Mức độ quan tâm tới bất động sản vẫn lớn. Ảnh: Trọng Tín

Mức độ quan tâm tới bất động sản vẫn lớn. Ảnh: Trọng Tín

Nguồn cung nhà đất tăng nhẹ quý cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản đang chứng kiến nhiều dự án mới cũng như giai đoạn tiếp theo được giới thiệu, mở bán nhằm đón sóng cao điểm mua nhà cuối năm…

Nguồn cung nhích tăng

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, so với phía Tây hay Nam TP.HCM, nguồn cung bất động sản mới tại khu vực TP. Thủ Đức, Đồng Nai, Bình Dương… dồi dào hơn.

Cụ thể, tại Đồng Nai, dự án Izumi City quy mô 170 ha (tên thương mại là Dong Nai Waterfront) của Nam Long Group và Hankyu Hanshin Properties (Nhật Bản) đang chào thị trường với dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự. Cùng khu vực và phân khúc, dự án Đại Phước Center City quy mô hơn 45 ha của Kim Oanh Group cũng rục rịch ra mắt thị trường khu Đông cuối năm nay.

Tại Bình Dương, giai đoạn cuối năm có dấu hiệu sôi động trở lại nhờ sự xuất hiện của loạt dự án căn hộ mới. Đơn cử, Phú Đông Group dự kiến ra mắt dự án Phú Đông SkyOne tại TP. Dĩ An trong quý IV này. Dự án với gần 800 căn hộ, diện tích từ 40-75 m2 với giá bán từ 1 tỷ đồng/căn. Đây là dự án có giá bán “vừa tầm” hiếm hoi tại khu vực ven TP.HCM thời điểm này.

Cách đó không xa, chủ đầu tư Tập đoàn Lê Phong và nhà thầu xây dựng Coteccons đã ký kết hợp tác phát triển dự án căn hộ cao cấp The Emerald 68 tại TP. Thuận An, dự kiến tung ra thị trường gần 800 căn hộ từ cuối năm nay.

Tại TP.HCM, nguồn cung tập trung phần lớn ở khu Đông Thành phố. Mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh đã ra mắt dự án căn hộ Moonlight Avenue quy mô gần 9.000 m2, cung cấp ra thị trường hơn 800 căn hộ. Đây là dự án tiếp theo trong chuỗi 4 dự án Moonlight của đơn vị này gồm Moonlight Centre Point, Moonlight Boulevard, Moonlight Park View (quận Bình Tân) và Moonlight Residences (TP. Thủ Đức).

Ngoài những dự án mới, thị trường TP.HCM cũng đón nhận thêm những sản phẩm ở giai đoạn tiếp của một số dự án triển khai trước đó. Đơn cử, chủ đầu tư Điền Phúc Thành đang chào bán ra thị trường giai đoạn tiếp theo dự án MT Eastmark City Thủ Đức với loạt sản phẩm căn hộ, shophouse. Giai đoạn đầu dự án này đã bán hết sản phẩm với mức giá bình quân 40 triệu đồng/m2.

Bên cạnh MT Eastmark City, một loạt dự án khác cũng chào bán sản phẩm ở giai đoạn sau như D-Aqua (quận 8) của DHA Corporation; Salto Residence - Phase 2 (TP. Thủ Đức) của Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC); The Metropole (TP. Thủ Đức) của SonKim Land; De La Sol (quận 4) của Capitaland; King Crown Infinity (TP. Thủ Đức) của Bamboo Capital Group…

Về phân khúc sản phẩm, DKRA Group đưa ra dự báo, nguồn cung mới đất nền trong 3 tháng cuối năm sẽ tăng nhẹ, đạt khoảng 1.500-2.000 nền, tập trung chủ yếu ở các thị trường vùng ven TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Mặt bằng giá thị trường thứ cấp có khả năng duy trì ở mức ổn định, khó tăng đột biến. Ngược lại, giá bán thị trường sơ cấp sẽ tiếp tục đi lên do các loại chi phí đầu vào tăng.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới có thể tăng trong quý IV/2022, đạt khoảng 6.000-7.000 căn, trong đó TP.HCM khoảng 3.000-4.000 căn, Bình Dương khoảng 2.000-3.000 căn, Long An khoảng 350 căn và Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 500 căn.

Trong khi đó, nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự có thể sụt giảm trong quý cuối năm nay so với quý trước đó, đạt khoảng 2.500 căn, tập trung chủ yếu ở Đồng Nai và Bình Dương.

Khó khăn còn ở phía trước

Khách hàng tham quan dự án dự án Phú Đông SkyOne. Ảnh: Trọng Tín

Khách hàng tham quan dự án dự án Phú Đông SkyOne. Ảnh: Trọng Tín

“Việc thị trường không có nhiều chuyển biến tích cực trong giai đoạn cuối năm nên nguồn cung bất động sản được dự báo khó có sự đột biến”, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định và cho rằng, ở giai đoạn này, số lượng dự án tung ra thị trường chỉ ở mức tương đương với giai đoạn đầu năm 2022. Cùng với đó, giá bán cũng sẽ tăng ở hầu hết các phân khúc.

Theo ông Khương, các điểm nghẽn pháp lý có mối quan hệ mật thiết với nguồn cung bất động sản. Khi điểm nghẽn này được gỡ bỏ, thị trường mới có cơ hội ghi nhận nhiều nguồn cung mới và ngược lại.

“Nhiều dự án đã được chuyển nhượng thành công, nhưng để phê duyệt dự án từ bước có chủ trương đến khi có được giấy phép xây dựng phải cần tối thiểu 3-5 năm. Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp để giúp doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tạo ra giá trị và bổ sung nguồn cung mới, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân”, ông Khương nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, nếu thị trường còn khó khăn kéo dài thì nguồn cung mới sẽ càng hạn chế và các đô thị lớn sẽ dần mất sức hút cũng như tính cạnh tranh so với các khu vực lân cận. Khi đó, bài toán nhà ở sẽ được phân bổ ở các đô thị vệ tinh, tạo nên thách thức cho các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội…

Đồng quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Trưởng Bộ phận Định giá - Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE đánh giá, những tháng cuối năm, thị trường căn hộ sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nguồn cung tiếp tục hạn chế, nhất là khúc trung cấp và bình dân. Theo đó, người có nhu cầu mua để ở sẽ không có nhiều lựa chọn do hầu hết nguồn cung mới tập trung ở phân khúc cao cấp trở lên.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, mặc dù thị trường đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chưa rơi vào suy thoái, bởi mức độ quan tâm tới bất động sản vẫn lớn, hiện tượng sốt đất, “bong bóng” gần như không còn xuất hiện, hoạt động đầu cơ giai đoạn này cũng gần như bị triệt tiêu…

“Chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó nhóm dự án hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn, sẽ tạo ra nhiều khu kinh tế, khu du lịch, khu đô thị..., kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng, dịch vụ, văn phòng..., đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp trong xu thế chuyển dịch sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam”, ông Đính nói và cho rằng, thị trường bất động sản sẽ sớm bước vào giai đoạn tái cân bằng, từ đó phát triển ổn định, bền vững hơn khi Nhà nước tiếp tục linh hoạt điều hành các chính sách, công cụ hành chính để điều tiết cung cầu bất động sản.

Tin bài liên quan