Nhận định thị trường ngày 1/4: Sẽ mất mốc 590 điểm

Nhận định thị trường ngày 1/4: Sẽ mất mốc 590 điểm

(ĐTCK) Trong phiên ngày 1/4, thị trường sẽ kiểm chứng lại mốc 590 điểm nhưng  đây không phải là ngưỡng hỗ trợ tốt nhất cho thị trường.

ĐTCK lược trích nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 1/4.

Tiếp tục kịch bản giằng co 

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)

Thị trường quay đầu giảm điểm sau hai phiên hồi phục nhẹ, sắc đỏ chiếm chủ đạo trên bảng điện tử cùng với sự phân hóa của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân khiến cho mọi nỗ lực hồi phục trong phiên đều không thành công.

Theo quan sát thì áp lực bán mặc dù không mạnh nhưng sức cầu yếu và thiếu động lực đã không đủ để giúp thị trường duy trì đà tăng cho đến hết phiên.

Như đã nhận định, kịch bản hồi phục của các chỉ số đang gặp trở ngại khi khối ngoại gần đây vẫn duy trì xu hướng bán ròng mạnh, lượng bán ra tập trung nhiều tại nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn khiến cho hoạt động mua bán của nhà đầu tư nội có phần dè dặt hơn.

Trong phiên 31/3, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại với giá trị mua ròng đạt 112 tỷ đồng, nhưng điều này không tác động nhiều đến xu thế chung khi mà thị trường vẫn tồn tại rủi ro về khả năng rút vốn của quỹ VNM ETF, đặc biệt là khi quỹ này đã có 3 ngày liên tiếp giảm số chứng chỉ quỹ trong tuần trước.

Về kỹ thuật , khu vực 600-610 điểm là ngưỡng cản mạnh đối với kỳ vọng hồi phục của VN-Index và thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy mới có thể bật qua khỏi vùng này. Kịch bản giằng co – tích lũy quanh ngưỡng 595 điểm nhiều khả năng sẽ kéo dài trong phiên tới khi nhiều chỉ báo đang cho tín hiệu nhiễu mạnh. Theo đó, nhà đầu tư vẫn được khuyến nghị nên thận trọng quan sát thêm những động thái tiếp theo của thị trường và khối ngoại, chú ý khu vực 595 - 600 của VN-Index và tránh những hoạt động mua đuổi trong phiên.

VN-Index sẽ mất mốc 590 điểm

CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam  (IVS)

Việc thanh khoản bỗng giảm mạnh trở lại lúc này chưa hẳn đã là điều tốt, tất yếu nó sẽ còn tạo áp lực lên thị trường. Chúng ta cần quan sát xem liệu bên bán sẽ ra sao nếu thị trường tiếp tục giảm điểm và liệu số cổ phiếu mua vùng giá cao có chịu áp lực phải bán hay không. Nếu điều đó không xảy ra thì thị trường sẽ sớm có tín hiệu trở lại. Tuy nhiên,chúng tôi cho rằng sẽ rất khó để có được điều đó bởi áp lực từ đòn bẩy tài chính vẫn còn.

Trong phiên ngày 1/4, thị trường sẽ kiểm chứng lại mốc 590 điểm nhưng chúng tôi cho rằng đây không phải là ngưỡng hỗ trợ tốt nhất cho thị trường. Khả năng cao VN-Index sẽ mất mốc 590 điểm và thị trường sẽ lùi về ngưỡng 575-580 điểm. Thật khó nhìn thấy động lực của thị trường vào lúc này, vì thế người nắm giữ tiền cũng sẽ chẳng vội vàng gì giải ngân trở lại.

Tiếp tục giảm nhẹ

CTCP Chứng khoán Maritime Bank (MSBS)

Thị trường tiếp tục thể hiện diễn biến khó lường trong ngắn hạn. Giao dịch giằng co, khối lượng đạt mức trung bình là dấu hiệu không khả quan cho thị trường trong ngắn hạn.

Theo phân tích, thị trường nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trong ngắn hạn. Phiên giao dịch ngày 1/4, chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ giảm điểm mạnh đầu phiên sau đó hồi phục và kết thúc phiên 2 chỉ số sẽ chỉ giảm nhẹ ở mức 2-3 điểm.

Đây là giai đoạn thị trường diễn biến phức tạp do đó nhà đầu tư nên thận trọng, theo dõi sát thị trường và chỉ tiến hành giải ngân khi có dấu hiệu tăng điểm rõ rệt.

