Nhà đầu tư chờ đợi lời giải thích và thông điệp trấn an thị trường

Nhà đầu tư chờ đợi lời giải thích và thông điệp trấn an thị trường

(ĐTCK) Liên tiếp trong mấy ngày gần đây, ĐTCK nhận được điện thoại, email của nhà đầu tư liên quan đến việc nhà quản lý ở đâu, lãnh đạo các DN lớn ở đâu trong bối cảnh TTCK rơi tự do, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của các nhà đầu tư trên thị trường.

“Thị trường giảm khủng khiếp quá”, “chứng khoán rơi tự do”, “chúng tôi sắp mất hết tiền”… là lời cảm thán của nhiều nhà đầu tư trước bối cảnh TTCK hiện nay. Trong cuộc điện thoại chiều ngày 17/12 với ĐTCK, nhà đầu tư Đặng Thành, sống tại quận 10, TP. HCM và đang có tài khoản tại CTCK Maybank Kim Eng cho biết, ông không thể lý giải được tại sao TTCK lại giảm dữ dội như vậy. Các cổ phiếu lớn, cơ bản tốt như GAS, PVD, HPG, VNM… đã mất giá từ 10-40%, khiến nhà đầu tư không chịu đựng nổi.

“Điều chúng tôi cần nhất là thông điệp từ cơ quan quản lý, từ lãnh đạo DN xem hiện trạng này là vì đâu, nếu không, nhà đầu tư sẽ mất hết niềm tin vào thị trường”, ông Thành nói.

Cơn hoảng loạn như thời “sóng gió biển Đông” hồi tháng 5 lại trở lại với TTCK Việt Nam trong những phiên giữa tháng 12. Trong 3 phiên giao dịch đầu tiên của tuần này, các chỉ số điều chìm trong sắc đỏ, đặc biệt là trong phiên giao dịch ngày thứ Ba và thứ Tư. Lực bán tháo xảy ra trên diện rộng, chứ không còn nằm ở nhóm cổ phiếu dầu khí, khiến VN-Index giảm 5,42%, trong khi HNX-Index cũng mất 4,31% chỉ trong 2 phiên.

“Không phủ nhận diễn biến giảm điểm trên TTCK quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ, có ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, sự khác biệt là TTCK quốc tế chỉ giảm trong biên độ hẹp, hiếm khi giảm đến 1%, nhưng TTCK Việt Nam thì 1 phiên giao dịch, nhà đầu tư có thể mất đến 5%, 10%, thậm chí đến 20% nếu vay để đầu tư chứng khoán”, bà T. T - nhà đầu tư có tài khoản cả trăm tỷ đồng nói.

Là người đầu tư chuyên nghiệp nhiều năm nay và theo dõi rất sát TTCK Việt Nam và quốc tế, nhà đầu tư này cho rằng, đà giảm sâu, kéo dài và quá bất ngờ của TTCK Việt Nam (trước đó, các thông điệp từ nhà quản lý và các chuyên gia đầu ngành đều dự báo TTCK cuối năm 2014 sẽ đạt quanh mốc 600 điểm), khiến bà khó có thể chịu đựng thêm nữa. Có phiên, bà đã buộc phải bán cắt lỗ, chấp nhận mất cả chục tỷ đồng.

Trở lại với phiên giao dịch hôm qua, tín hiệu tích cực đầu tiên nhanh chóng biến mất khi lực bán bắt đầu gia tăng vào cuối phiên sáng, khiến VN-Index lùi về ngưỡng 526 điểm trược khi nảy nhẹ trở lại. Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch chiều, nhà đầu tư đã không còn do dự khi lệnh bán được ồ ạt tung ra, với hàng trăm mã giảm giá, trong đó có hơn 200 mã bị kéo xuống mức giá sàn, VN-Index mất hơn 21 điểm, xuống sát mức 513 điểm, HNX-Index cũng xuống sát 79 điểm trước khi lực cầu bắt đáy giúp cả 2 nảy trở lại, hãm bớt đà giảm điểm.

Nhiều nhà đầu tư không hiểu điều gì đã xảy ra trong phiên chiều nay, bởi lý do chính được đưa ra để giải thích cho đợt suy giảm là giá dầu thô giảm mạnh, ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên, trong phiên chiều qua, giá dầu thô đã bắt đầu tạo đáy khi bật tăng mạnh trở lại từ mức 54,61 USD/thùng.

Nhóm cổ phiếu dầu khí dù giảm mạnh, nhưng cũng rất nhanh chóng thoát khỏi mức giá sàn, trong khi đó, hàng loạt nhóm cổ phiếu khác không kể lớn nhỏ bị bán mạnh đóng cửa ở mức giá sàn như thủy sản, khoáng sản, bất động sản, chứng khoán, ngay cả nhóm vận tải vốn được đánh giá là có lợi khi giá dầu giảm cũng bị bán đổ, bán tháo.

Nhìn ra TTCK quốc tế, TTCK châu Á hôm qua đã hồi trở lại, thậm chí chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng mạnh. Trong phiên giao dịch tối 16/12, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục mạnh, nhóm cổ phiếu năng cũng đã trở lại. Vậy tại sao TTCK suy giảm và đà suy giảm này sẽ kéo dài đến bao giờ? Nhà đầu tư chờ đợi lời giải thích và thông điệp trấn an từ cơ quan quản lý TTCK và các tổng giám đốc DN lớn trên thị trường để có thể bình tâm trở lại.

