Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Sau thời gian khá dài điều chỉnh với thanh khoản èo uột, 2 chỉ số đã bất ngờ bật tăng rất mạnh trong tuần giao dịch vừa qua và lấy lại hầu hết điểm số đã mất. Dòng tiền cũng đã hào hứng trở lại và giúp thanh khoản thị trường được cải thiện mạnh. Cùng nhìn lại nhận định của các Gia Cát Dự cho tuần giao dịch này.

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 18/5, thông tin về việc giàn khoan Hải Dương 981 đã gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư. Sau khi mở cửa phiên sáng 18/5 trong sắc đỏ cùng với mức thanh khoản kém, đà giảm thị trường tăng mạnh khi áp lực cung giá thấp tăng cao.

Cả 2 chỉ số đã có thời điểm bị thủng mốc 530 và 77 điểm, nhưng đây vẫn là các mốc hỗ trợ mạnh, nên 2 chỉ số đã nhanh chóng hồi lại.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 4,3 điểm (-0,8%) xuống 533,14 điểm, HNX-Index giảm 1,02 điểm (-1,31%) xuống 77,18 điểm. Thị trường giảm khá mạnh, nhưng lực cầu cũng không quá hào hứng nên thanh khoản vẫn ở mức thấp, dù có đôi chút cải thiện. Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt gần 1.100 tỷ đồng.

Dù không có mã nào có được sắc xanh, nhưng đà giảm của nhóm ngân hàng đã được hạn chế đáng kể, qua đó giúp VN-Index bớt giảm sâu. Trong khi HNX-Index giảm mạnh hơn bởi thiếu trụ đỡ.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường vẫn chịu áp lực cung khá lớn nên hầu hết giảm điểm. Khá bất ngờ FLC (HOSE) và “người anh em” KLF (HNX) lại nhận được cầu mạnh nên cùng đảo chiều thành công và đều dẫn đầu thanh khoản trên mỗi sàn. OGC cũng về được mốc tham chiếu 2.700 đồng sau khi bị chốt lời mạnh 2 phiên trước đó. Nhưng FIT lại đảo chiều bất thành và giảm 3,7%.

>> Phiên giao dịch sáng 18/5: Cần phiên rũ bỏ?

Trong buổi giao dịch chiều, mọi nỗ lực dùng bluechips để đỡ thị trường đã bị xóa bỏ hoàn toàn khi áp lực cung giá thấp ồ ạt gia tăng, tập trung phần lớn tại các mã thị trường, gây tâm lý hoảng loạn và kích hoạt lệnh bán ở nhiều mã khác, không loại trừ một số tài khoản có thể bị call margin, qua đó đẩy cả 2 sàn lao dốc nhanh trở lại.

Thêm những đợt ra hàng giá thấp tới tấp trong những phút cuối, cả 2 chỉ số chính thực bị “knock out, dù đã cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi mức giá thấp nhất ngày.

Đóng cửa, VN-Index giảm 8,49 điểm (-1,58%) xuống 528,95 điểm, HNX-Index giảm 1,7 điểm (-2,17%) xuống 76,51 điểm. Thanh khoản thị trường được cải thiện khá tốt so với phiên trước, tổng giá trị giao dịch gần 2.000 tỷ đồng.

Như thường lệ, những phiên thị trường giảm mạnh là những phiên nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Phiên này, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng hơn 2,4 triệu đơn vị trên 2 sàn, giá trị gần 51 tỷ đồng.

Dưới áp lực lớn, hầu hết các mã thị trường trên sàn đều giảm mạnh, một số mã giảm sàn như OGC, HAI, DLG, VHG (HOSE)... hay VIX, PVX, NHP, BAM... Cả FLC và KLF dù vẫn giữ vị trí dẫn đầu về thanh khoản, nhưng cũng đều quay đầu giảm mạnh.

Không chỉ các mã đầu cơ, nhiều cổ phiếu bluechip khác cũng bị bán mạnh trong phiên chiều. Nhiều mã như GAS, VIC, HPG, BVH, PVD, CTG, EIB, DPM (HOSE)…hay PVS, PVC, PVB, FIT, SCR (HNX)... đều đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

>> Phiên giao dịch chiều 18/5: Knock out

Về phần các Dự, việc thị trường liên tiếp giảm điểm và đánh mất mốc hỗ trợ mạnh 540 ở phiên cuối tuần trước, thanh khoản tiếp tục sụt giảm, cùng với việc thiếu các thông tin hỗ trợ, nhiều Dự  trong đó có KIS, BSC, MSBS, MBS, IVS, SHS đều cho rằng tuần giao dịch từ 18/5 đến 22/5 tiếp tục là một tuần giảm điểm, đồng thời thanh khoản sẽ khó được cải thiện.

