Nghịch lý giá dầu càng giảm, Petrolimex càng lãi ít

Nghịch lý giá dầu càng giảm, Petrolimex càng lãi ít

(ĐTCK) Với lần giảm giá thứ 10 kể từ đầu năm đến nay vào ngày 22/11 với mức giảm dao động từ 450 - 1.140 đồng/lít đối với các mặt hàng xăng dầu, tính ra, giá xăng trong nước đã giảm tổng cộng gần 5.400 đồng/lít, tức giảm khoảng 20%.

Mặc dù đà lao dốc mạnh của dầu thô khiến việc giảm giá trong nước chưa theo kịp với thế giới, nhưng đại diện các đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn cho rằng, có nhiều yếu tố bất ổn tác động tới kế hoạch lợi nhuận quý IV cũng như cả năm nay của họ. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, so với mức giảm gần 30% của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, đà giảm giá xăng dầu trong nước vẫn khá chậm và mức giảm chưa tương xứng. Tuy nhiên, cùng với việc điều chỉnh giảm giá, cơ quan quản lý vẫn chỉ đạo DN trích lập vào Quỹ bình ổn xăng dầu đợt này 600 đồng/lít, kg cho tất cả các mặt hàng xăng dầu và chưa cho phép DN được sử dụng quỹ do giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu vẫn liên tục giảm trong khoảng thời gian giữa 2 lần giảm giá từ 7/11 đến 22/11. Điều này dường như đang tạo sức ép lên các DN kinh doanh xăng dầu khi mà các chỉ tiêu lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu 3 quý đầu năm chưa đạt và quãng thời gian để hoàn thành kế hoạch năm chỉ còn hơn 1 tháng. 

Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), DN đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường xăng dầu nội địa, cho biết, đến nay chưa có cơ sở cụ thể khẳng định Petrolimex sẽ lỗ trong quý IV, nhưng nếu tiếp tục phải giảm giá xăng dầu thì khả năng giữ được mức lợi nhuận bình quân như 3 quý đầu năm là vô cùng khó khăn. Theo ông Năm, mặc dù chỉ số lợi nhuận 9 tháng 2014 công bố đạt trên 1.400 tỷ đồng, song thực tế, lợi nhuận từ kinh doanh mặt hàng xăng dầu chỉ đạt 41% kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, theo dự báo của nhiều tổ chức, giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục giảm với biên độ giảm nhanh và rất khó lường. Đây là yếu tố tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của Petrolimex và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận cả năm của Tập đoàn.

Lý giải tác động từ việc giảm giá xăng dầu tới hoạt động kinh doanh, ông Năm cho biết, do Petrolimex chiếm tới 50% thị phần xăng dầu nội địa và phải chịu trách nhiệm đảm bảo cân đối cho nền kinh tế, có nghĩa là luôn phải có lượng tồn kho nhất định khá lớn. Nếu giá thế giới cứ tiếp tục giảm thì Petrolimex luôn trong trạng thái phải bán với giá thấp hơn lượng xăng dầu dự trữ, nên xét về mặt kinh doanh sẽ bị lỗ liên tục.

Ở đây cũng phải nói thêm rằng, cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu vừa có hiệu lực từ đầu tháng 11/2014 cũng “góp phần” gây khó cho DN, bởi quy định cố định khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh giá 15 ngày có thể khiến việc điều chỉnh giá bị dồn nén và giật cục.

Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc khống chế 15 ngày không phù hợp với việc DN được tự điều chỉnh giá trong biên độ từ 1 - 3%, vì khi giá lên hoặc xuống dần thì DN không điều chỉnh được. Và đến khi biên độ điều chỉnh lên tới 3 -7% phải có sự chỉ đạo từ liên bộ thì việc điều chỉnh trở nên giật cục, dồn nén, khiến DN rất khó khăn và thị trường rơi vào tình trạng tăng hoặc giảm khá mạnh, đúng như trường hợp giảm giá ngày 22/11 vừa qua. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc chưa tách bạch rõ ràng giữa xăng dầu dự trữ theo mục tiêu an ninh quốc gia và dự trữ của DN để tính giá cũng như thiếu ngân sách cho dự trữ xăng dầu cũng là một lý do và Petrolimex là điển hình ở trường hợp này khi phải sử dụng vốn kinh doanh để cùng một lúc đáp ứng cả 2 mục tiêu.

Bên cạnh đó, theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, một khó khăn đang hiện hữu cũng có khả năng tác động tới kết quả kinh doanh của Tập đoàn, đó là việc giảm sút của kênh bán buôn trong thời gian gần đây. “Mặc dù cơ cấu hàng bán lẻ của Petrolimex có tăng khoảng 6% về sản lượng, song tình hình bán buôn của khối kinh doanh đại lý thông qua kênh thương mại gần đây lại giảm sút đáng kể”, ông Bảo cho biết.

Theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2014 của Petrolimex, các chỉ tiêu chính là phấn đấu đạt sản lượng xuất bán 9,3 triệu tấn xăng dầu, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn ước đạt 200.000 tỷ đồng,  lợi nhuận hợp nhất trước thuế khoảng 2.000 tỷ đồng. Chia cổ tức dự kiến khoảng 8 - 10% và tổng giá trị đầu tư toàn ngành khoảng 891 tỷ đồng.

Theo số liệu công bố 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất của Petrolimex đạt 158.578 tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch năm và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2013; tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 1.418 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch năm và giảm 10% so với cùng kỳ; tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 1.150 tỷ đồng.

Tin bài liên quan