Nhận định thị trường ngày 25/2: Nhà đầu tư chưa nên tham gia trở lại(!?)

Nhận định thị trường ngày 25/2: Nhà đầu tư chưa nên tham gia trở lại(!?)

(ĐTCK) Đà tăng điểm phiên đầu tuần đã tạo sự tự tin không nhỏ với nhiều nhà đầu tư khi mạnh dạn xuống tiền hơn. Nhiều công ty chứng khoán cũng cùng chung cảm xúc này, nhưng không ít công ty vẫn giữ quan điểm thận trọng.

ĐTCK lược trích nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 25/2.

Trạng thái tích lũy sẽ tiếp diễn

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)

Sau diễn biến ngày 24/2, chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh khả năng phiên sụt giảm mạnh cuối tuần trước chỉ đơn thuần là hành động chốt lãi quá đà của nhà đầu tư sau một giai đoạn các cổ phiếu tăng điểm liên tục.

Trong phiên giao dịch tiếp theo, đà hồi phục có thể sẽ tiếp tục bị thử thách bởi khối lượng lớn cổ phiếu giao dịch ngày 20/02 về tài khoản.

Điểm tích cực là trong số 400 triệu cổ phiếu về tài khoản thì số lượng cổ phiếu giá rẻ là không quá lớn, theo đó thì nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp diễn trạng thái tích lũy và kiểm tra lại những ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn trước khi có thể chinh phục những mốc cao hơn nữa.

Thị trường hiện chỉ phù hợp đầu tư mạo hiểm, lướt sóng

CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam  (IVS)

Thị trường đầu phiên có diễn biến khá thận trọng, điều đó là hợp lý bởi nhà đầu tư lo ngại về khối lượng ngày 20/2 về tài khoản. Tuy nhiên, liên tiếp hai thông tin, một về gói 100.000 tỷ đồng tín dụng cho bất động sản và một về tin nới room đã giúp cho thị trường bay cao trở lại.

Trước những diễn biến như vậy nhiều nhà đầu tư đã không kìm nén được cảm xúc, quên đi những lo lắng trước đó và ngay lập tức tham gia trở lại.

Chúng tôi đã từng nhắc đến thị trường trong hai tuần tới sẽ biến động mạnh, kể cả ở từng cổ phiếu và nó chỉ phù hợp với những nhà đầu tư mạo hiểm, lướt sóng.

Nhà đầu tư chưa nên tham gia trở lại, bởi vị thế đang dành cho người nắm giữ tiền. Ngay cả thông tin hỗ trợ thị trường phiên 24/2 cũng đã xuất hiện những tranh cãi do thông tin sai lệch và rõ ràng hai khía cạnh này là hoàn toàn khác nhau.

VN-Index phiên 25/2 sẽ vẫn tăng điểm

CTCP Chứng khoán Maritime Bank (MSBS)

Thị trường diễn biến tốt ngoài dự đoán của chúng tôi khi dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào thị trường. Tâm lý nhà đầu tư đang rất vững vàng bất chấp phiên tháo chạy lịch sử tuần trước.

Phiên 25/2 sẽ nhạy cảm bởi cổ phiếu được mua từ phiên bán tháo lịch sử tuần trước sẽ chính thức được giao dịch. Nguồn cung lớn với gần 260 triệu cổ phiếu khớp thành công trên HOSE thứ 5 tuần trước sẽ là thuốc thử hữu hiệu cho sức bật của thị trường giai đoạn này.

Với những kỳ vọng về diễn biến tích cực, chúng tôi cho rằng phiên 25/2, VN-Index sẽ tăng khoảng 4-5  điểm đầu giờ, chạm ngưỡng 580 điểm và điều chỉnh khiến cuối ngày chỉ còn tăng 2-3 điểm.

Thanh khoản tiếp tục duy trì mức cao là tín hiệu khẳng định thị trường vẫn sẽ tăng trong ngắn hạn.

Cần tính đến rủi ro ngắn hạn T+3 trong nhịp tăng này

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Cả hai  chỉ  số  mở  đầu  tuần  giao  dịch  với  một  phiên  bật  tăng  khá  mạnh. Nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán được xem là 2 đầu tàu dẫn dắt đà hồi phục trong phiên sau khi có những thông tin không chính thức về gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng đối với thị trường bất động sản và khả năng mở room ngoại sẽ được thông qua trong những ngày cuối tháng 2 tới đây.

Đối với khả năng mở room, đây không còn được xem là thông tin mới đối với thị trường mà vấn đề là thời điểm nào dự thảo sẽ chính thức được thông qua. Từ góc độ thị trường, chúng tôi cho rằng yếu tố này đã được phản ánh khá nhiều vào  diễn  biến giá  cổ  phiếu,  đặc biệt  đối  với  các mã  cổ  phiếu ngành chứng khoán đã kín room trên HoSE như HCM và SSI.