Và kết quả ở phiên đầu tuần này (18/5) cho thấy những nhận định này “bắt đầu” hiệu nghiệm. Nhưng ngay phiên sau đó, thị trường đã bật tăng rất mạnh và duy trì đà tăng mạnh này đến hết tuần, cùng với đó là sự trở lại của dòng tiền, khiến thanh khoản thị trường tăng cao. Đây là diễn biến hết sức bất ngờ trong bối cảnh hiện tại, dù không thể không kể đến sự hỗ trợ từ những thông tin mang tính tích cực như hoãn thi hành Thông tư 200 đến cuối năm nay, kỳ vọng sẽ sớm sửa đổi Nghị định 58 hay triển vọng về TPP…

Bởi vậy, những nhận định cho rằng thị trường không thể (hay chưa thể) khởi sắc của KIS, BSC, MSBS, MBS, IVS, SHS là chưa thật hợp lý.

“Sự mất bình tĩnh diễn ra vào gần cuối phiên chiều khiến các lệnh bán được đưa ra ồ ạt, đẩy VN-Index thủng mốc hỗ trợ 540 và đóng cửa ở mức thấp nhất phiên 537,44 điểm. Đây là một tín hiệu tiêu cực và tuần sau sẽ là tuần giảm điểm của thị trường, những phiên hồi phục sẽ diễn ra vào cuối tuần khi VN-Index giảm về mốc hỗ trợ tiếp theo 530 điểm. Phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần, thị trường có thể có bulltrap trong phiên, nhà đầu tư nên thận trọng trước tín hiệu tạo đáy giả của thị trường”, MBS nhận định.

KIS đánh giá: “Thị trường một lần nữa đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi với xu thế giảm điểm là rõ nét. Câu chuyện biển Đông với giàn khoan Trung Quốc lại được đưa tin trở lại trên các phương tiện đại chúng. Dù đến thời điểm hiện nay đã chưa phát sinh căng thẳng nhưng bất kì thông tin liên quan đến giàn khoan cũng sẽ khiến cho nhà đầu tư trong nước lo lắng. Các chỉ báo kĩ thuật đang cho thấy khả năng điều chỉnh sẽ còn tiếp diễn trong tuần tới, đặc biệt sau khi VN-Index phá vỡ ngưỡng hỗ trợ khá mạnh là 438-540”.

IVS cũng cho rằng: “Với phiên giảm mạnh cuối tuần đã đẩy chỉ số VN-Index rơi đúng về mức 537 điểm (mức thấp nhất mà chỉ số này đã hồi phục hồi đầu Tháng 4), khả năng hồi phục lại khi biên độ giảm kiểu này rất thấp.  Và với một thị trường đang yếu về tâm lý, yếu về thông tin hỗ trợ trong khi nhà đầu tư đang lo sợ với rất nhiều vấn đề thì nhiều khả năng tuần kế tiếp sẽ đón nhận chuỗi giảm tiếp theo của thị trường”.

Tương tự là BSC: “Chưa có một nhân tố cụ thể nào dẫn dắt được thị trường tăng điểm mạnh trong giai đoạn này: không có thông tin hỗ trợ, khối ngoại đang dừng mua vào và tâm lý nhà đầu tư trong nước đang chán nản. Vì vậy, thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Cùng lúc đó, các cổ phiếu dầu khí - động lực cho thị trường trong thời gian gần đây, tiếp tục giảm giá do việc giá dầu giảm nhẹ, góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số VN-Index và HNX-Index”.

Tuy nhiên, riêng VCSC lại có cách đánh giá khác hợp lý hơn: “Chúng tôi cho rằng rủi ro ngắn hạn đã có dấu hiệu suy giảm khi hai chỉ số đang giao dịch quanh vùng đáy Tháng 12/2014 và nhiều cổ phiếu xuất hiện mô hình phân kỳ tăng giá. Đặc biệt, chỉ báo dòng tiền đã có dấu hiệu gia tăng khi thị trường giảm mạnh, đây là điểm tích cực cho thấy dòng tiền bắt đáy đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường và chúng tôi kỳ vọng dòng tiền bắt đáy sẽ tiếp tục gia tăng trong tuần giao dịch tới”.

Trong khi đó, những FPTS, MBKE, BVSC, VDSC và SSI lại lựa chọn phương án an toàn là đưa ra nhận định hay khuyến nghị mang tính trung lập như “xu hướng chưa rõ ràng”, “thận trọng trong ngắn hạn”, hay “không vội mua bắt đáy”...

Sang phiên giao dịch 19/5, lực cầu bắt đáy tiếp tục được duy trì khi bước vào phiên giao dịch sáng, điều này giúp cả 2 chỉ số chính đảo chiều tăng trở lại. Đà tăng được nới rộng dần nhưng duy trì ở mức chậm cho đến hết phiên, bởi sắc xanh chỉ xuất hiện nhiều hơn ở nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi nhóm cổ phiếu lớn bị phân hóa. Ngoài ra, với tâm lý hiện tại, phiên tăng điểm sáng nay đem lại sự nghi ngờ nhiều hơn là vui mừng cho nhà đầu tư.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 3,08 điểm (+0,58%) lên 532,03 điểm, HNX-Index cũng tăng 0,25 điểm (+0,33%), lên 76,76 điểm. Giao dịch được giữ ở mức không quá chậm, nên thanh khoản trên 2 sàn có giảm nhẹ so với phiên sáng qua, đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn không có sự đồng thuận. Trong khi nhóm dầu khí hồi phục nhẹ trở lại bất chấp việc giá dầu thô giảm nhẹ, thì nhóm ngân hàng chỉ lình xình quanh tham chiếu, trong đó VCB tỏ ra “kiệt sức” sau màn “ngược dòng” ở phiên đầu tuần.

