Vietnam Airlines sẽ IPO trong tháng 9

Vietnam Airlines sẽ IPO trong tháng 9

Ngành vận tải hàng không Việt Nam có hấp dẫn?

(ĐTCK) Trong bối cảnh toàn cầu và xu thế phát triển của khu vực, câu hỏi đặt ra là thị trường hàng không của Việt Nam hiện đang phát triển như thế nào và đâu là cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này?

Chưa mang lại lợi nhuận…

Vận tải hàng không đã trở thành một trong những ngành công nghiệp thay đổi thế giới. Trong vòng 40 năm qua, di chuyển bằng hàng không tăng trưởng gấp 10 lần và vận tải hàng hóa bằng hàng không tăng trưởng gấp 14 lần, so với tốc độ tăng trưởng gấp 3 - 4 lần của tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tuy đóng góp nhiều vào thương mại và du lịch quốc tế, nhưng đầu tư vào ngành hàng không vẫn chưa thực sự có lời. Những năm gần đây, tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư (ROIC) đã tăng đáng kể, từ mức 3,7% năm 2012 lên 4,4% năm 2013 và 5,4% năm 2014, nhưng vẫn chưa đủ để tạo ra lợi nhuận kỳ vọng cho nhà đầu tư. Tỷ suất ROIC vẫn thấp hơn 2,2% so với chi phí vốn trung bình của doanh nghiệp (WACC), dẫn đến các nhà đầu tư lỗ khoảng 15,2 tỷ USD trên tổng vốn đầu tư ước tính là 700 tỷ USD trong năm nay.

Nhìn vào số liệu năm 2013 và dự báo năm 2014 của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), chúng tôi nhận thấy, chi phí vận chuyển đang có xu hướng giảm. Cộng với những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thông qua tốc độ tăng trưởng GDP và giá trị thương mại quốc tế, nhu cầu vận chuyển hàng không năm nay ước đạt 746 tỷ USD, tăng 5% so với năm ngoái.

… dù tăng trưởng ấn tượng

Khu vực châu Á -Thái Bình Dương là nơi tập trung chủ yếu của các nền kinh tế mới nổi đang chiếm giữ thị phần lớn nhất (khoảng 35%) trong vận chuyển hàng không thế giới. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trên 1 km chuyên chở ước đạt 7,4% trong năm nay do khu vực này chủ yếu là khu vực sản xuất với chi phí nhân công và nguyên vật liệu giá rẻ. Trong năm 2014, toàn thị trường châu Á -Thái Bình Dương ước đạt 3,2 tỷ USD lãi ròng, tương ứng 1,6% biên lãi ròng.

Năm 2015, thỏa thuận “bầu trời mở” (cho phép các hãng máy bay ở 10 quốc gia trong khối ASEAN bay tự do trong vùng mà không cần giấy phép đặc biệt) sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của thị trường vận tải, thông qua việc giao thương dễ dàng và người dân đi lại thuận tiện hơn.

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) của hàng hóa và hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam lần lượt đạt 12,5% và 18,4%. IATA dự báo, trong năm nay, thị trường vận tải hàng không của Việt Nam sẽ đứng thứ ba thế giới về tăng trưởng vận tải hành khách và hàng hóa quốc tế và đứng thứ hai về tăng trưởng vận tải hành khách trong nước.

Thị phần của các hãng hàng không trong nước chiếm 28,6% về sản lượng hàng hóa và 47% về số lượng hành khách vận chuyển. Hiện chỉ có bốn hãng bay của Việt Nam là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và VASCO, trong đó Vietnam Airlines chiếm lĩnh thị phần trong tất cả các đường bay. Năm 2013, Vietnam Airlines chiếm 57,2% thị phần, đạt doanh thu xấp xỉ 72.555 tỷ đồng và lãi trước thuế 533 tỷ đồng sau ba năm hoạt động trì trệ. Jetstar Pacific và Vietjet Air cũng có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chưa có cơ sở để nói rằng, hoạt động vận tải của các hãng đã tốt hơn khi các thông tin tài chính còn là ẩn số.

