Nhiều “ông lớn” lên lịch IPO

Nhiều “ông lớn” lên lịch IPO

(ĐTCK) Sau nhiều năm trầm lắng, chuyển động từ các DN cho thấy, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang bắt đầu “nóng” trở lại.

Cổ phần hóa "nóng" trở lại

Độ “nóng” của tiến trình cổ phần hóa đang thể hiện qua lịch bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) dày đặc của nhiều DN. Ngoài khá nhiều DN quy mô vừa và nhỏ đã công khai lịch IPO qua Sở GDCK Hà Nội (HNX), điểm đáng chú ý là hiện có khá nhiều “ông lớn” lên lịch IPO ngay trong quý I/2014. Nổi bật trong số này là các tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải.

Thu hút sự quan tâm của thị trường là lịch IPO đang cận kề của 3 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng, gồm: Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (VIWASEEN) và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp).

Theo lịch trình được công bố, “khai hỏa” cho kế hoạch IPO là Viglacera. Theo đó, ngày 20/2 tới, với vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng, Viglacera sẽ chào bán gần 77 triệu cổ phần, tương đương 25,07% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 10.300 đồng/cổ phần… Kết quả đăng ký mua cổ phần của Viglacera mà HNX vừa cập nhật cho thấy, nhà đầu tư không mấy mặn mà với đợt IPO của Viglacera. Theo đó, tổng khối lượng cổ phần mà 608 nhà đầu tư đăng ký mua chỉ là hơn 19,4 triệu cổ phần, trong đó nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua hơn 11,2 triệu cổ phần, còn lại là nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua...

Phần nào lý giải cho việc lượng cổ phần mà nhà đầu tư đăng ký mua rất thấp so với tổng số lượng đưa ra IPO, là kết quả kinh doanh của Viglacera 3 năm trước cổ phần hóa có xu hướng kém dần. Cụ thể, năm 2010, Viglacera đạt 3.610 tỷ đồng doanh thu, thì năm 2011 giảm còn 2.977 tỷ đồng và giảm còn 2.566 tỷ đồng trong năm 2012. Tương tự, lợi nhuận sau thuế cũng giảm từ 339 tỷ đồng trong năm 2010 xuống còn 253 tỷ đồng trong năm 2011 và giảm mạnh còn 164 tỷ đồng trong năm 2012.

Câu hỏi đặt ra là mức giá khởi điểm 10.300 đồng/cổ phần có phải là cao, trong khi kết quả kinh doanh kém dần, có phải là nguyên nhân khiến nhà đầu tư không mặn mà với đợt IPO của Viglacera? Trao đổi với ĐTCK, ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐTV Viglacera cho rằng, giá đắt hay rẻ sẽ được trả lời qua kết quả IPO sắp tới. Tuy nhiên, với kết quả hoạt động, cũng như tiềm năng phát triển trong giai đoạn tới, nhiều khả năng, đợt IPO của Viglacera sẽ diễn ra thành công…

Tiếp sau đợt IPO của Viglacera, ngày 5/3 tới, VIWASEEN sẽ tiến hành IPO. Có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, VIWASEEN sẽ chào bán hơn 22,4 triệu cổ phần, tương đương 28,1% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phần. Cũng tương tự như Viglacera, kết quả kinh doanh của VIWASEEN trong 3 năm trước cổ phần hóa cũng có xu hướng sút kém dần, khi từ năm 2010 - 2012, doanh thu và lợi nhuận có xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu năm 2012 tăng so với năm 2010 và 2011...

Kín tiếng hơn, tuy dự kiến IPO vào ngày 10/3, nhưng đến thời điểm này, các thông tin về đợt IPO của Hancorp vẫn chưa được công bố. Đại diện Hancorp cho hay, đơn vị đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục, để tiến hành IPO đúng kế hoạch…

Lịch IPO dày đặc hơn cả phải kể tới các DN thuộc sở hữu của Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, Bộ này vừa có văn bản yêu cầu 9 tổng công ty phải thực hiện xong IPO và các bước cổ phần hóa công ty mẹ trong quý I/2014. Đó là các tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, Tổng công ty Vận tải thủy, Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam. Riêng Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 sẽ IPO trong quý II/2014…

Theo cập nhật mới nhất của HNX, trong số các đơn vị trên, lịch IPO đầu tiên vừa được HNX công bố là Tổng công ty Vận tải thủy sẽ diễn ra vào ngày 19/3 tới. Có vốn điều lệ hơn 327 tỷ đồng, lượng cổ phần mà tổng công ty này chào bán lần đầu là trên 15,1 triệu cổ phần, tương ứng 46,31% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần...

Sẽ quy trách nhiệm cổ phần hóa chậm cho bộ chủ quản

“Bối cảnh thị trường đang thuận lợi, hành lang pháp lý đã hoàn chỉnh, cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, tiến trình cổ phần hóa sẽ diễn ra sôi động trở lại ngay trong quý I/2014, cũng như cả năm nay...”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhận định, đồng thời cho biết thêm, tiến trình cổ phần hóa nhanh hay chậm hiện tại, là tùy thuộc vào việc tổ chức cổ phần hóa của các bộ chủ quản.

Từ kinh nghiệm tiến hành cổ phần hóa thời gian gần đây cho thấy, ở những bộ, ngành nào mà lãnh đạo bộ quyết liệt trong chỉ đạo, đốc thúc cổ phần hóa, thì ngay cả trong bối cảnh thị trường khó khăn, pháp lý còn vướng, vẫn có thể đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa. Ngược lại, nếu lãnh đạo bộ thiếu quan tâm, không quyết liệt, thì cổ phần hóa thường rơi vào đình trệ, diễn ra không đúng lịch trình đã được phê duyệt.

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hòi sự quyết liệt của các bộ, nhất là người đứng đầu bộ chủ quản trong tổ chức triển khai cổ phần hóa, thì mới khắc phục được tâm lý trì hoãn của các DN trong diện cổ phần hóa.

“Tôi nhận được không ít câu hỏi của lãnh đạo các DNNN đang trong diện cổ phần hóa, rằng họ muốn lùi thời hạn cổ phần hóa liệu có được không? Điều này là do bộ chủ quản quyết định, chứ Bộ Tài chính chỉ là đầu mối tổng hợp kết quả cổ phần hóa để báo cáo Chính phủ, không can thiệp vào việc tổ chức thực hiện lộ trình cổ phần hóa của các DNNN thuộc sở hữu của các bộ...”, ông Tiến nói và khẳng định, với quy định phân cấp mới của Chính phủ, các bộ chủ quản được trao nhiều “gậy” hơn để có thể thúc đẩy tiến trình cổ phần. Bởi vậy, nếu để việc tổ chức cổ phần hóa diễn ra chậm trễ là thuộc trách nhiệm của các bộ chủ quản...

Tin bài liên quan