Sắc xanh mở rộng ở nhiều mã thị trường như HAI, FLC, VHG… trên HOSE, hay KLF, SHN,… trên HNX.

>> Phiên giao dịch sáng 19/5: Tăng trong nghi ngờ

Trong buổi giao dịch chiều, đà tăng của VN-Index nhanh chóng được nới rộng, nhưng không phải vì lực mua mạnh, mà nhờ một vài mã cố phiếu lớn như GAS, VCB, CTG…Dù có chút rung lắc nhẹ ở đợt ATC, mốc 535 điểm vẫn được giữ vững nhờ sự ổn định của các mã lớn và số điểm đã bị đánh mất trong phiên đầu tuần gần như đã được bù đắp.

Đóng cửa, VN-Index tăng 7,87 điểm (+1,49%) lên 536,82 điểm, HNX-Index tăng 0,93 điểm (+1,22%) lên 77,44 điểm. Dòng tiền trở lại nhưng không hào hứng, thanh khoản theo đó giảm khá so với phiên trước, đạt chưa đầy 1.800 tỷ đồng. Điểm tích cực là khối ngoại đã đẩy mạnh mua ròng trong phiên, đạt hơn 7,35 triệu đơn vị, giá trị trên 130 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn được đẩy tăng mạnh trong phiên chiều nay như GAS (tăng 5,17%), DPM (tăng 2%), CTG (tăng 2,37%)..., trên HNX là KLF, FIT,....

Nhóm cổ phiếu thị trường không tăng quá mạnh, nhưng đa phần chốt phiên ở mức cao nhất phiên. HHS, VHG tăng trần. OGC cũng quay 180 độ từ màu xanh mắt mèo sang tím.

Trên HNX, các mã VFR, SHN, KVC vẫn duy trì được sắc tím, trong đó SHN, KVC còn dư mua giá trần khá lớn, trong khi ITQ, PVX... cũng lấy lại được sắc xanh.

>> Phiên giao dịch chiều 19/5: Vai trò của “ông lớn”

Về phần các Dự, với phiên giảm mạnh đầu tuần 18/5, vẫn rất nhiều Dự “tát nước theo mưa” đưa ra nhận định khá bi quan về thị trường, trong đó có FPTS, SHS, IVS, BSC, MBS, KIS. Nhưng thị trường đã bật tăng khá mạnh trở lại ở phiên này, cho nên FPTS, SHS, IVS, BSC, MBS, KIS tiếp tục trật khấc.

“Phiên giao dịch 18/5 xuất hiện mô hình nến giảm mạnh có thân rất dài và đi kèm với “run away gap”. Ngoài ra thanh khoản trong phiên cũng gia tăng đột biến. Như vậy, chỉ số chính thức rời khỏi mức hỗ trợ tạo bởi đáy cũ của tháng 4/2015. Thanh khoản tăng trở lại vào thời điểm này là điều bất lợi cho thấy tâm lý rời bỏ thị trường vẫn chi phối các hoạt động giao dịch. Ở chiều hỗ trợ, cận dưới của đường xu hướng giảm tính từ đầu tháng 2/2015 đến nay đang dẫn chiếu chỉ số đến khu vực 515-520 điểm, đây là nơi hội tụ của khá nhiều các yếu tố hỗ trợ. Trong khi xu hướng giảm chưa có dấu hiệu dừng lại thì các hoạt động giải ngân bắt đáy là hết sức rủi ro”, FPTS nhận định.

SHS đánh giá: “Xu thế giảm mạnh đang dần hình thành, các vùng hỗ trợ ngắn hạn của 2 chỉ số liên tục bị phá vỡ, các tin tức kém khả quan tiếp tục không có sự biến chuyển. Thị trường đang trong quá trình tìm đáy khiến cơ hội kiếm lợi nhuận là khá thấp trong khi rủi ro đang ở mức cao. Sự kiên nhẫn chờ đợi trong giai đoạn hiện tại là điều cần thiết”.

Tương tự là MBS: “Sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp vừa qua, các chỉ số chính thức giảm qua ngưỡng hỗ trợ là các vùng đáy cũ 537 điểm của VN-Index và 78 điểm của HNX-Index để hình thành xu hướng giảm về các vùng hỗ trợ thấp hơn. Lực cầu bắt đáy có tín hiệu trở lại trong phiên này khi thanh khoản cải thiện đáng kể, mặc dù vậy, áp lực bán ra và tâm lý bi quan của nhà đầu tư vẫn những nét chủ đạo của thị trường hiện nay”.

IVS cho rằng: “Chúng tôi vẫn nghiêng về việc chỉ số giảm mạnh, phần lớn do tác động từ cổ phiếu lớn nên nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi bán ra, bởi có thể giai đoạn này đã là muộn. Sự hồi phục của thị trường có thể sẽ đến và đó là lúc nhà đầu tư có thể bán ra hơn là cố gắng bán bằng mọi giá ở thời điểm này”.

