VN-Index hơn 1 tháng qua dao động trong biên độ hẹp, phổ biến từ 1.470 - 1.510 điểm.

VN-Index hơn 1 tháng qua dao động trong biên độ hẹp, phổ biến từ 1.470 - 1.510 điểm.

Nhiều sóng ngắn song hành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không có dòng cổ phiếu đủ mạnh để dẫn dắt thị trường từ Tết đến nay, nhưng tâm lý muốn “ăn nhanh” của nhà đầu tư vẫn hiện hữu, nên dòng tiền luân chuyển liên tục để tìm cơ hội, tạo ra những con sóng ngắn giữa các nhóm cổ phiếu.

Sóng ngành

Tác động từ việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine khiến giá nhiều loại hàng hoá, nguyên vật liệu trên thế giới như dầu, gas, kim loại tăng vọt và thị trường chứng khoán toàn cầu “tụt áp”.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số chứng khoán không giảm nhiều, chủ yếu nhờ có các con sóng ngành. Bên cạnh nhóm cổ phiếu dầu khí như PVC, PVD, PVD giữ đà tăng khá tốt trong vài tuần qua (hiện tại có dấu hiệu điều chỉnh), thì từ đầu tháng 3/2022 đến nay, nhóm phân bón thu hút dòng tiền, giúp không ít mã tăng giá như DCM tăng 25%, DDV tăng 19%, DPM tăng 13%…

Dòng cổ phiếu than cũng nổi sóng, mã TDN tăng 46%, TC6 tăng 22%, TVD tăng 21,5%, THT tăng 13,5%... Đây là nhóm cổ phiếu từng bật tăng trong năm 2021 nhưng sau đó lặng sóng, bởi đặc tính giá than tại Việt Nam có độ trễ so với giá than thế giới và cơ chế kiểm soát giá khác biệt.

Cụ thể, than là khoáng sản đặc biệt, các doanh nghiệp khai thác than trực thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam chỉ được khai thác theo định mức sản lượng giao hàng năm, không được xuất khẩu và định giá bán trực tiếp với khách hàng.

Một dòng cổ phiếu khác có sức tăng tốt là cảng biển. Trong đó, giá cổ phiếu HAH lên vùng cao mới là 95.500 đồng/cổ phiếu, tăng 16% so với đầu tháng 3 (nếu so với đầu tháng 1, mức tăng là 38%); mã VOS tăng 22%, VNA tăng 17%, GMD tăng 13%...

Theo góc nhìn của nhiều nhà đầu tư, tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine có thể kéo dài, khiến giá hàng hóa tiếp tục biến động mạnh, tạo ra các nhịp sóng ở các nhóm cổ phiếu liên quan.

Chỉ số đang ở vùng cân bằng

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam đưa ra con số thống kê, thị trường chứng khoán Mỹ và EU hiện có mức giảm 10 - 15%, trong khi thị trường Việt Nam giảm hơn 5% so với đỉnh. Đáng lưu ý, trong tuần qua có 3 phiên khối ngoại bán ròng, trị giá hơn 4.000 tỷ đồng, “ép” nhóm cổ phiếu trụ giảm giá.

Chỉ số VN-Index vẫn đang trong vùng cân bằng nhiều tháng nay, nhưng cuối tuần qua để mất ngưỡng hỗ trợ MA100 tại 1.470 điểm, còn chỉ số VN30 mất ngưỡng hỗ trợ M200 tại 1.490 điểm (VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 1.466,54 điểm, VN30 tại 1.477,14 điểm).

Trong đó, nhóm cổ phiếu blue-chip điều chỉnh trước, nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ điều chỉnh sau, do trước đó có nhịp tăng khá nên giá có thể giảm thêm, nhưng dự kiến không tác động nhiều lên chỉ số chung.

Về nhóm ngành, chỉ số giá cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng thấp, quanh mức MA200, nên dư địa giảm thêm không còn lớn và tiềm ẩn khả năng phục hồi. Dòng chứng khoán dao động tích luỹ hẹp trong 2 - 3 tuần gần đây, còn nhóm bất động sản đã điều chỉnh vài phiên, có thể sẽ giảm thêm, tuỳ từng mã.

Nhóm hưởng lợi từ giá hàng hoá thế giới tăng như dầu khí, phân bón, thép, hoá chất, cao su có dấu hiệu giảm nhiệt khi trước đó có mức tăng tương đối lớn, nên dự kiến sẽ có sự phân hóa, sàng lọc .