Lợi thế từ điều kiện địa lý

Có nhiều yếu tố góp phần làm nên những con số tăng trưởng ấn tượng nêu trên. Thứ nhất là do Việt Nam có vị trí chiến lược trên tuyến Bắc - Nam và Đông -Tây trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai, do khoảng cách xa giữa Hà Nội và TP. HCM (1.760 km theo đường bộ) trong khi hạ tầng đường bộ và đường sắt kém phát triển đã thúc đẩy nhu cầu hàng không trong nước tăng mạnh. Thứ ba, nhờ những điều kiện vị trí thuận lợi, Việt Nam có những danh lam thắng cảnh đẹp thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế hàng năm. Thứ tư, nhờ chi phí nhân công rẻ và chính sách mở cửa, Việt Nam đang thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia lớn thúc đẩy thị trường vận tải hàng không phát triển mạnh như Samsung, Intel…

Quy hoạch thừa

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện có 21 cảng hàng không, trong đó có 7 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Phú Quốc và Cần Thơ). Trung bình cứ cách chưa đầy 100 km là có một sân bay, dẫn đến mật độ sân bay ở Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước khác. Có ba cảng hàng không nhộn nhịp và năng động nhất nước là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng.

Theo quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020, cả nước sẽ có thêm 5 cảng hàng không, nâng tổng số lên 26 cảng hàng không, đáp ứng được 123 triệu lượt khách và 3,1 triệu tấn hàng hóa. Với số liệu thực tế năm 2013 và giả định tăng trưởng 20% mỗi năm thì các cảng vẫn hoạt động dưới công suất và không mang lại lợi nhuận như mong muốn.

Rào cản từ vận tải đường bộ

Xét trong cơ cấu khối lượng vận chuyển hàng, vận tải hàng không xếp cuối trong các phương tiện vận chuyển. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, thị phần của hàng không sẽ tăng lên 0,03%, với tốc độ CAGR của tấn x km (đơn vị vận chuyển) từ năm 2008 đến năm 2030 đạt 6,5%. Việc thị phần vận tải của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc lớn vào vận chuyển đường bộ (chiếm hơn 70%) cũng là rào cản cho vận tải hàng không phát triển.

Rào cản đầu tư

Đầu tư vào ngành hàng không ở Việt Nam cũng gặp nhiều rào cản từ nhiều phía khác nhau. Chỉ có một vài nhà đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp vận tải hàng không của Việt Nam chủ yếu do hai nguyên nhân:

Thứ nhất là do lợi nhuận thấp. Các hãng hàng không thế giới chưa mang lại lợi nhuận cao cho chủ đầu tư, trong khi ở Việt Nam thậm chí có những hãng bay đã phá sản như Indochina Airlines, hay Air Mekong phải xin dừng hoạt động mà chưa biết ngày hoạt động trở lại. Những doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines phải xin Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho khoản vay để mua sắm máy bay mới. Kết quả kinh doanh của các đơn vị mặt đất thì ngoại trừ Công ty Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC) có tín hiệu khả quan, những đơn vị còn lại không công bố rõ ràng số liệu.

Thứ hai là quan ngại của Chính phủ khi sử dụng vốn nước ngoài vào các dự án phát triển hàng không. Với những quy định hiện tại, các công ty nước ngoài muốn tham gia lĩnh vực hàng không tại thị trường Việt Nam đều phải thành lập công ty liên doanh với Nhà nước hoặc công ty trong nước và tỷ lệ sở hữu không quá 49%.

Tuy nhiên, do nhu cầu vốn lớn từ các dự án sân bay, trong khi vốn ngân sách chỉ có thể tài trợ một phần nhỏ, Chính phủ đang kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân dưới hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) hoặc liên doanh với Chính phủ. Thêm nữa, theo chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, Vietnam Airlines sẽ được cổ phần hóa trong năm nay và bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cho các nhà đầu tư chiến lược cũng như các nhà đầu tư khác.

Vietnam Airlines sắp IPO

Manh nha ý tưởng cổ phần hóa từ những năm 2007 - 2008, kế hoạch IPO của Vietnam Airlines mãi tới năm nay mới có biến chuyển khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiên quyết yêu cầu đơn vị này thực hiện cổ phần hóa. Cuối tháng 5/2014, Vietnam Airlines đã được chấp thuận giá trị doanh nghiệp tại ngày 31/3/2014 là 57.156,5 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 10.576,4 tỷ đồng.

Trong tháng 6/2014, Bộ GTVT đã phê duyệt phương án cổ phần hóa và trình Chính phủ. Như vậy, dự kiến đến tháng 9, Vietnam Airlines sẽ tiến hành IPO. Công tác bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ diễn ra đồng thời với quá trình IPO trong nước và dự kiến tập trung triển khai trong quý IV/2014. Từ 1/1/2015, Vietnam Airlines sẽ chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần.

Giá khởi điểm của cổ phần Vietnam Airlines là 22.300 đồng/cổ phần. Để đánh giá được đây có phải là mức giá hấp dẫn hay không thì cần có thêm nhiều thông tin về chiến lược và kế hoạch kinh doanh của Công ty trong những năm tới.

Tin bài liên quan