Tội phạm trên lĩnh vực chứng khoán ngày càng nhiều và mức độ vi phạm ngày càng phức tạp.

Tội phạm trên lĩnh vực chứng khoán ngày càng nhiều và mức độ vi phạm ngày càng phức tạp.

Nghiêm minh với tội phạm chứng khoán

(ĐTCK) Cuối tuần qua, Quốc hội đã tổ chức thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung). Dự án này sẽ bổ sung một số tội phạm mới trong lĩnh vực tài chính - kế toán và lĩnh vực chứng khoán như tội in, phát hành, mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn…; tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội gian lận, lừa đảo trong giao dịch chứng khoán; tội thao túng giá chứng khoán.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với việc bổ sung các tội danh trên vì cho rằng, đây là các hành vi mới phát sinh, nguy hiểm cho xã hội ở mức độ cao, đòi hỏi phải bị xử lý về hình sự. Tội phạm trên lĩnh vực chứng khoán ngày càng nhiều và mức độ vi phạm ngày càng phức tạp, trong khi Bộ luật Hình sự sửa đổi sớm nhất cũng phải đến năm 2010 mới có thể đi vào cuộc sống, chính vì vậy, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nhằm ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, có thể vận dụng các tội danh hiện có trong Bộ luật Hình sự hiện hành như tội lừa dối khách hàng (Điều 162), tội kinh doanh trái phép (Điều 159) để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 181a (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán), dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung thì người nào có nghĩa vụ công bố thông tin mà cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Phạm tội có tổ chức, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thu lợi bất chính lớn, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 181b (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán) quy định, người nào biết được thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó mà sử dụng thông tin này để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin đó thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử lý hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp (có tổ chức; gây hậu quả nghiêm trọng; thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; tái phạm nguy hiểm) thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 181c về tội gian lận, lừa đảo trong giao dịch chứng khoán quy định, người nào gian lận, lừa đảo trong giao dịch chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính lớn; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Còn theo Điều 181d (tội thao túng giá chứng khoán) thì người nào nhằm thao túng giá chứng khoán mà có một trong các hành vi (thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán; sử dụng các phương pháp giao dịch khác) gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội có tổ chức, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thu lợi bất chính lớn, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Ban soạn thảo cân nhắc rất kỹ trước khi đề xuất các hình phạt kể trên. "Các mức hình phạt kể trên là phù hợp với tình hình tội phạm về chứng khoán tại Việt Nam và cũng phù hợp với các hình phạt mà nhiều nước đang áp dụng", ông Cường nói.