Nhận định thị trường ngày 5/8: Chưa rõ động lực tăng giá

Nhận định thị trường ngày 5/8: Chưa rõ động lực tăng giá

(ĐTCK) Thị trường vẫn đang thiếu đi những động lực tăng giá, và việc chỉ số VN-Index đang cố gắng chinh phục lại mốc 600 điểm một cách yếu ớt thì nguồn cung giá cao sẽ là thách thức thật sự. Chỉ số vẫn tăng lên nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ càng làm cho nhà đầu tư trở nên nghi ngại hơn là hào hứng mua vào. Do đó động lực tăng giá tiếp theo của thị trường vẫn đang là câu hỏi?

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 5/8.

Diễn biến sideway sẽ còn tiếp tục

(CTCK FPT - FPTS) 

Nhìn chung, những lo ngại về khả năng điều chỉnh đã tạm thời qua đi khi đà tăng của phiên 4/8 đã giúp các chỉ số một lần nữa đạt được những mốc điểm quan trọng. Về yếu tố hỗ trợ, vẫn chưa xuất hiện thông tin đáng chú ý trong giai đoạn này, thị trường đang mất đi động lực tăng giá ngắn hạn nhưng cũng không tin nào xấu để có thể gây ra nhịp điều chỉnh sâu như giai đoạn tháng 5/2014.

Trong ngắn hạn, chúng tôi vẫn bảo lưu nhận định về trạng thái sideway sẽ kéo dài với những phiên tăng giảm xen kẽ trong vùng đỉnh cũ gần nhất. Tuy nhiên, với những tín hiệu kỹ thuật về rủi ro điều chỉnh thì sự xuất hiện của những phiên rung lắc mạnh vẫn cần được lưu ý. Nhà đầu tư nên duy trì sự bình tĩnh, tránh tâm lý hưng phấn hoặc bi quan thái quá, việc giải ngân vẫn cần hạn chế, tránh trường hợp mua đuổi giá cao trong các phiên tăng mạnh.

Sẽ tăng điểm nhẹ

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Trên đồ thị kỹ thuật, chỉ số VN-Index hình thành một cây nến xanh không có bóng dưới cho thấy đà tăng đang có dấu hiệu trở lại. Về phía sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục kiểm tra lại vùng kháng cự mạnh 79 – 80 điểm và khả năng sẽ rung lắc mạnh vẫn có thể sẽ xảy ra trong ngắn hạn.

Phiên giao dịch 4/8 cũng cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã có sự lạc quan hơn đáng kể. Theo nhận định của chúng tôi, phiên giao dịch ngày 5/8 sẽ là một phiên tăng nhẹ của thị trường khi chỉ số VN-Index kiểm tra mốc kháng cự mạnh 600 điểm. Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ diễn biến tăng giảm đan xen trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên giữ tâm lý thận trọng và chỉ nên nắm giữ những cổ phiếu có cơ bản tốt.

Vẫn là tăng giảm quanh các ngưỡng kháng cự mạnh

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Dù thị trường lấy lại sắc xanh tích cực nhưng chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng do nền tảng thị trường chưa cải thiện. Sự thiếu vắng đáng kể các thông tin vĩ mô hỗ trợ và thị trường cần có thời gian để phản ánh KQKD quý II kém khả quan nên các chỉ số khó có thể xác lập đà tăng trưởng trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, thanh khoản duy trì ở mức thấp khiến cho hoạt động lướt sóng ngắn hạn trở nên rủi ro hơn, đặc biệt là các hoạt động mua đuổi giá cao.

Về cơ bản, trạng thái chính của các chỉ số vẫn là tăng giảm quanh các ngưỡng kháng cự mạnh. Theo đó, tỷ trọng cổ phiếu được khuyến khích duy trì ở mức vừa phải, tập trung chủ yếu các mã có nền tảng tốt và lợi nhuận tăng trưởng khả quan  

Sự lệch pha giữa các nhóm cổ phiếu càng rõ nét hơn

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Hiện tượng phân hóa đang diễn ra khá rõ và mạnh trên thị trường. Trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kéo chỉ số chung tăng điểm mạnh thì không phải danh mục đầu tư nào cũng có lãi và nhà đầu tư nào cũng được hưởng lợi. Mùa báo cáo KQKD quý II với các kết quả doanh thu và lợi nhuận tích cực tại các công ty bluechips đầu ngành, nhóm dầu khí, nhóm hàng tiêu dùng đang hỗ trợ cho giao dịch các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này. Trong khi đó, nhóm ngành vận tải biển, cao su tự nhiên và một vài doanh nghiệp bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tình hình thị trường chưa khởi sắc. Ngoài ra, áp lực phải mua vào của các quỹ ETF tại các cổ phiếu vốn hóa lớn nhằm mô phỏng chỉ số chung khi các cổ phiếu này tăng điểm đang khiến cho sự lệch pha giữa các nhóm cổ phiếu càng rõ nét hơn.

Trong giai đoạn hiện nay, mức sinh lời của từng danh mục đầu tư có thể sẽ rất khác so với mức sinh lời của chỉ số chung. Nhà đầu tư được khuyến nghị kiên trì với chiến lược xây dựng và nắm giữ vị thế trung hạn ở mức trung bình trong khi tiếp tục chốt lời quay vòng phần vị thế ngắn hạn quanh vùng 600 điểm đối với chỉ số VN-Index.

