
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, đại diện CTCP BIC Việt Nam - đơn vị sắp mở bán dự án nhà ở xã hội Rice City Long Châu (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, hiện doanh nghiệp đang tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% số hồ sơ gửi đến đáp ứng đủ điều kiện để hưởng chính sách.
“Phần lớn các trường hợp còn lại không nắm rõ quy định, không chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và không thực sự có nhu cầu về nhà ở”, đại diện chủ đầu tư CTCP BIC Việt Nam tiết lộ.
Phía doanh nghiệp cho biết, hiện nhiều người nhận thấy lợi thế khi mua nhà ở xã hội, khi giá bán chỉ bằng 1/3 so với nhà ở thương mại. Do đó, không ít cá nhân tìm mọi cách, trong đó có việc nhờ người thân đứng tên hồ sơ để hợp thức hóa điều kiện đăng ký, dù không thực sự có nhu cầu về chỗ ở.
![]() |
Các dịch vụ làm hồ sơ nhà ở xã hội đang mọc lên như "nấm sau mưa". Ảnh: Thanh Vũ |
Thậm chí, một số trường hợp dù biết rõ bản thân không đủ điều kiện nhưng vẫn đi xin xác nhận, tìm cách kết nối với “cò mồi”, môi giới để làm sai lệch hồ sơ, nhằm trục lợi từ chính sách nhân văn của Nhà nước. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo áp lực lớn cho chính quyền và chủ đầu tư trong việc xét duyệt hồ sơ.
“Người dân cần chủ động tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật hiện hành để chuẩn bị hồ sơ đúng và đầy đủ, đảm bảo quyền lợi được mua, thuê mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Đồng thời, cần liên hệ trực tiếp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư dự án để được hướng dẫn chi tiết, tránh thông qua môi giới trung gian gây rủi ro pháp lý, vi phạm pháp luật và làm méo mó chính sách hỗ trợ nhà ở cho người yếu thế, người thực sự khó khăn”, đại diện BIC Việt Nam nhấn mạnh.
Cạnh tranh suất mua nhà ở xã hội vốn đã khó, nhưng nếu có tiêu cực xảy ra, cơ hội an cư của những người thực sự cần mua sẽ càng khó hơn. Khi tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội, phóng viên Báo Đầu tư chứng kiến những người đi ô tô, đã sở hữu nhà, thậm chí làm giám đốc doanh nghiệp nhưng vẫn lên mạng hỏi cách mua nhà ở xã hội. Có người còn “vô tư” hỏi về lợi suất khi “đầu tư” phân khúc này.
Trước đó, tại dự án NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), có 7 người dù không đủ điều kiện mua nhà nhưng vẫn bốc trúng suất mua nhà ở xã hội. Thậm chí, có cá nhân còn sở hữu cả trăm mét vuông đất. Sau khi phát hiện, chủ đầu tư đã hủy quyền mua của các cá nhân này và tiến hành mở bán lại.
Sắp tới, tại Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội sẽ được mở bán. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, có 2 dự án thực sự thu hút công chúng và nhiều khả năng sẽ nhận trên 1.000 hồ sơ đăng ký.
Đó là dự án Rice City Long Châu (quận Long Biên) của liên danh Công ty cổ phần Him Lam Thủ đô - Công ty cổ phần BIC Việt Nam và dự án N01 Hạ Đình của liên danh Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) - Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội (Haweicco) - Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà DAC Hà Nội.
Cả 2 dự án trên đều là dự án nhà ở xã hội hiếm hoi nằm gần khu vực trung tâm thành phố. Các nhóm môi giới bán suất ngoại giao hoặc mời chào làm hồ sơ cũng tập trung chủ yếu tại 2 dự án này.
Tháng 3/2025, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Công an Thành phố tăng cường chỉ đạo công an cấp xã (nơi có dự án nhà ở xã hội) rà soát, xử lý môi giới lợi dụng nhận kê khai, nộp hồ sơ mua, thuê hoặc thuê mua trái quy định pháp luật.
"Mọi hành vi gian dối khi kê khai và xác nhận hồ sơ nhà ở xã hội khi được phát giác, kể cả trong quá trình hậu kiểm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành", Sở Xây dựng nêu rõ.
Sở Xây dựng cũng lưu ý người dân chỉ được nộp hồ sơ trực tiếp cho chủ đầu tư, không thực hiện thông qua các đối tượng môi giới, sàn giao dịch bất động sản trung gian. Trước khi bán, cho thuê, cho thuê mua nhà xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo Sở để đăng thông tin công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị này về thời gian nhận hồ sơ, giá bán.