Về trung dài hạn, cơ chế này sẽ  còn tạo hành lang thu hút dòng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài nhưng trong ngắn hạn, kỳ vọng của nhà đầu tư trong nước sẽ có thể sẽ sớm “bão hòa” khi thông tin chính thức xuất hiện và giá cổ phiếu sẽ rơi vào một nhịp điều chỉnh.

Nhà đầu tư được khuyến nghị khống chế tỷ trọng danh mục ở mức trung bình và tránh các quyết định mua đuổi giá. Rủi ro ngắn hạn T+3 trong nhịp tăng này cần được tính đến khi hai chỉ số tiếp cận hoặc chớm vượt vùng đỉnh của tuần trước.

Thận trọng trong việc mua đuổi

CTCP Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường 24/2 đi lên khi cả VN-Index và HN-Index cùng tăng điểm, thanh khoản ở mức trung bình khá.

Chúng tôi giữ quan điểm lạc quan về thị trường trong trung và dài hạn, tuy nhiên ngắn hạn có những rủi ro nhất định.

Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu nhưng cần thận trọng trong việc mua đuổi hoặc mua lại những cổ phiếu vừa chốt lời trong những phiên gần đây.

Khả năng thị trường điều chỉnh giảm sâu không nhiều

CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Áp lực cung dự báo sẽ tăng trong phiên giao dịch 25/2, khi có lượng lớn cổ phiếu về tài khoản và mức giá của đa số cổ phiếu đã tăng khá so với phiên mua bắt đáy.

Với dòng tiền tham gia thị trường tích cực như hiện tại, chúng tôi cho rằng khả năng thị trường điều chỉnh giảm sâu không nhiều. Tuy nhiên thị trường vẫn cần thời gian tích lũy trước khi tiếp tục xu hướng tăng.

Giai đoạn điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm/mua vào cổ phiếu mạnh, thu hút dòng tiền cho mục tiêu trung dài hạn. Với quan điểm ngắn hạn, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu hợp lý trong danh mục khi thị trường nhiều khả năng vẫn còn nhịp điều chỉnh tích lũy, trước khi xu hướng tăng trở lại.

Vẫn giữ tỷ trọng ở mức cao để cho lãi chạy

CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)

Phiên giao dịch 24/1, VN-Index lấy lại động lực và tăng 1,1%, đóng cửa tại mức 576 điểm. Lại thêm thông tin rằng giới hạn sở hữu của khối ngoại sẽ được nới trong tương lai rất gần. Dễ nhận thấy là thị trường tiếp tục biến động với kỳ vọng về việc mở room cho khối ngoại – điều này trái ngược với nhận định cho rằng yếu tố room nước ngoài đã được phản ánh hết vào trong giá. Thông tin đáng chú ý khác là CPI tháng 2 hạ xuống 4,65%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Dữ liệu này tạo ra một số e ngại rằng lạm phát thấp do cầu quá yếu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ gia tăng trong tháng 3 tới do hiệu ứng cơ sở.

Về mặt kỹ thuật, giá vẫn nằm trong xu hướng tăng với các đỉnh và đáy sau cao hơn. Chân của hai thanh nến dài trước đó tiếp xúc với đỉnh của khu vực tích lũy trong tháng Một có thể đã tạo ra một vùng hỗ trợ mới. Khối lượng giao dịch đạt mức cao 113 triệu cổ phiếu, dù vẫn thấp hơn nhiều so với phiên giao dịch kỷ lục 20/2 (254 triệu) nhưng vẫn cao hơn mức giao dịch trung bình 50 ngày. Điều này cho thấy rằng thanh khoản trên thị trường vẫn có chiều hướng mở rộng.

Trước khi có các đảo chiều xu hướng thật sự, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao để cho lãi chạy.

Thị trường có thể đang tích lũy dể có nhịp tăng mới

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Tâm lý nhà đầu tư tỏ ra khá dè dặt vào khoảng thời gian đầu ngày nhưng ngay sau đó giao dịch trở nên tích cực nhờ những thông tin hỗ trợ như CPI tháng 2, hay thông tin chưa chính thức về một gói cho vay mới dự kiến trị giá 75.000 – 100.000 tỷ đồng dành cho bất động sản và dự thảo nới room sẽ được chính thức thông qua ngay trong những ngày cuối tháng 2 này.

Nhất là với thông tin nới room, dù đây không phải là tin mới nhưng mỗi lần thông tin này được đưa ra lại khiến nhà đầu tư “nhấp nhổm” và thị trường tránh được những nhịp điều chỉnh sâu.

Như những kịch bản mà chúng tôi đã đề cập trước đó, kỳ vọng nguồn vốn ngoại sẽ tăng mạnh ngay sau khi thông tin nới room chính thức ban hành sẽ khó xảy ra. Mặc dù vậy, với những thông tin về giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô như đã đề cập, chúng tôi cho rằng khả năng điều chỉnh sâu của thị trường sẽ khó xảy ra, thị trường có thể bước vào giai đoạn tích lũy để chuẩn bị cho một nhịp tăng sắp tới.

Tin bài liên quan