Ngược lại. VCSC tiếp tục đưa ra nhận định khá nhạy bén và tính hợp lý tương đối cao. “Chúng tôi cho rằng lực cầu bắt đáy có thể sẽ gia tăng mạnh khi VN-Index giảm mạnh về gần mức hỗ trợ 520 điểm, đây là mức đáy trong sự kiện Biển Đông tháng 5/2014 và giá dầu sụt giảm mạnh trong tháng 12/2014. Đồng thời, các chỉ báo xung lượng ngắn hạn đồng loạt giảm mạnh vào vùng quá bán cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật trong vài phiên tới và các nhà đầu tư cần hạn chế bán tháo ở vùng giá này. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư cũng rơi vào trạng thái bi quan thái quá cho thấy thị trường thường hình thành đáy trong giai đoạn này”.

MBKE và MSBS cũng có những nhận định về một phiên hồi phục kỹ thuật, dù chưa hợp lý hoàn toàn.

“Thị trường có phiên giảm điểm mạnh thứ 2 liên tiếp, phá vỡ mốc hỗ trợ 530 điểm với sự bán  tháo khá mạnh của phần lớn các cổ phiếu trên sàn. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã bắt đầu xuất hiện khiến thanh khoản phiên 18/5 có phần khởi sắc hơn. Phiên giao dịch ngày 19/5, thị trường

có khả năng sẽ hồi phục kỹ thuật, áp lực bán sẽ mạnh nhất vào đầu phiên sáng, sau đó biên độ giảm của thị trường sẽ co hẹp dần”, MSBS đánh giá.

MBKE cũng cho rằng: “Đánh giá chủ đạo của chúng tôi tiếp tục ở mức kém lạc quan. Dù vậy, có khả năng sau các phiên “bán tháo” tương đối mạnh và có phần thái quá (dựa trên đánh giá một số chỉ báo kỹ thuật), chúng tôi nghiêng về khả năng sẽ sớm có một pha hồi phục kỹ thuật”.

Trong khi đó, BVSC, VDSC và SSI tiếp tục trung thành với những nhận định trung lập.

Tới phiên giao dịch 20/5, các mã lớn giúp thị trường có được sắc xanh phiên trước đó bắt đầu yếu sức khi khởi đầu phiên sáng 20/5, nhất là nhóm cổ phiếu dầu khí khi giá dầu tối 19/5 trên thị trường quốc tế giảm tới hơn 3%, khiến cả 2 chỉ số mở cửa trong sắc đỏ. Nhờ dòng tiền đầu cơ bất ngờ chảy mạnh, bắt nguồn từ FLC, sau đó lan tỏa ra toàn thị trường, giúp cả 2 sàn không chỉ hồi phục mà còn tạo sóng lớn.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 8,25 điểm (+1,54%) lên 545,07 điểm, HNX-Index tăng 1,04 điểm (+1,34%) lên 78,48 điểm. Dòng tiền hào hứng nên thanh khoản tăng mạnh, nhất là trên HOSE, tổng giá trị giao dịch thị trường đạt trên 1.300 tỷ đồng.

Lực cầu mạnh mẽ giúp FLC nhanh chóng leo lên mức trần 10.000 đồng, khớp lệnh 10,41 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 5 triệu đơn vị. Nhiều mã thị trường khác như DLG, HAI, HQC, VHG… cũng đồng loạt tăng mạnh. Hiệu ứng từ nhóm này lan tỏa ra toàn thị trường. Không chỉ các mã lớn tăng tốt, mà nhiều các mã trong các nhóm khoáng sản, thủy sản vật liệu xây dựng… cũng đạt sắc tím.

Trên HNX, nhiều mã lớn như VND, BVS, SHS, KLS… tăng mạnh, nhóm dầu khí cũng nhích nhẹ qua tham chiếu. Sắc tím cũng xuất hiện ở nhiều mã như VDS, HBS, SHN….

>> Phiên giao dịch sáng 20/5: Sóng lớn

Trong buổi giao dịch chiều, lực cầu gia tăng mạnh tiếp tục gia tăng mạnh, thị trường tràn ngập sắc xanh và tím. Đà tăng của các chỉ số tiếp tục được nới rộng, VN-Index và HNX-Index dần tiếp cận trở lại các ngưỡng kháng cự mạnh tương ứng 550 vàc 80 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 13,28 điểm (+2,47%) lên 550,1 điểm, HNX-Index tăng 1,9 điểm (+2,45%) lên 79,34 điểm. Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường giúp thanh khoản tăng vọt, với tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn đạt gần 2.500 tỷ đồng. Cùng với đó, khối ngoại tiếp tục duy trì mua ròng mạnh hơn 3,56 triệu đơn vị, giá trị gần 117 tỷ đồng,

Dòng tiền tiếp tục dồn mạnh vào nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã tăng trần như FLC, CII, HAI, HAR, HQC, VHG, SHI…đi cùng với thanh khoản tăng rất mạnh. OGC bất ngờ vươn lên dẫn đầu thanh khoản với hơn 12 triệu đơn vị. FLC và CII cùng khớp trên 10,5 triệu đơn vị, riêng FLC còn dư mua trần tới 11,43 triệu đơn vị. Sắc tím còn mở rộng thêm ở nhiều mã, trên hầu hết các nhóm cổ phiếu như dầu khí, chứng khoán, khoáng sản và thủy sản.

