Người dân vẫn liên tục mua vàng vào trong những thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới đến 2,5 triệu đồng/lượng

Người dân vẫn liên tục mua vàng vào trong những thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới đến 2,5 triệu đồng/lượng

Nhìn lại cơn sốt vàng: “Chính sách quản lý mới chỉ mang tính tình thế”

Ông Cao Sĩ Kiêm nhận định Nhà nước đã hành động kịp thời để ổn định thị trường vàng, nhưng các chính sách này vẫn chỉ mang tính bị động.

Chính sách điều tiết vĩ mô chưa phát huy hiệu quả thực sự cùng tâm lí mua bán theo đám đông khiến thị trường vàng trong nước luôn biến động mạnh hơn so với giá thế giới.

 Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “giá vàng thế giới chưa tăng, mình đã tăng, đến lúc giá thế giới giảm thì mãi mình mới giảm” - ông Kiêm cho biết.

Giá vàng trong nước chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2010 ở 36,09 triệu đồng/lượng (giá bán ra) còn vàng thế giới dao động quanh mốc 1.400 USD/ounce.

Tính đến thời điểm này, vàng trong nước và thế giới tăng lần lượt 29% và 27%, có giá tương ứng là 46,7 (vàng SJC) triệu đồng/lượng và 1.780 USD/ounce (vàng giao ngay trên sàn Kitco). Vàng trong nước hiện cũng đang cao hơn giá thế giới khoảng 1,8 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm các chi phí nhập khẩu).

Tại những thời điểm vàng sốt giá, mức giá quy đổi vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 2 – 2,5 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này là quá cao đối với một thị trường thông thường và từng có nhiều nhận định cho rằng, sự bất thường này có bàn tay tham gia của các nhà đầu cơ làm giá.

Có những thời điểm 3 thương hiệu vàng lớn như SJC, SBJ, Bảo Tín Minh Châu bán ra cả tấn vàng trong 1 ngày như ngày 26/8 vừa qua. Người mua vẫn đổ xô đi mua, bất chấp rủi ro giao dịch là rất lớn khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới đến 1,6 triệu đồng/lượng.

Với nguy cơ tăng nóng, dẫn đến bong bong trên thị trường vàng có thể hình thành và nổ tung bất kì lúc nào, Ngân hàng nhà nước đã quyết định cấp phép nhập vàng để bình ổn thị trường.

Ngay từ đầu tháng 8, khi thị trường bắt đầu cơn sốt vàng, đã có ít nhất 10 doanh nghiệp nộp đơn xin nhập khẩu vàng. Từ hạn ngạch 5 tấn vàng ban đầu, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp “nhập khẩu không giới hạn” trong khuôn khổ bình ổn thị trường.

Sau khi được cấp phép, các doanh nghiệp đã nhập khoảng 7 tấn vàng trong tháng 8, không kể một lượng không nhỏ được nhập theo đường tiểu ngạch nhưng chưa có thống kê cụ thể.

Gần đây nhất là đợt cấp phép vào ngày hôm qua, 19/9 với 4 tấn vàng dự kiến sẽ về đến Việt Nam trong 2 ngày 20 - 21/9.

Sau những biện pháp can thiệp của Nhà nước, thị trường vàng trong nước đã nhanh chóng hạ nhiệt và ổn định hơn. Tuy nhiên, tới thời điểm này, giá vàng trong nước vẫn chưa trở lại thế cân bằng với giá thế giới. Điều này cho thấy các chính sách điều hành của Nhà nước là đúng đắn nhưng chưa đủ để kiểm soát thị trường do vẫn còn chậm, “chỉ mang tính tình thế và chạy theo thị trường” – ông Kiêm nhận xét.

Trong khi đó, ông cho rằng, các vấn đề cơ bản, cốt lõi của thị trường lại chưa có chính sách điều tiết cụ thể.

Theo nhận định của ông Kiêm, thị trường vàng trong nước luôn biến động mạnh hơn thị trường thế giới bởi những nguyên nhân sau:

Một là, Nhà nước cấm giao dịch vàng miếng tự do nhưng lại chưa đảm bảo được mạng lưới giao dịch vàng được cấp phép rộng khắp trên cả nước, dẫn đến việc quản lý chưa chặt chẽ.

Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã có công bố siết chặt giao dịch tự do và cấm giao dịch trên sàn vàng. Nhưng thực tế, các giao dịch này vẫn diễn ra khá sôi động nhưng chưa có chế tài quản lý.

Hai là, việc sử dụng nguồn vàng trong dân chưa hợp lí

Theo công bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ xây dựng đề án huy động vàng của người dân, đảm bảo lãi suất có lợi nhất và an toàn nhất cho người gửi. Việc làm này nếu thành công sẽ góp phần giảm áp lực nguồn vốn của các doanh nghiệp đồng thời tránh lãng phí từ việc giữ vàng cất trữ trong dân.

Tuy nhiên, câu hỏi làm thế nào để huy động được số vàng khổng lồ, ước tính từ 300-500 tấn trong dân thì vẫn chưa có câu trả lời.

Dự kiến NHNN sẽ huy động vàng trong dân thông qua hệ thống đại lí các tổ chức tín dụng. Lượng vàng NHNN có thể huy động trong dân ít nhất cũng phải tương đương số vàng mà dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng trước đây, trên dưới 130 tấn, tương đương 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, kể cả khi đã huy động được số tài sản khổng lồ này thì NHNN cũng phải có công cụ phòng ngừa rủi ro trong quá trình sử dụng. Vì huy động vàng để bán ra, hoặc thực hiện các giao dịch hoán đổi. Nếu không mua vào được có thể bị lỗ lớn khi giá vàng biến động nhanh và mạnh như thời gian qua.

Ba là, Nhà nước cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, tăng khả năng can thiệp, điều tiết thị trường trước khi có biến động mạnh.

Hầu hết các chính sách điều tiết đều có độ trễ nhất định. Phần lớn các chính sách hiện tại đều được đưa ra nhằm giải quyết tình thế cấp thiết chứ chưa “đi trước đón đầu” để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán, trao đổi hợp pháp của người dân.

Tuy nhiên, với một thị trường mà tính thanh khoản cao như vàng, cùng với sự tác động lớn từ thị trường thế giới và tâm lí nhà đầu tư thì chính sách cần phải đi trước một bước, tránh nguy cơ thị trường sẽ còn “sốt nóng, sốt lạnh” trong thời gian tới.