Ông Ngọc cho rằng, những thay đổi vĩ mô trên thế giới sau xung đột Nga - Ukraine đã phản ánh vào sự sụt giảm chung của các thị trường tài chính toàn cầu. Với thị trường Việt Nam, mức độ chiết khấu đã gần “tới hạn”, nên khả năng sẽ có diễn biến lình xình trong thời gian tới.

VN-Index hơn 1 tháng qua dao động trong biên độ hẹp, phổ biến từ 1.470 - 1.510 điểm, sóng ngành ngắn, nhưng các nhà đầu tư năng động, có kinh nghiệm, kỹ năng lướt sóng vẫn thu được lợi nhuận.

Dự báo, thời gian tới, nhiều nhóm ngành tiếp tục thay nhau tạo nên những con sóng nhỏ, riêng nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… chưa có thông tin hỗ trợ đủ mạnh, cũng như mặt bằng giá chưa tạo được sức hấp dẫn lớn.

Dòng tiền sẽ chọn lọc hơn

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận xét, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường “giảm nhiệt”, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân là 24.000 tỷ đồng/phiên, giảm 14% so với giai đoạn sôi động 2 tháng cuối năm 2021, VN-Index khi đó dao động quanh mức 1.500 điểm, tương ứng P/E 17 lần.

Dòng tiền chảy vào thị trường thời gian gần đây và trong thời gian tới sẽ mang tính chọn lọc hơn so với giai đoạn trước, hướng đến các cổ phiếu của doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng cao và còn dư địa hưởng lợi từ xu hướng tăng giá hàng hóa trong năm 2022.

Theo bà Lam, nhóm cảng biển sẽ được hưởng lợi khi giá cước nhiều khả năng tăng trong ngắn hạn, nếu khủng hoảng nguồn cung tiếp tục diễn ra.

Trong nhóm xuất khẩu, doanh nghiệp thủy sản sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, bởi giá bán tăng nhanh, nhờ nguồn cầu mạnh mẽ, trong khi nguồn cung từ Nga sụt giảm. Xu hướng tăng của giá bán có thể được duy trì trong nửa đầu năm 2022, trong bối cảnh giá thực phẩm toàn cầu vẫn có triển vọng đi lên.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán trong giai đoạn cuối tháng 2, đầu tháng 3/2022 do tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine, tương tự như tại nhiều thị trường phát triển. Yếu tố này tạo áp lực lên dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài khi nhóm nhà đầu tư ngoại quay đầu bán ròng trong tuần cuối tháng 2, với giá trị 395 tỷ đồng, trong khi 2 tuần trước đó mua ròng 466 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, VDSC đánh giá, triển vọng năm 2022 của nhóm ngân hàng vẫn lạc quan, với mức tăng trưởng lợi nhuận là 34%. Theo đó, cổ phiếu ngân hàng sẽ hồi phục, nhất là khi dấu hiệu tăng trưởng dần rõ nét hơn trong nửa cuối năm.

Đối với nhóm dầu khí, dư địa tăng giá không còn nhiều, bởi giá hiện tại đã phản ánh yếu tố địa chính trị Nga - Ukraine và giá dầu.

Căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt và hiệu ứng kết quả kinh doanh quý I/2022 sẽ là chất xúc tác tích cực cho thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường đã bị chiết khấu bởi sự kiện Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nên việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến chuẩn bị tăng lãi suất có thể sẽ không ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán trong tháng 3/2022.

Theo quan điểm của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường sẽ đi ngang trong thời gian còn lại của tháng 3/2022 và dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Định giá của VN-Index đang ở mức hấp dẫn là 17,2 lần, trong khi hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp niêm yết cao nhất trong khu vực.

Do thị trường chưa có nhóm cổ phiếu dẫn dắt nên dòng tiền đang suy yếu, nhưng điểm tích cực là dòng tiền không có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường, mà luân chuyển tìm kiếm cơ hội ở từng nhóm cổ phiếu.

Ông Minh dự báo, căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt và hiệu ứng kết quả kinh doanh quý I/2022 sẽ là chất xúc tác tích cực cho thị trường. VN-Index nửa đầu tháng 3 dao động dưới 1.500 điểm, nhưng có khả năng sẽ tăng dần trong nửa cuối tháng.

Tin bài liên quan