Trên HNX, ngoài KLF và FIT tăng trần, đồng thời là 2 mã dẫn đầu thanh khoản trên sàn, các cổ phiếu cũng đua nhau trổ tím sàn. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí như PVX, PVC, PVS… cũng đồng loạt tăng mạnh để đẩy chỉ số.

>> Phiên giao dịch chiều 20/5: Sắc tím ngập sàn

Về phần các Dự, mặc dù tăng khá tốt ở phiên 19/5, nhưng phiên tăng này được BSC đánh giá là chỉ là hồi phục kỹ thuật và nhịp hồi phục sẽ khó kéo dài. Nhưng kết quả phiên 20/5 đã chứng minh điều ngược lại hoàn toàn.

“Chúng tôi cho rằng nhịp phục hồi 19/5 chủ yếu mang tính kỹ thuật do thị trường đã gần chạm vùng đáy cũ vào tháng 5/2014 và tháng 12/2014. Việc nhiều cổ phiếu giảm trở về mức giá hấp dẫn đã kích thích dòng tiền bắt đáy quay trở lại. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng thị trường vẫn đang bước vào vùng trũng thông tin, do đó không có nhiều động lực rõ ràng để dẫn dắt thị trường đi lên. Chính vì thế, nhịp phục hồi này nhiều khả năng sẽ không kéo dài”, BSC đánh giá.

Với những phiên mà 02 chỉ số cùng tăng mạnh tới gần 2,5% như trong phiên 20/5 thì có thể khẳng định rằng mọi nhận định đều bị “knock out”. Dù vậy, việc MSBS, MBKE, IVS cho rằng thị trường tiếp tục tăng điểm là không hề sai.

“Thị trường hồi lại như đã nhận định trước đó. Trước mắt, 530 vẫn được coi là vùng hỗ trợ khá mạnh của thị trường nên việc VN-Index nhúng xuống mốc này và có phiên hồi phục kỹ thuật trở lại là điều hợp lý. Hơn nữa, quan sát thanh khoản trong 2 phiên giảm điểm mạnh, cộng với phiên tăng điểm nghi ngờ này thì nhiều khả năng ngày 20/5 thị trường vẫn sẽ tăng điểm, quay trở lại test mốc 540 điểm”, MSBS nhận định.

IVS cũng cho rằng: “Khi cầu mua trả hàng giảm nhiệt sẽ làm cho lực mua đẩy giá lên yếu đi, đồng thời sự thận trọng quay lại tạo điều kiện để bên bán gia tăng áp lực trong phiên ngày 20/5. Thị trường có thời điểm suy yếu là lúc giá của nhiều cổ phiếu tốt nhất để mua vào. Thị trường nếu tiếp tục duy trì sự tích cực và khối lượng giao dịch vẫn ổn định ở mức này thêm một phiên nữa cho dù tăng hay giảm thì khả năng tăng trở lại là rất cao”.

Tương tự là MBKE: “Như lưu ý trong bản tin trước, một pha hồi phục kỹ thuật đã xuất hiện kể từ phiên 19/5. Chúng tôi cho rằng sự hồi phục sẽ vẫn còn tiếp diễn trong một vài phiên tới, vùng giá hợp lý có thể xoay quanh khu vực 545 điểm”.

Riêng với VCSC, Dự này đã có thêm một phiên nhận định rất hợp lý. “Chúng tôi cho rằng dòng tiền đầu cơ có thể sẽ tiếp tục gia tăng khi chỉ số VNSmallcaps đang xuất hiện tín hiệu phân kỳ tăng giá với nhóm chỉ báo xung lượng ngắn hạn. Đồng thời, dòng tiền bắt đáy có thể sẽ tiếp tục gia tăng và hỗ trợ nhịp hồi phục kỹ thuật trong vài phiên tới. Mức kháng cự gần nhất là vùng 537 – 540 của chỉ số VN-Index và 78.5 của chỉ số HNX-Index, nếu hai chỉ số vượt được các mức kháng cự này trong nhịp hồi phục tới thì đáy có thể sẽ dần xác nhận”.

Trong khi đó, những BVSC, FPTS, VDSC, SHS, MBS, SSI, KIS, đã “an toàn” ở phiên này nhờ trung thành với việc nhận định trung lập.

Đến phiên giao dịch 21/5, sau phiên bùng nổ cả về điểm số và thanh khoản trước đó, cùng với việc giá xăng tiếp tục tăng thêm 1.200 đồng lên 20.430 đồng/lít, nhà đầu tư bắt đầu lo áp lực chốt lời gia tăng nên tỏ ra thận trọng hơn, thị trường trở lại trạng thái giao dịch khá trầm lắng. Cả hai sàn đều duy trì sắc xanh nhạt với thanh khoản nhúc nhắc.

