Người nhập cư từ góc nhìn văn hóa

(ĐTCK) Hà Nội hay các đô thị lớn như TP.HCM, Đà Nẵng đều đang thu hút ngày càng nhiều dân nhập cư đến học tập, làm việc và sinh sống. PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nhà nhân học, chuyên gia văn hóa đã dành cho Báo Đầu tư Bất động sản những chia sẻ thú vị về vấn đề này. 

Xu hướng dân nhập cư vào Hà Nội hay các đô thị lớn là không thể đảo ngược. Ông nhìn nhận gì về xu thế này?

Dân nhập cư tới Hà Nội và các thành phố lớn rất đa dạng. Trước đây, chủ yếu là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, có trình độ nhất định và một phần khác là những người có nghề nghiệp, thì nay, với sự phát triển của nền kinh tế, ngày càng xuất hiện nhiều lĩnh vực mới, nên chất lượng dân nhập cư vào Hà Nội cũng khác trước. Người dân nông thôn ra đô thị ngày càng nhiều, lao động giản đơn cũng phát triển nhanh hơn, từ giúp việc tại nhà, phục vụ cửa hàng ăn uống, chăm sóc bệnh nhân, chạy xe…

Ngày nay, nông thôn ngày càng ít thanh niên hơn và nó cũng cho thấy sức hút lớn từ các thành phố. Tuy nhiên, câu chuyện này chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, chứ các đô thị loại 1, 2 thì ít hơn nhiều.

Theo quan sát của ông, người nhập cư ở thành phố đang gặp phải vấn đề gì?

Phải nhìn nhận rất thật rằng, thường thì đa phần lao động nhập cư ở trình độ thấp, điều đó rõ ràng ảnh hưởng đến chất lượng dân cư của thành phố, ảnh hưởng đến chất lượng sống, chất lượng văn hóa của các đô thị.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy

Đời sống người nhập cư, đặc biệt là các lao động đơn giản hiện còn rất khó khăn. Họ thuê các khu nhà ở chật chội và chen chúc nhau, ở nhiều người/phòng và ở theo nhóm cư dân, cư dân cùng mạng lưới mang tính địa phương, chủ yếu kiếm sống, chứ đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa còn ở mức thấp.

Tôi từng đi thực tế tìm hiểu về cuộc sống của những người bán hàng rong và nhận thấy họ rất vất vả, là cái đáy của sự cùng cực. Người ta mang sức lực ra để kiếm tiền, để nuôi con ăn học và trang trải cho gia đình, chứ bản thân họ cơ bản không được thưởng thức văn hóa.

Ngoài ra, đời sống của công nhân tại nhiều khu công nghiệp cũng rất khó khăn. Đó là vấn đề lớn của câu chuyện quản lý đô thị, cho thấy chúng ta không có chuẩn bị tốt cho cuộc sống của cư dân mới ở đô thị đang phát triển.

Quan sát câu chuyện nhà ở với người nhập cư, ông thấy có vấn đề nổi cộm nào?

Người nhập cư có nhiều nhóm, thành phần, cơ bản vẫn là thuê nhà, chung nhau căn hộ và điều kiện sống thì không được hưởng thụ nhiều về văn hóa tinh thần. Như đã nói, có nhiều người dân nhập cư đang sống trong điều kiện rất khó khăn về nhà ở.

Một nhóm khác là những người nhập cư có trình độ, công việc và thu nhập cao hơn, ổn định hơn thì có nhu cầu sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, những sinh viên tốt nghiệp cũng phải sau 10 năm hoặc hơn mới có thể mua được nhà, cộng với sự hỗ trợ của người thân. Những người này trước đó cũng phải sống trong những điều kiện tối thiểu, từng bước tham gia vào hoạt động xã hội, kinh tế mới có thể tạo dựng cơ hội sở hữu bất động sản.

Người nhập cư từ góc nhìn văn hóa ảnh 2

Vậy còn với người nhập cư ngoại quốc thì sao?

Người nhập cư nước ngoài có thể ở lâu dài, có thể ở ngắn ngày là rất đa dạng, rất nhiều loại, nhóm khác nhau. Có những lao động chính thức, phi chính thức (không hợp đồng). Người nước ngoài thường có điều kiện thuê nhà, mua nhà, vì dù sao lương của họ so với mức bình quân của lao động Việt Nam là cao hơn nhiều.

Theo tôi, đây là xu thế tốt và không thể đảo ngược được. Quan sát Hà Nội trong 15 - 20 năm trở lại đây, bộ mặt khác hẳn. Ngày càng có nhiều người ở các quốc gia, sắc tộc khác nhau đến Hà Nội sống và làm ăn. Có ngày càng nhiều dịch vụ như nhà hàng, cửa hiệu bán đồ ăn của Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… đi kèm để phục vụ người nhập cư. Các nhà hàng, cửa hiệu như vậy đáp ứng cả một phần nhu cầu của người Việt Nam, nhưng lại hướng nhiều hơn đến dân nhập cư, hay khách du lịch quốc tế. Hà Nội, TP.HCM ngày càng trở thành một thành phố đa văn hóa, văn hóa của nhiều quốc gia đang tràn ngập.