Thị trường sẽ sideway

(CTCK BIDV - BSC)

Có thể nhận thấy số mã không tăng điểm vẫn còn khá nhiều, cho thấy xu hướng tăng chưa thực sự lan tỏa tốt. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch vẫn giữ ở mức xấp xỉ như những phiên gần đây, cho thấy chưa có tiến triển nào đáng kể về sự tham gia của dòng tiền mới.

Như đã nhận định, thị trường khó có thể tăng mạnh trong thời gian này, nhưng cũng không có lý do nào quá tiêu cực khiến các chỉ số giảm sâu. Chính vì thế, kịch bản thị trường sẽ sideway trong thời gian sắp tới với sự xen kẽ của các phiên tăng giảm được đánh giá cao.

Cơ hội trading vẫn xuất hiện nhưng không nhiều và đòi hỏi nhà đầu tư phải kiên nhẫn. Nhà đầu tư không nên quá hưng phấn với những phiên tăng điểm và phải chuẩn bị tinh thần cho những phiên giảm đột ngột do trạng thái thị trường có thể thay đổi nhanh chóng.

Nguồn cung giá cao sẽ là thách thức thật sự

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Chỉ số VN-Index bất ngờ tăng mạnh và đang chinh phục mốc 600 điểm khá bất ngờ. Khoảng thời gian khá dài đầu phiên thị trường giao dịch gần như không có nhiều động lực và thanh khoản ở mức cực thấp. Chỉ đến khi nhóm cổ phiếu lớn như GAS, VNM, BVH, PVD tăng mạnh thì dường như sự sôi động trên sàn HOSE mới bắt đầu. Nhưng với HNX dòng tiền có vẻ như không còn tham gia nữa, nó cho thấy dù chỉ số tăng nhưng thanh khoản lại đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây.

Thị trường vẫn đang thiếu đi những động lực tăng giá, và việc chỉ số VN-Index đang cố gắng chinh phục lại mốc 600 điểm một cách yếu ớt thì nguồn cung giá cao sẽ là thách thức thật sự. Chỉ số vẫn tăng lên nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ càng làm cho nhà đầu tư trở nên nghi ngại hơn là hào hứng mua vào. Do đó động lực tăng giá tiếp theo của thị trường vẫn đang là câu hỏi?  

Thị trường đang quá hưng phấn so với tăng trưởng thực tế

(CTCK MB - MBS)

Chúng tôi cho rằng mặc dù đang có xu hướng tiếp cận trở lại vùng điểm 600, xu hướng chung trong ngắn hạn của thị trường vẫn là dao động trong một kênh giá hẹp 595-605 trong vùng đỉnh cũ khi chưa nhận được hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản và kinh tế vĩ mô. Báo cáo quý II đã công bố cho thấy mức lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng trong đó một số công ty như VNM, DRC, GAS thậm chí còn giảm so với cùng kỳ. Mặt khác, PMI tháng 7 dù vẫn ở mức tích cực nhưng đang giảm dần, cho thấy tâm lý dần thận trọng của ngành sản xuất. Thị trường đang cho thấy dấu hiệu quá hưng phấn so với tăng trưởng thực tế của nền kinh tế.

Do vậy, chung tôi vẫn giữ nguyên quan điểm thận trọng trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể tận dụng khoảng dao động hẹp của kênh giá trading mua thấp, bán cao đối với các cổ phiếu có biên dao động lớn và thanh khoản tốt trong giai đoạn này.

VN-Index chưa thể mau chóng vượt ngưỡng 610 điểm

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Dù thị trường khởi đầu tuần mới với mức tăng khá, chúng tôi vẫn bảo lưu cái nhìn “thận trọng”. Sự chuyển biến rõ nét nhất là việc xuất hiện “thường xuyên hơn” các phiên giảm (6/10 các phiên gần đây là giảm) đi kèm với thanh khoản duy trì ở mức thấp, điều này tương đối khác với giai đoạn trước đây của thị trường.

Với nhìn nhận nêu trên, chúng tôi không đánh giá cao khả năng VN-Index mau chóng vượt thành công kháng cự 610 điểm.

Áp lực bán ngắn hạn có thể gia tăng

(CTCP Chứng Khoán Bản Việt - VCSC)

Áp lực bán ngắn hạn có thể gia tăng trong phiên giao dịch ngày 5/8 khi các chỉ báo xung lượng ngắn hạn đã tăng về vùng quá mua trong nhịp hồi vừa qua, vùng kháng cự gần nhất của hai chỉ số là 595 – 600 của chỉ số VN-Index và 79,5 – 80,0 của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, các chỉ báo dòng tiền vẫn suy giảm cho thấy dòng tiền lớn vẫn tiếp tục đứng ngoài thị trường và có sự phân hóa ở từng cổ phiếu. Ngoài ra, hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và duy trì vị thế bán.

Do đó, các nhà đầu tư chưa nên mở lại vị thế mua và vẫn nên ưu tiên giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp hoặc chỉ nên mua ở tỷ trọng thấp vào các cổ phiếu có xu hướng tăng xác nhận.

Tin bài liên quan