Phần lớn thời gian của phiên sáng 2 chỉ số chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu, nhờ lực đỡ từ một số cổ phiếu bluechip, VN-Index giữ được mốc 550 điểm, HNX-Index cũng lấy lại được sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 0,03 điểm (+0,01%) lên 550,13 điểm, HNX-Index tăng 0,09 điểm (+0,11%) lên 79,43 điểm. Tổng giá trị giao dịch thị trường giảm nhẹ trở lại, đạt trên 1.100 tỷ đồng, trong đó thanh khoản trên HOSE giảm mạnh, nhưng trên HNX lại tăng nhẹ so với phiên sáng hôm qua.

Dù không còn mạnh như phiên trước, nhưng dòng tiền vẫn tập trùng nhiều tại nhóm cổ phiếu thị trường. FLC vẫn chứng tỏ sức hút lớn, thanh khoản thậm chí còn tốt hơn phiên sáng qua đạt hơn 13,5 triệu đơn vị. KLF và FIT tiếp tục là 2 mã dẫn đầu thanh khoản trên HNX.

Đến lượt nhóm chứng khoán đồng loạt tăng mạnh cả về thanh khoản lẫn điểm số trong phiên sáng nay, trong đó tăng trần có HCM, AGR (HOSE), hay VIX (HNX).

>> Phiên giao dịch sáng 21/5: Thu hoạch sớm

Trong buổi giao dịch chiều, trong phần lớn thời gian cả 2 chỉ số tiếp tục diễn biến giằng co và liên tục trồi sụt quanh mốc tham chiếu. Nhưng lực cầu lại bất ngờ được gia tăng mạnh về cuối phiên, giúp thị trường lấy lại đà tăng cùng thanh khoản cải thiện đáng kể. Có vẻ như con sóng tăng lần này chưa thể dừng lại khi sự tham lam đã trở lại với nhà đầu tư.

Đóng cửa, VN-Index tăng 2,46 điểm (+0,45%) lên 552,56 điểm, HNX-Index tăng 0,37 điểm (+0,46%) lên 79,71 điểm. Dòng tiền hưng phấn cuối phiên giúp thanh khoản tăng tốt và vượt qua phiên trước đó, đạt gần 2.600 tỷ đồng. Khối ngoại dù sức mua đã giảm bớt, nhưng vẫn duy trì trạng thái mua ròng với hơn 2,6 triệu đơn vị, giá trị trên 72 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu thị trường tiếp tục là điểm đến của dòng tiền và tâm điểm vẫn là FLC với hơn 21,95 triệu đơn vị được khớp. OGC tăng trần, khớp lệnh 3,87 triệu đơn vị và dư bán trần hơn 1,65 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng, chứng khoán và một số bluechips khác như MSN , BVH, FPT… cùng đồng loạt tăng điểm.

Trên HNX, nhóm dầu khí là động lực chính đẩy chỉ số của sàn này. Trong khi các mã như KLF, FIT, SHN, ITQ… đã yếu đà.

>> Phiên giao dịch chiều 21/5: Sóng chưa dừng

Về phía các Dự, với phiên tăng rất mạnh ngày 20/5, VN-Index đã vượt qua mốc cản mạnh 555 điểm, còn HNX-Index cũng đã tiệm cận mốc 80 điểm, nhưng hầu hết các Dự đều rất thận trọng trong việc đánh giá xu hướng tăng tiếp theo của các chỉ số. Bởi vậy, nhận định trung lập tiếp tục là cách được nhiều Dự gồm FPTS, SSI, MBKE, VDSC, MBS, BSC, VCSC, KIS lựa chọn.

Trong khi những MSBS, BVSC, IVS vẫn có những cách đánh giá riêng và cũng khá hợp lý.

“Thị trường tiếp tục có thêm 1 phiên tăng điểm mạnh củng cố cho các tín hiệu kỹ thuật. Đặc biệt là các cổ phiếu đầu cơ đang thu hút rất mạnh sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. VN-Index phiên 20/5 đóng cửa gần như ở mốc điểm số cao nhất phiên và vượt thẳng luôn ngưỡng kháng cự 550 điểm đã đánh mất trước đó. Chúng tôi cho rằng, khả năng cao thị trường có thể hồi phục trở lại và nhà đầu tư có thể giải ngân khoảng 30% vốn trong những phiên điều chỉnh. Ngày 21/5, VN-Index sẽ gặp mốc 552-553 ngưỡng MA20, nên có thể thị trường sẽ có điều chỉnh trong phiên, nhưng kết thúc phiên vẫn có thể tăng điểm”, MSBS đánh giá.

