Ảnh: Dũng Minh.

Ảnh: Dũng Minh.

Nhận diện động lực thị trường chứng khoán những tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đang ở vùng đỉnh của năm quanh 1.255 điểm và trong tuần qua đã nhiều lần không thể vượt qua ngưỡng cản này. Liệu thị trường những tháng cuối năm 2023 có đủ động lực để thiết lập đỉnh mới? Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) về vấn đề này. 

Nếu gọi tên các yếu tố hỗ trợ thị trường những tháng cuối năm, theo bà, đó là những yếu tố nào?

Nhìn về những tháng cuối năm 2023, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực.

Thứ nhất, xét về bối cảnh vĩ mô, mặc dù tình hình vẫn chưa khởi sắc hoàn toàn, song các hoạt động kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực trong tháng 7 và tháng 8. Chỉ số PMI tháng 8 lần đầu tiên trong 6 tháng đã tăng trở lại trên ngưỡng 50%, đánh dấu triển vọng khả quan cho hoạt động sản xuất trong những tháng tới. Các nhà sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu trong 6 tháng, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng sau thời gian giảm kéo dài 5 tháng. Đà suy giảm của xuất nhập khẩu cũng chậm lại.

Thứ hai, sau hàng loạt quyết sách khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng, Chính phủ đang tập trung giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý của các dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mặc dù tiến độ vẫn tương đối chậm, song đã ghi nhận được những tín hiệu tích cực ban đầu. Vì vậy tôi cho rằng, mặc dù tình hình chưa thật sự khởi sắc, song các tín hiệu tích cực thì thị trường bất động sản sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng cũng sẽ ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ trong thời gian tới. Sau nhiều năm chờ đợi thì hệ thống KRX sẽ được đi vào vận hành trong năm nay, hứa hẹn sẽ đưa thị trường vươn lên một tầm cao mới…, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thành thị trường mới nổi của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh vĩ mô tích cực hơn, thì lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ cải thiện trong hai quý cuối năm trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, cũng như chi phí vốn giảm nhờ lãi suất hạ nhiệt.

Chắc hẳn bà cũng có những nhận định của riêng mình về mốc điểm số khép lại năm 2023 của VN-Index chứ?

Kết hợp những yếu tố trên thì tôi cho rằng thị trường có thể hướng tới mốc 1.320 trong những tháng cuối năm.

Vậy cơ hội sẽ đến từ những nhóm ngành nào?

Từ những dự báo trên, tôi cho rằng, các nhóm ngành nghề là tâm điểm đầu tư trong những tháng cuối năm sẽ là những ngành được hưởng lợi rõ ràng từ sự vận động của chu kỳ kinh tế, bao gồm: xuất khẩu, hàng không, du lịch, đầu tư công (bao gồm cả đầu xây dựng hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng điện)....

Tôi không thấy bà nhắc đến bất động sản, hay nhóm này chưa đủ hấp dẫn?

Tôi cho rằng ngành bất động sản và vật liệu xây dựng có thể đã qua thời điểm khó khăn nhất và có thể khởi sắc từ đầu năm 2024.

Vậy còn về bối cảnh, thông tin thị trường luôn có tác động rất lớn đến tâm lý đầu tư và diễn biến giá. Có điều gì cần quan tâm không?

Về lý thuyết thì thị trường chứng khoán là hàn thử biểu, phản ánh triển vọng trong tương lai đối với các khía cạnh của nền kinh tế. Với độ hội nhập ngày càng lớn của nền kinh tế Việt Nam kết hợp với sự phát triển của truyền thông trong kỷ nguyên số thì các nhà đầu tư trong nước sẽ càng ngày càng tiếp nhận nhiều thông tin với tốc độ càng nhanh.

Các thông tin từ địa chính trị, cạnh tranh khu vực, vĩ mô thế giới, đến các chính sách điều hành trong nước… mặc dù tác động đến các ngành/lĩnh vực kinh tế cụ thể, song sẽ có độ trễ, trong khi đó tác động đến thị trường chứng khoán lại rất nhanh (dưới tác động của lý thuyết thị trường hiệu quả và lý thuyết tài chính hành vi).

Vậy nhà đầu tư nên “lọc” thông tin thế nào để có hành vi phù hợp, bởi thực tế thị trường nhiều khi cũng xuất hiện những thông tin với ý đồ làm tăng, hay giảm giá cổ phiếu?

Nếu loại trừ các thông tin trung tính thì có thể phân loại thông tin thành “tin tích cực” hỗ trợ cho giá cổ phiếu và “tin bất lợi” ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Nhưng rất khó để phân biệt giữa hai loại thông tin trên.

Bởi lẽ, có thể cùng một thông tin tác động tích cực đến cổ phiếu này, song lại là tin không tốt đối với cổ phiếu khác. Cũng không ít lần thị trường (cả trong nước lẫn thế giới) chứng kiến việc số đông nhà đầu tư có phản ứng vội vàng do phân tích thông tin chưa đầy đủ, tác động sai lệch đến giá cổ phiếu/chỉ số.

Vì vậy nhà đầu tư cần tỉnh táo trước mọi thông tin, theo dõi các thông tin chính thống, tránh các tin đồn và thông tin chưa được kiểm chứng.

Dường như thị trường đang cổ vũ cho nhà đầu tư ngắn hạn và không ít người đã “chuyển tông” sang phong cách này, họ sẽ cần lưu ý điều gì?

Đối với các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn, tôi cho rằng yếu tố dòng tiền là yếu tố cần chú ý quan sát nhiều nhất. Bên cạnh đó, các thông tin về diễn biến thị trường chứng khoán thế giới (đặc biệt là thị trường Mỹ), lãi suất, tỷ giá cũng là những thông tin cần chú ý đối với giao dịch ngắn hạn.

Cuối cùng, dù giao dịch “lướt sóng” hay đầu tư dài hạn, nhà đầu tư cũng cần quản trị rủi ro cho danh mục và tuân thủ các nguyên tắc đầu tư: khi mua một cổ phiếu vì lý do gì (thông tin tốt, hoặc định giá hấp dẫn,…) thì khi lý do đó không còn nữa, chúng ta có hành động hạ tỷ trọng kịp thời.

Tin bài liên quan