Một số DN trong tâm bão giảm giá như GAS, PVDrilling đã có thông điệp về hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty năm 2014, dự báo năm 2015 trong tình hình giá dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, điều nhà đầu tư chờ đợi nhất là thông điệp của cơ quan quản lý TTCK.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo cấp cao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nếu TTCK tiếp tục giảm sâu, UBCK sẽ có thông điệp trấn an thị trường

“Tôi tin năm 2015, TTCK sẽ tốt hơn”

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội

Năm 2014, dù phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng nền kinh tế vĩ mô của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nền kinh tế hoạt động ổn định, tăng trưởng vượt kế hoạch, lạm phát thấp, đặc biệt là mặt bằng lãi suất giảm thấp, tạo thuận lợi cho dòng tiền tìm đến TTCK, đến các doanh nghiệp để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Sang năm 2015, dù nền kinh tế vĩ mô vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tôi tin những yếu tố tích cực là nhiều hơn, triển vọng duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế là cao. Với việc mặt bằng lãi suất và lạm phát được giữ ổn định, các DN nói chung và hoạt động TTCK và cả thị trường bất động sản sẽ có cơ hội ổn định theo hướng tốt dần lên.

Về một số yếu tố tác động đến diễn biến TTCK hiện nay, theo tôi nhà đầu tư cần có sự đánh giá cẩn trọng và chuẩn mực. Với giá dầu, không phủ nhận giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh sẽ tác động đến lợi nhuận của các DN ngành dầu khí và nguồn thu của ngân sách nhà nước từ việc bán dầu. Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ có xuất khẩu dầu và còn là nước nhập khẩu dầu khá lớn. Việc giá dầu giảm có nhiều tác động tích cực khi chuyển thành giá nguyên liệu đầu vào của nhiều DN, nhiều ngành hàng, tất nhiên tác động này cần có thời gian để nhận diện rõ. Đó cũng là yếu tố giúp DN tăng sức cạnh tranh, tăng hiệu quả hoạt động trên thương trường.

Về dư luận cho rằng, TTCK chịu tác động mạnh của một số chính sách mới, chẳng hạn Thông tư 36/2014/TT-NHNN, theo tôi, hiệu ứng chính sách nói chung cần được theo dõi và cần giải thích rõ ràng hơn. Tôi có niềm tin rằng, TTCK là một kênh đầu tư, khi thị trường hoạt động lành mạnh và có cơ hội sinh lời, thì dòng tiền sẽ chảy một cách thông suốt trên đó.

Một điểm đáng kỳ vọng nữa là sự ra đời của TTCK phái sinh Việt Nam, dự kiến vào năm 2016. Năm 2015, TTCK phái sinh chưa ra đời, nhưng là năm thực hiện mạnh mẽ công tác đào tạo, tuyên truyền và khi nhà đầu tư nhận ra TTCK phái sinh là công cụ quản lý rủi ro, phân tán đầu tư, thì nền tảng nhận thức của nhà đầu tư sẽ thay đổi. Từ đó, sẽ góp phần làm thay đổi hành vi đầu tư trên thị trường cổ phiếu và trái  phiếu. Khi TTCK Việt Nam vận hành cả thị trường cơ sở và thị trường phái sinh, tôi tin dòng tiền thông minh sẽ tìm đến TTCK nhiều hơn.

“Chúng tôi đang mua vào những cổ phiếu tốt”

Ông Phan Anh, Tổng giám đốc MB Capital

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc MB Capital đang làm gì trên thị trường lúc này, ông Phan Anh, Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Chúng tôi đang mua vào những cổ phiếu tốt. Nói chung, MB Capital vẫn lạc quan về tình hình TTCK hiện nay. Hai quỹ đầu tư mà chúng tôi đang quản lý đang tăng trưởng tốt, cụ thể, Quỹ MBVF tăng trưởng 11%, còn quỹ JAMBF tăng 12%”.

Theo ông Phan Anh, với Quỹ MBVF, mục tiêu của Công ty là đảm bảo cho nhà đầu tư luôn được hưởng lợi nhuận cao hơn lãi suất tiết kiệm một khoảng chênh 2%/năm. Quỹ này hướng đến những cá nhân có các khoản tiền lớn tiết kiệm dài hạn, muốn hưởng lợi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ngày càng giảm sâu. MB Capital mong muốn xây dựng MBBF thành một kênh đầu tư có thể thay thế một phần cho kênh tiết kiệm ngân hàng truyền thống.

Quỹ Japan Asia MBCapital (JAMBF) kết hợp quản lý cùng với đối tác Nhật Japan Asia Group hoạt động tốt. Quỹ đầu tư này đã trả cổ tức 13% cho nhà đầu tư trong năm 2013 và trả cổ tức 27% trong năm 2012. Năm 2014, với kết quả hoạt động khả quan, Quỹ sẽ trả cổ tức tối thiểu 13%.

Tin bài liên quan