IVS nhận định: “Thông thường, sự tích cực của thị trường thường đến từ chính những nhóm cổ phiếu này bởi mức sụt giảm mạnh và mức giá thấp đầy hấp dẫn. Và rõ ràng câu chuyện của nhóm đầu cơ vẫn sẽ tiếp tục trong phiên ngày 21/5 và nó sẽ giữ cho tâm lý của NĐT trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, với 2 phiên tăng mạnh và NĐT mua đuổi kiểu này thường dễ khiến thị trường gặp bất lợi và khó duy trì đà tăng mạnh. Áp lực bán sẽ ngày càng gia tăng nếu như cổ phiếu tiếp tục tăng lên bởi không đơn giản để tăng nhanh đến như vậy. Nhưng ở phiên ngày 21/05 thì sự phân hóa lại đến và nhiều khả năng nhóm đầu cơ tăng giá còn nhóm cơ bản lại giảm. Sự chùng xuống của thị trường là điều cần thiết nhưng mức độ tấm lý hiện nay sẽ không khiến thị trường sụt giảm quá mạnh”.

BVSC cũng cho rằng: “Phiên phục hồi 20/5 của 2 chỉ số với thanh khoản vượt trội, cùng với sức cầu tự tin khớp lên các vùng giá cao cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã chuyển sang trạng thái lạc quan, trái ngược với diễn biến tâm lý bi quan thường trực trong 1 vài tuần gần đây. Bên cạnh yếu tố hồi phục kỹ thuật sau một nhịp giảm sâu, sự bứt phá mạnh mẽ của giá cổ phiếu còn có phần xuất phát từ kỳ vọng nghị định 58 với tâm điểm là việc nới room khối ngoại sẽ được hoàn tất trong tương lai gần. Mặc dù vậy, sau một phiên tăng điểm hưng phấn, hấp thụ lớn về dòng tiền, chúng tôi cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ sớm phải đối mặt với một nhịp “chùng” trong 1-2 phiên tới”.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 22/5, cả 2 chỉ số đều mở cửa trong sắc xanh với dư âm từ phiên tăng trước, hoạt động giao dịch được giữ ở mức trung bình. Lực cung gia tăng khiến 2 sàn nhanh chóng đảo chiều giảm điểm, tuy vậy mức giảm cũng không mạnh. Thị trường chia 2 nửa xanh-đỏ rõ rệt khi 2 bên mua bán chưa gặp nhau.

Trong bối cảnh thị trường không đồng thuận, một lần nữa các cổ phiếu lớn như GAS, VIC, VMN, VCB (HOSE) hay PVB, PVC, PVS (HNX) lại được dùng để nâng đỡ thị trường. Tuy nhiên, chỉ VN-Index tận dụng được điều này và vượt thành công mốc 555 điểm, trong khi HNX-Index vẫn chưa thể về được tham chiếu.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 2,76 điểm (+0,5%) lên 555,32 điểm, HNX-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%) xuống 79,65 điểm. Cung-cầu khá cân bằng, thanh khoản chung theo đó tăng nhẹ so với phiên sáng qua, tổng giá trị giao dịch đạt trên 1.200 tỷ đồng.

Dù áp lực bán gia tăng, nhưng nhóm ngân hàng, chứng khoán và phần nào là khoáng sản vẫn duy trì được phong độ, qua đó giúp chỉ số giữ được đà tăng. Trong đó, BID, CTG và SSI cùng giữ sắc xanh và đều khớp trên 1 triệu đơn vị.

Áp lực chốt lời lại tập trung khá mạnh ở nhóm cổ phiếu thị trường, nên đa phần nhóm này giảm điểm hoặc đứng tham chiếu. FLC (HOSE) và KLF (HNX) vẫn dẫn đầu thanh khoản trên 2 sàn và cùng giảm 1 bước giá.

>> Phiên giao dịch sáng 22/5: Giữ vững đà tăng

Trong phiên giao dịch chiều, sự thận trọng ở phiên sáng dần được cởi bỏ, lực cầu đã lại đồng loạt tăng mạnh, tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn, kéo VN-Index vọt tăng, vượt qua mốc cản mạnh tiếp theo 560 điểm. Nhưng HNX-Index vẫn không nhận được sự hỗ trợ tốt của nhóm trên sàn này nên liên tục giằng co, đóng cửa giảm điểm và vẫn không thể lấy lại mốc 80 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng mạnh 9,26 điểm (+1,68%) lên 561,82 điểm, còn HNX-Index vẫn giảm 0,16 điểm (-0,2%) xuống 79,55 điểm. Dòng tiền vẫn hào hứng chảy vào thị trường, giúp thanh khoản chung tiếp tục được duy trì ở mức cao gần 2.600 tỷ đồng trên 2 sàn.

Các mã trụ GAS, VNM, VIC, MSN, cùng với nhóm ngân hàng, chứng khoán đồng loạt tăng khá mạnh, thanh khoản tốt là những yếu tố chính giúp VN-Index tăng mạnh. Nhóm cổ phiếu bất đống sản phân hóa mạnh hơn hẳn trong phiên chiều, tuy nhiên sắc xanh vẫn trội hơn và thanh khoản vẫn khá cao, qua đó vẫn hỗ trợ tốt cho VN-Index. FLC thanh khoản mạnh nhất sàn HOSE với 14,6 triệu đơn vị được khớp.

