Nhìn lại các dự báo chứng khoán tuần qua

Nhìn lại các dự báo chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán vừa đón nhận tuần giao dịch cuối tháng 5 khá ảm đạm khi các chỉ số chính tiếp tục có những phiên điều chỉnh cùng thanh khoản sụt giảm. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 27/5: Mặc dù tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng khiến dòng tiền tham gia khá yếu, nhưng việc tiết cung giá thấp sau phiên lao dốc mạnh ngày cuối tuần 24/5, đã giúp thị trường ngắt nhịp giảm sau 4 phiên điều chỉnh liên tiếp.

Trong phiên chiều, giao dịch vẫn diễn ra với tâm lý thận trọng cao độ khiến chỉ số VN-Index tiếp diễn trạng thái đi ngang. Sau hơn 90 phút nỗ lực, sự khởi sắc của một số mã lớn, đặc biệt là đầu tàu VNM, đã kéo thành công VN-Index vượt thành công ngưỡng 975 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 5,11 điểm (+0,53%) lên 975,14 điểm, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,33%) xuống 105,04 điểm, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,04%) xuống 55,25 điểm.

Về phần các dự báo, TVSI nhận định trung lập khi cho rằng VN-Index nhiều khả năng sẽ duy trì dao động đi ngang trong ngắn hạn. Nhịp giảm điểm trong phiên cuối tuần 24/5 được đánh giá là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, tuy nhiên việc sử dụng margin nên được hạn chế.

Tương tự, MBS nhận định thị trường có thể trở lại dao động trong khoảng 950-980 điểm.

Trong khi đó, BVSC nhận định khá tiêu cực và trái với xu hướng thị trường khi cho rằng khả năng giảm về vùng đáy 940-950 điểm hoặc sâu hơn là kịch bản cần được tính đến.

* Sang phiên giao dịch ngày 28/5: Một số bluechips được kéo tăng giúp VN-Index dần hồi phục và khi mọi người đang nghĩ tới phiên hồi phục tiếp theo của thị trường thì bất ngờ lực cung gia tăng trong đợt ATC khiến VN-Index "bổ nhào".

Đóng cửa, VN-Index giảm 3,14 điểm (-0,32%) về 972 điểm, HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,12%) xuống 104,91 điểm, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,22%) xuống 55,13 điểm.

Về phần các dự báo, mặc dù không mấy tự tin nhưng PHS vẫn đưa ra nhận định về cơ hội phục hồi của thị trường có thể là vẫn còn, đây là nhận định thiếu chuẩn xác so với xu hướng thị trường.

Trái lại, TVSI nhận định khá chuẩn xác khi cho rằng khả năng tiếp tục điều chỉnh vẫn được lưu ý.

Tương tự, MBS thận trọng cho rằng thị trường vẫn trong nhịp giảm ngắn hạn, các phiên phục hồi chủ mang tính kỹ thuật.

* Trong phiên giao dịch 29/5: Kịch bản cũ một lần nữa lặp lại khi VN-Index cũng mở cửa với sắc xanh nhạt, sau đó quay đầu đi xuống vào nửa cuối phiên sáng.

Sang phiên chiều, VN-Index cũng xác lập mức đáy của ngày (dưới 970 điểm) trước khi được thẳng lên mức đỉnh của ngày sát 975 điểm và đem lại kỳ vọng lớn cho nhà đầu tư về phiên tăng điểm hôm nay. Tuy nhiên, không đợi đến đợt ATC, lực cung sau đó gia tăng đã kéo VN-Index xuống theo chiều thẳng đứng. Dù nỗ lực để giữ sắc xanh nhạt, nhưng thêm cú bồi nhẹ trong đợt ATC khiến VN-Index có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp.

Đóng cửa, VN-Index giảm 0,46 điểm (-0,05%), xuống 971,54 điểm; HNX-Index tăng 0,30 điểm (+0,28%), lên 105,32 điểm; UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,11%), xuống 55,07 điểm.

Về phần các dự báo, PHS nhận định sai khi dự báo thị trường đang có triển vọng giữ được xu hướng phục hồi.

Trong khi đó, TVSI nhận định trung lập khi cho rằng, những tín hiệu mới về xu hướng vẫn chưa xuất hiện. Chỉ số VN-Index sẽ biến động trong khoảng 950-1.010 điểm.

Mặt khác, nhận định của BVSC khá đúng với dự báo thị trường sẽ bước vào nhịp đi ngang ngắn hạn, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục xem xét nắm giữ tỷ trọng danh mục ở mức tối đa 50% cổ phiếu.

* Đến phiên giao dịch 30/5: Lực đỡ từ các mã bluechips giúp VN-Index duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh ATC, lực bán lại vọt tăng, kéo VN-Index rơi thẳng qua tham chiếu. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp kịch bản xả hàng cuối phiên được thực hiện.

Đóng cửa, VN-Index giảm 2,2 điểm (-0,23%) về 969,34 điểm, HNX-Index đứng giá 105,32 điểm, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,03%) xuống 55,05 điểm.

Về phần các dự báo, PHS nhận định có phần đúng khi dự báo, thị trường vẫn còn vận động khá thận trọng và biên độ dao động đang khá hẹp, nhà đầu tư có thể tiếp tục quan sát thị trường tại những mốc hỗ trợ, kháng cự quan trọng để có những quyết định cơ cấu lại danh mục cho phù hợp.

Tương tự, BVSC cũng nhận định VN-Index nhiều khả năng sẽ hình thành nhịp dao động tích lũy trong vùng được giới hạn bởi cận dưới 960-965 điểm và cận trên 988-993 điểm.

Trái lại, TVSI nhận định sai khi cho rằng diễn biến hồi phục có thể sẽ trở lại thị trường.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 31/5: Thị trường thiếu động lực để hồi phục, tuy nhiên việc tiết cung giá thấp đã giúp VN-Index dành lại được mốc 965 điểm trong phiên giao dịch sáng.

Niềm hy vọng của nhà đầu tư tiếp tục được nhen nhóm trong phiên chiều đã giúp thị trường tiếp tục tiến sát mốc tham chiếu ngay khi bước vào phiên giao dịch. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn chỉ duy trì được trong hơn 20 phút đầu phiên thì áp lực bán gia tăng mạnh khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index để mất gần 10 điểm và lùi về mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, VN-Index giảm 9,46 điểm (-0,98%) xuống 959,88 điểm, HNX-Index giảm 0,97 điểm (-0,92%) xuống 104,35 điểm, UPCoM-Index tăng nheh 0,08 điểm (+0,14%) lên 55,13 điểm.

Về phần các dự báo, TVSI tiếp tục đưa ra nhận định thiếu chuẩn xác khi cho rằng lực cầu vẫn duy trì tốt trong phiên 30/5 là một tín hiệu khả quan giúp cho diễn biến giảm sâu khó hình thành. Thậm chí, công ty chứng khoán này dự báo động lực để chỉ số hồi phục trở lại vẫn còn.

Mặc dù nhận định đúng nhưng dự báo của BVSC vẫn tích cực hơn so với xu hướng thị trường khi cho rằng có thể xuất hiện nhịp giảm về vùng 960-965 điểm trước khi cho phản ứng hồi phục trở lại.

Trong khi đó, MBS nhận định có phần đúng khi cho rằng việc đánh mất ngưỡng hỗ trợ 970 điểm có thể đẩy thị trường vào nhịp điều chỉnh mới, ngưỡng hỗ trợ lúc này sẽ là khu vực có mặt của các đường trung bình 100 và 200 ngày ở 956 đến 957 điểm.

Tin bài liên quan