Vậy điều này là tốt chứ, thưa ông?

Đúng rồi bạn. Vài chục năm trước, tôi đi nước ngoài thì ước mơ về cuộc sống đa văn hóa như vậy, ở Pháp có thể gặp quán ăn của Mỹ, châu Phi, Nhật, Hàn… Trong khi ngày đó ở Hà Nội, TP.HCM chỉ có quán ăn của người Việt.

Ngày đó, tôi tưởng là ước mơ xa xôi, nhưng giờ nó đã thành sự thực, hiển thị hàng ngày. Một thành phố đa văn hóa sẽ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ. Và nó cũng chính là một bằng chứng về sự phát triển kinh tế nữa.

Nhưng có vẻ như sự hướng ngoại lai hơi nhiều?

Điều này cũng đúng. Hà Nội là thành phố đa văn hóa và tính quốc tế còn mạnh hơn cả màu sắc đa dân tộc vốn có của người Việt Nam. Chúng ta thấy không nhiều quán ăn mang bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như Ê Đê, Mường, Thái..., nhưng quán ăn đa văn hóa quốc tế có nhiều. Điều này cho thấy sự hội nhập tốt của Hà Nội và tôi tin rằng trong tương lai, các quán ăn của các vùng, miền, dân tộc ở Việt Nam sẽ phát triển ở các đô thị này.

Hiện tại, mới có nhiều món ăn mang tính địa phương như Huế, Quảng Nam, Nghệ An… Các món ăn, cách ăn của dân tộc thiểu số còn vắng mặt và tôi nghĩ, đây có thể là hướng đi hay nếu chúng ta biết cách phát huy các bản sắc văn hóa này lên.

Quay lại một chút về câu chuyện văn hóa chung cư. Nhiều người cho rằng, người nhập cư vẫn mang theo thói quen sinh hoạt theo bề ngang, kiểu làng xã trước đây để đến sống ở các tòa chung cư, trong khi mô hình nhà chung cư quản lý theo mặt đứng, tức có sự thay đổi về xã hội học, sở hữu chung riêng cũng khác biệt nhiều so với nhà liền thổ và tạo nên những xung đột. Ông nhìn nhận câu chuyện này ra sao?

Câu chuyện chiều ngang hay chiều thẳng đứng là bình thường trên các đô thị trên thế giới. Không đô thị nào mở ra đã là thành phố hoàn chỉnh, mà nó phải là hình thành theo theo thời gian. Các nước phát triển họ đi trước chúng ta cả thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ, ta đi chậm hơn và đang phải trải qua tiến trình tương tự. Đô thị nào cũng vậy, đều phải đối mặt với câu chuyện này.

Đô thị hiện đại giờ khác đô thị hình thành từ các thế kỷ 13, 14 trước kia. Câu chuyện hiện nay là vấn đề quản lý văn hóa đô thị, gắn với quản lý đô thị. Cái này nói chung là rất mới với chúng ta, chúng ta làm chưa tốt trên rất nhiều phương diện.

Có nhiều khu chung cư mới mà công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch, văn hóa đều kém. Khi xây chung cư phải thỏa mãn tất cả nhu cầu đời sống của người dân, nhưng chúng ta chưa tính toán đầy đủ hoặc bị những lợi ích khác nhau chèn lấn, lấn át, không cho thấy sự đồng bộ của tất cả các khía cạnh.

Nói vậy tức văn hóa nhà ở đô thị của Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ nếp sinh hoạt nông thôn?

Đúng vậy. Có thời, chúng ta đã nhồi nhét cả mấy gia đình, thậm chí cả chục gia đình vào một biệt thự Pháp, mỗi hộ một căn phòng vài chục mét vuông, đó là nếp sống đầu tiên của những người dân nông thôn ra Hà Nội. Sau này khi xây tập thể, người dân có căn hộ riêng, nhưng cách thiết kế cũng rất nông thôn là chung khu vệ sinh, chung không gian chung (chỗ sinh hoạt, nấu cơm).

Bây giờ đã và đang tiến đến chung cư đô thị hiện đại, nếp sống không quen, thì rồi dần sẽ quen, những cụ già nhai trầu, hút thuốc lào một thời bị coi là nông thôn hóa thành thị, nhưng chỉ là những thói quen và sẽ được rèn luyện. Thời gian sẽ dạy cho mọi thế hệ quen một nếp sống đô thị, dạy người ta cách ứng xử, cách sống, dạy người nào biết việc người ấy, không mách lẻo, tọc mạch...

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan