Nhập nhằng báo cáo tài chính

Không giống như 2 năm về trước, số đông nhà đầu tư cá nhân chỉ biết gọi đúng mã cổ phiếu để đặt mua và bán, nhà đầu tư hiện nay đã bắt đầu biết đọc, thậm chí phân tích các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, có một số báo cáo tài chính khi được công bố ra khiến ngay cả những chuyên gia tài chính cũng có lúc phải lắc đầu không hiểu các doanh nghiệp muốn nói điều gì?

Có một thực trạng hiện nay là nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc công bố thông tin cho nhà đầu tư, nhất là những thông tin liên quan đến tình hình tài chính. Lý do thường là, chẳng ai lại muốn mở cửa cho “người ngoài” xem túi tiền mình đang giữ cả (?) Do đó, việc công bố báo cáo tài chính thường được trì hoãn khá lâu với rất nhiều lý do khác nhau.

Ngay cả khi công bố báo cáo tài chính, nhà đầu tư lại được các doanh nghiệp đưa vào những ma trận của các con số. Mặc dù đã có quy chuẩn về việc công bố, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện một cách nghiêm túc. Phổ biến nhất là các trường hợp công bố không đầy đủ số liệu, trình bày theo thứ tự không giống ai, thậm chí lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” khi bê nguyên số liệu của báo cáo tài chính quý vào báo cáo năm, nhầm lẫn số liệu…

Xin đơn cử trường hợp mới nhất là Báo cáo tài chính tóm tắt năm 2008 của Ngân hàng TMCP Đại Tín vừa được công bố trên Website của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hôm 11/5. Trong bảng kết quả hoạt động kinh doanh và các chỉ tiêu tài chính cơ bản, ngân hàng này đã lẫn lộn số liệu lợi nhuận sau thuế năm 2008. Theo đó, nếu nhìn trong bảng cân đối tài sản thì khoản lãi/lỗ của Ngân hàng là 23,298 tỷ đồng nhưng nếu xem trong Báo cáo thường niên, phần Báo cáo của Hội đồng quản trị thì lợi nhuận trước thuế năm 2008 là 32,4 tỷ đồng, tương đương 23,323 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (thuế TNDN là 28%). Nếu so sánh với số liệu đăng trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thì lợi nhuận trước thuế năm 2008 là 28,830 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 20,758 tỷ đồng. Đây thực sự là những con số “đánh đố” bạn đọc, vì dù khoảng chênh lệch không quá lớn nhưng chúng tôi phải sử dụng con số nào đây?

Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp còn hay “thử thách” trình độ tin học của nhà đầu tư bằng cách công bố trong các file định dạng khác nhau như Excel, Word, PDF, ảnh, file nén. Thỉnh thoảng, nhà đầu tư còn được “khuyến mại” thêm một vài con virus khi mở file báo cáo tài chính. Một số doanh nghiệp cẩu thả đến mức dùng phần mềm kế toán xuất ra một file Excel nhằng nhịt những con số, báo lỗi liên kết cơ sở dữ liệu, khiến nhà đầu tư không biết đâu mà lần.

Khá nhiều báo cáo tài chính của các công ty đại chúng được công bố trên website của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, công ty niêm yết trên website của HOSE và HASTC đều mắc những lỗi này. Có thể các doanh nghiệp trên vẫn thực hiện công bố thông tin theo các khoản, mục đúng như quy định, nhưng chất lượng thông tin công bố lại là câu chuyện có quá nhiều điểm đáng phàn nàn.

Từ những vướng mắc trên đây, tôi mong rằng, các lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý hãy để ý đến chất lượng công bố thông tin hiện nay. Đây là không chỉ là nghĩa vụ mà còn đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp. Muốn có một thị trường chứng khoán phát triển theo hướng minh bạch, thì hoạt động công bố thông tin tại doanh nghiệp cũng phải chuyên nghiệp hơn.