Ngày trở về huy hoàng của GM

Ngày trở về huy hoàng của GM

(ĐTCK-online) Ngày 18/11/2010, cổ phiếu của General Motors (GM), tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất Mỹ đã chính thức được giao dịch trở lại tại Sàn chứng khoán New York. Vậy là GM đã lại trở về “mái nhà xưa” sau gần 18 tháng vắng bóng. Hơn nữa, ngày trở về lại huy hoàng, hoành tráng ở mức khó có thể tốt hơn.

Đầu tuần qua, GM đã chính thức nâng giá khởi điểm chào bán từ 26 - 29 USD/cổ phiếu lên 32 - 33 USD/cổ phiếu; nâng số lượng cổ phiếu thường đưa ra giao dịch từ 365 triệu lên 478 triệu. Số lượng cổ phiếu ưu đãi cũng tăng từ 4 triệu lên hơn 4,2 triệu.

Theo giới phân tích, việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của GM chắc chắn thành công và phá kỷ lục cũ của Tập đoàn VISA (Mỹ) lập vào năm 2008 (với giá trị 19,7 tỷ USD).

Vào đầu phiên giao dịch, sau tiếng chuông quen thuộc mở màn là tiếng còi ôtô vang ngập sàn, đầy ấn tượng phỏng theo tiếng còi của loại xe Chevrolet Camaro. Một không khí náo nhiệt được hâm nóng, nên có người ví đây không phải là sàn giao dịch, mà là sàn... nhảy.

Vào cuộc, giá cổ phiếu của GM tăng liên tục, ở thời điểm  giữa phiên đã leo tới 35,99 USD/cổ phiếu. Sau đó, giá cổ phiếu đã tụt dần, để rồi dừng lại ở mức 34,19 USD/cổ phiếu, ở thời điểm đóng cửa tăng 3,6% so với giá chào sàn. Với kết quả này, IPO của GM có giá trị hơn 20 tỷ USD đã chắc chắn một lúc xô đẩy 2 kỷ lục. Thứ nhất, vượt qua IPO của VISA; thứ hai đây cũng là IPO bán lẻ lớn nhất thế giới khi có lượng cổ phiếu trị giá tới 4 tỷ USD dành riêng cho nhà đầu tư cá nhân.

Chưa hết, IPO của GM còn được thực hiện đồng thời cả ở Sở GDCK Toronto (Canada), tại đây Chính phủ Canada giảm tỷ lệ sở hữu của mình ở GM từ 11,7% xuống còn  9,6%. Dù còn phải chờ một vài tuần mới có số liệu thống kê và tổng hợp chính thức, song Hãng Thomson Reuter rất có uy tín đã đưa ra dự báo “chắc nịch” rằng, IPO của GM phải đạt tới 23,1 tỷ USD, một kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, vượt cả  IPO của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc được thực hiện vào tháng 7 vừa qua (có giá trị 22,1 tỷ USD).

Khi GM bị phá sản vào ngày 1/6/2009, giá cổ phiếu của GM chỉ dao động trên 1 USD/cổ phiếu, nay thì cao gấp hơn ba chục lần. Vì thế, mọi người đều đánh giá đây là sự hồi sinh thực sự của một trong những thương hiệu lừng danh nhất Mỹ một thời.

Kết quả này dường như đã làm hài lòng tất cả. Vui nhất có thể nói là Chính phủ Mỹ. Bằng việc giảm cổ phần sở hữu từ 60% xuống còn 33%, Chính phủ Mỹ thu về khoản tiền hơn 12 tỷ USD cho ngân sách. IPO của GM thắng lợi đã giúp cho Chính phủ Mỹ “dễ ăn dễ nói” hơn với công chúng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu: “Đây là một mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự hồi sinh không chỉ của một thương hiệu nổi tiếng, mà còn là của cả nền công nghiệp ôtô Mỹ. Ủng hộ nền công nghiệp ôtô đòi hỏi những quyết định khó khăn và hy sinh, song giúp nhiều lao động không mất việc làm, cứu cho ngành ôtô không bị đình đốn và còn trở nên có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn”.

Quả là trong vòng hơn 2 năm qua, GM đã nhiều lúc “lên voi, xuống chó”.

Tháng 9/2008, GM kỷ niệm 100 năm ngày ra đời. Lúc đó, cuộc khủng hoảng tài chính đã bắt đầu xuất hiện, song GM buộc phải làm lễ rất long trọng, tốn kém, bởi trăm năm mới có… một lần.

Ngày 1/6/2009, GM đệ đơn xin bảo hộ phá sản để rồi sau đó 6 tuần, Chính phủ “hà hơi tiếp sức” vực GM trở lại bằng khoản tiền cứu trợ khẩn cấp trị giá 50 tỷ USD. Và từ đây, GM bị nhiều người diễu cợt và gắn cho cái tên “Government Motors” -  hãng xe của Chính phủ.

GM đã phải đóng cửa 14 trong số 47 nhà máy của mình, bán đi các thương hiệu Hummer, Saturn, Saab, xóa sổ Pontiac… Hiện GM có tổng cộng khoảng 209.000 nhân viên trên toàn cầu, giảm mạnh từ con số 324.000 người năm 2004.

Thế nhưng, năm nay là một năm “ăn nên làm ra” của GM.

Trước khi phá sản, GM cứ làm 1 xe thì lỗ 4.000 USD, còn nay ngược lại, cứ 1 chiếc xe GM xuất xưởng, GM lãi 2.000 USD. Quý I/2010, GM lãi 865 triệu USD, quý đầu tiên có lãi kể từ năm 2007. Quý II lãi 1,3 tỷ USD; quý III lãi 2,2 tỷ USD. Chắc chắn, năm nay GM sẽ có lãi và đây là năm đầu tiên kể từ năm 2004 GM lại có lợi nhuận.

Từ năm 2005 đến 2009, GM bị lỗ 88 tỷ USD. Dù rất lạc quan, song ông Dan Akerson, Giám đốc điều hành (CEO) của GM cũng tỉnh táo nhận định: “Hôm nay (18/11) đánh đấu sự khởi đầu của GM mới, song phía trước còn nhiều việc phải làm”.

Theo tính toán, để thu hồi được toàn bộ số tiền cứu trợ còn lại, Chính phủ Mỹ phải bán hết hơn 33% cổ phần còn lại của mình ở GM, khi giá cổ phiếu của GM ở mức 53 USD/cổ phiếu. Lúc đó, Chính phủ Mỹ mới hết… duyên nợ với GM. Song xem ra, ngày ấy còn lâu mới tới.