Vẫn rung lắc trong biên độ hẹp

CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS)

Các chỉ số liên tục dao động trong biên độ do sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và dòng tiền tham gia thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu penny tiếp tục giảm điểm trước áp lực chốt lời đang xác nhận sự rút lui tạm thời của dòng tiền nóng. Trừ khi xuất hiện nhân tố hỗ trợ mới, chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng thị trường trong ngắn hạn. Theo đó, các chỉ số vẫn sẽ rung lắc trong biên độ hẹp. Nhà đầu tư ngắn hạn nên tận dụng những nhịp tăng để giảm tỷ trọng cổ phiếu và ở vị thế quan sát.

Sẽ phải trải qua một vài đợt rung lắc trước khi đi lên

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Dù có sự điều chỉnh nhất định trong các phiên cuối tháng 3 nhưng tổng kết lại, TTCK Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng trong cả quý I (chỉ số VN-Index tăng gần 20%, chỉ số HNX-Index tăng hơn 34%). Nhà đầu tư kỳ vọng về các chuyển biến vĩ mô như mặt bằng lãi suất giảm, lạm phát thấp, cán cân thương mại xuất siêu, các gói tín dụng dành cho thị trường bất động sản hay các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ, chưa phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ với các khoản vay được đánh giá là “tốt” sẽ giúp cho tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bớt khó khăn.

Ngoài ra, sự thuận lợi trong việc huy động vốn của các quỹ ETF trong phần lớn thời gian của quý I cũng giúp bổ sung nguồn tiền cho thị trường. Tuy vậy, điểm nổi bật nhất trong quý I là dòng vốn nội đã vẫn động mạnh mẽ, đóng vai trò chi phối chính đối với diễn biến thị trường. Dường như nhà đầu tư nội hiện khá lạc quan với đà hồi phục kinh tế hoặc một giả thiết khác là sự kém hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, bất động sản, vàng, ngoại tệ đã khiến dòng tiền “thông minh” đang chuyển hướng mạnh mẽ sang TTCK.

Tuy vậy, mức tăng giá của cả hai chỉ số liệu có tương xứng với sự cải thiện của kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hay không là một vấn đề cần thêm thời gian để kiểm chứng. Xu thế tăng trung hạn của chỉ số VN-Index hiện vẫn được bảo lưu, tuy vậy trong quá trình đi lên nhiều khả năng chỉ số sẽ phải trải qua một vài đợt rung lắc. Trong ngắn hạn, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư duy trì danh mục ở mức cân bằng và tái cơ cấu sang các mã, nhóm ngành có kết quả kinh doanh quý I được dự báo là khả quan.

Có thể biến động mạnh theo hướng tích cực

CTCP Chứng Khoán Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi cho rằng thị trường có thể biến động mạnh trong phiên 1/4 và khả năng xu hướng này theo chiều hướng tích cực cả về điểm số và khối lượng. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy xu hướng này có thể kết thúc vào thời điểm giữa tháng 4/2014. Chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ 585 – 590 trong phiên giao dịch ngày 1/4 và các nhóm cổ phiếu midcaps và largecaps có thể kiểm định lại các vùng hỗ trợ chính.

Do đó, ở kịch bản lạc quan, thị trường sẽ kiểm định tâm lý nhà đầu tư và tích lũy trong vùng giá hỗ trợ 585 – 590 của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch 1/4 thì thị trường có thể kết thúc nhịp điều chỉnh và xác lập mức tăng giá mới đến giữa tháng 4/2014 (Chúng tôi nghiêng về kịch bản lạc quan với xác suất cao).

Ngược lại, ở kịch bản tiêu cực (tức là giảm mạnh dưới vùng hỗ trợ với khối lượng lớn), thị trường có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh sâu hơn về vùng giá hỗ trợ mạnh 565 của chỉ số VN-Index. Vì vậy, các nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ và quan sát diễn biến phiên giao dịch ngày mai để có hành động trong các phiên tiếp theo.

Khả năng giảm ngắn hạn sẽ diễn ra nếu mất mốc 590

CTCP Chứng khoán MB (MBS)

Mặc dù tăng điểm đầu phiên nhưng mức tăng yếu khi áp lực bán chốt lời vẫn khá lớn kéo VN-Index liên tục có diễn biến đảo chiều trong phiên và chốt phiên về mức thấp nhất trong ngày. Điều đó cho thấy, sau hai phiên nảy kỹ thuật khi VN-Index tiệm cận SMA 20, xu hướng điều chỉnh vẫn đang có xu hướng tiếp diễn khi lực cung T+ về tài khoản tiếp tục tăng khá mạnh. 

Trong đó giá trị giao dịch khớp lệnh trong vòng 10 phiên gần vùngđỉnh 610 +/- lên đến khoảng 50.000 tỷ do đó lượng cung tiềm năng T+ là khá lớn. Với diễn biến phiên 31/3, lực cầu dang cho thấy tín hiệu suy yếu trong khi lực cung bán chủ động đang tăng lên nhất là về cuối phiên cho thấy tâm lý giao dịch khá yếu. Lực bán dàn trải tại toàn bộ các mã, số mã giảm chiếm phần lớn do đó đây là một trong những tín hiệu đáng để xem xét và thận trọng.

Về kỹ thuật, trong phiên 1/4, nếu VN-Index không giữ vững được ngưỡng hỗ trợ SMA 20 tương ứng vùng 590 điểm, khả năng giảm ngắn hạn sẽ diễn ra. Trong đó, VN-Index cũng đã hoàn thành mô hình 5 sóng ngắn hạn theo sóng Elliot.

Chiến lược nên thận trọng bắt đáy và chỉ gom mua khi giá cổ phiếu điều chỉnh gần các vũng hỗ trợ mạnh cũng như xem xét khi thị trường test lại các vùng hỗ trợ hoặc trong các phiên giảm mạnh.

Vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh giảm

CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Phiên giao dịch 31/3 tiếp tục là phiên T+3 của phiên giao dịch thanh khoản tăng mạnh ngày 26/03. Sau hai phiên lượng cổ phiếu lớn về tài khoản, nhìn chung thị trường giao dịch với tốc độ chậm, lực cầu mua vào còn thận trọng, tuy nhiên điểm tích cực là áp lực cung giá thấp không lớn.

Thị trường vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh giảm sau thời gian tăng nóng, phản ứng với ngưỡng cản kỹ thuật. Hai chỉ số Index tăng điểm trở lại từ mốc hỗ trợ với thanh khoản thấp chưa cho tín hiệu đủ tin cậy về mặt kỹ thuật. Mức hỗ trợ của VN-Index trong giai đoạn điều chỉnh này là khoảng +/-585 điểm, mốc hỗ trợ mạnh là +/-565 điểm. Mức hỗ trợ kỹ thuật mạnh của HNX-Index là khoảng +/-85 điểm.

Nhà đầu tư DUY TRÌ TRẠNG THÁI DANH MỤC, quan sát diễn biến tiếp theo của thị trường.

Xu hướng tăng ngắn hạn vẫn còn

CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)

Hiện tại, chúng tôi vẫn giữ quan điểm về xu hướng tăng ngắn hạn với mốc hỗ trợ quan trọng là 565 điểm.

Khối lượng giao dịch giảm sút đáng kể so với mức trung bình giao dịch 50 ngày là dấu hiệu sớm, đáng chú ý. Nếu điều này trở thành một thực tế, nó sẽ mang ý nghĩa rằng dòng tiền tạm thời rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể nhận được rõ ràng sau vài tuần, hơn là chỉ sau vài phiên giao dịch.

Chúng tôi cho rằng hiện tại, các nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu trong xu hướng tăng.

Kênh tăng giá trung hạn đang khá mong manh

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC)

VN-Index phiên 31/3 không giữ được đà phục hồi từ phiên thứ 6 tuần trước. Cả 2 sàn đã điều chỉnh nhẹ cho dù một số mã có thông tin kỳ vọng lợi nhuận quý 1 tốt như nhóm chứng khoán đi ngược thị trường.

Áp lực bán ngày 31/3 có phần mạnh lên cho thấy tâm lý thị trường vẫn chưa ổn định trở lại, bên mua và bên bán vẫn đang ở thế khá giằng co. Điểm tích cực là VN-Index vẫn nằm trong kênh giá trung hạn dù vậy thanh  khoản trên HOSE không được cải thiện cho thấy  việc duy trì kênh giá này là khá mong manh ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm 03 kịch bản đã nêu trong báo cáo trước:

- Nếu VN-Index sụt giảm dưới 590 điểm có thể kích hoạt động bán ra và đẩy chỉ số về mức giảm điểm sâu hơn 570 (ngắn hạn) và 555 (trung hạn). Nếu việc này diễn ra thì nhà đầu tư nên bán ra để giảm tỷ trọng nắm giữ.

- Nếu VN-Index tiếp tục duy trì những phiên tăng điểm nhẹ với biên động hẹp và khối lượng  giao dịch tăng dần thì có thể  nắm  giữ. Khi VN-Index breakout 600 điểm thì có thể mua vào và trading với các cổ đang nắm giữ.

- Nếu cổ phiếu dao động đi ngang trong vùng giá từ 590-600 điểm trong tuần tới thì nên tích cực cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm tỷ trọng các cổ phiếu nóng, mua vào các cổ phiếu có thông tin tích hỗ trợ từ Đại hội cổ đông về kế hoạch kinh doanh 2014, kết quả kinh doanh quý I và tỷ lệ cổ tức hấp dẫn.

Tin bài liên quan