mới, tồn tại nhiều rủi ro, thách thức nên phải lựa chọn kỹ những loại tài sản mã hóa cung cấp cho khách hàng.
Hiện nay, các sàn giao dịch lớn trên thế giới như Binance hỗ trợ giao dịch hơn 400 đồng tiền số, Coinbase trên 200 đồng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo TCBS, Việt Nam nên thí điểm với lượng đồng tiền số giới hạn, có thể là những loại có giá trị và thanh khoản cao, được công nhận ở nhiều nền kinh tế.
Cũng tại sự kiện này, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) Phan Đức Trung nhấn mạnh, thị trường tài sản mã hóa vẫn hoạt động trong “vùng xám”, song có nhiều sàn giao dịch, công ty đổi mới sáng tạo vẫn muốn hiện diện tại Việt Nam. Theo ông Trung, Chính phủ muốn chuẩn hóa thị trường, nên đây sẽ là một sàn thí điểm để từng bước mở rộng hoạt động. Bởi vậy, các đơn vị nên nhìn nhận khó có nhiều sàn giao dịch và không phải một thị trường dành cho tất cả khi thực hiện thí điểm.