Trên HNX, chỉ có nhóm dầu khí là giữ được đà tăng khá ổn, còn lại nhiều mã trong rổ HNX30 tỏ ra yếu thế, cộng áp lực bán cao nên HNX-Index không thể hồi về tham chiếu. Hai mã KLF và FIT tiếp tục giữ sắc đỏ, trong đó FIT vươn lên dẫn đầu thanh khoản với 9,46 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm mạnh 1.100 đồng xuống còn 13.400 đồng/CP. KLF khớp hơn 7 triệu đơn vị.

>> Phiên chiều 22/5: thị trường phân hóa mạnh, 2 sàn đóng cửa trái chiều

Về phía các Dự, cũng tương tự như phiên trước, hầu hết các Dự vẫn khá nghi ngờ về việc thị trường đã quay trở lại xu hướng tăng, cho dù yếu tố khiến các Dự “lăn tăn” là thanh khoản vẫn tiếp tục được giữ ổn định. Bởi vậy, nhận định theo hướng trung lập vẫn là những lựa chọn tiên quyết của FPTS, MBKE, VDSC, BSC, SHS, MBS, KIS, SSI, IVS.

 Còn lại VCSC, MSBS, BVSC tiếp tục đưa ra những nhận định hợp lý, trong đó đáng chú nhất vẫn là VCSC.

“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục duy trì đà tăng, đặc biệt chỉ số VN-Index có thể vượt được đường Downtrend (tức là mức 556) trong phiên 21/05/2015. Đồng thời, hai chỉ số có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên khi chỉ báo STO(5,3) tăng mạnh về gần vùng quá mua cho nên chúng tôi đánh giá đây là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy dòng tiền có dấu hiệu gia tăng ở nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng cho nên chúng tôi kỳ vọng hai nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong vài phiên tới. Bên cạnh đó, hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 526.83 của chỉ số VN-Index và 75.92 của chỉ số HNX-Index. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp rung lắc trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới”, VCSC nhận định.

MSBS đánh giá: “Chúng tôi tiếp tục nghiêng về thị trường sẽ tăng điểm trong phiên ngày 22/5. Việc VN-Index gặp đường MA20 cũng như mốc hỗ trợ 550 điểm xảy ra điều chỉnh trong phiên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có thể thấy rằng trong những nhịp trùng xuống thì không có việc bán tháo ồ ạt, các cổ phiếu cũng không giảm điểm mạnh và thanh khoản cũng tiếp tục được cải thiện. Trong phiên chiều, thị trường tăng điểm trở lại, thanh khoản tăng nhanh chóng cho cầu mất kiên nhẫn vào mạnh hơn, thị trường sôi động trở lại”.

Còn BVSC cho rằng: “Mặc dù từ 20/5 đã xuất hiện khá nhiều tin đồn liên quan đến vấn đề nới room, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có một thông tin chính thức nào liên quan đến vấn đề này được công bố. Tuy vậy, sự đảo chiều nhanh của VN-Index đang dần lôi kéo được một phần dòng tiền quay trở lại thị trường. Đây là tín hiệu tích cực và là cơ sở để kỳ vọng chỉ số có thể đứng vững trong các đợt chốt lời sắp tới”.

Tổng kết tuần giao dịch từ 18/5 đến 22/5, sau thời gian khá dài điều chỉnh với thanh khoản èo uột, 2 chỉ số đã bất ngờ bật tăng rất mạnh trong tuần giao dịch vừa qua và lấy lại hầu hết điểm số đã mất. Dòng tiền cũng đã hào hứng trở lại và giúp thanh khoản thị trường được cải thiện mạnh. Bên cạnh sự tích cực đến từ khối ngoại, một trong những nguyên nhân hỗ trợ thị trường tăng mạnh là những thông tin liên quan tới TTP, Thông tư 200 hay Nghị định 58.

Về các chỉ số, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, VN-Index tăng tới 24,38 điểm (+4,48%) lên 561,82 điểm. Còn với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, nhưng HNX-Index cũng tăng 1,34 điểm (+1,76%) lên 79,55 điểm.

Đối với các Dự, tuần giao dịch này đánh dấu sự xuất sắc của VCSC khi có được 4 phiên nhận định trúng với sự hợp lý cao. MSBS cũng có 4 phiên trúng, nhưng tính hợp lý hợp lý có phần đuối hơn so với VCSC. MBKE cũng khá tốt với 2 phiên trúng, bằng với BVSC và IVS.

Ở phía ngược lại, BSC là Dự “đen” nhất tuần này khi bị trật tới 3 phiên. Đứng sau là SHS, KIS, MBS và IVS khi cùng trật 2 phiên. Còn lại FPTS và MSBS đều có 1 phiên trật.

Về “còi vàng”, VDSC và SSI cùng chia sẻ danh hiệu này khi cùng có cả 5 phiên nhận định trung lập. FPTS bám sát phía sau với 4 phiên trung lập.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/18/5

HOSE(-8,49/1,61%/528,95)

HNX(-1,7/2,17%/76,51)

VCSC

FPTS, MBKE, BVSC, VDSC, SSI

KIS, BSC, MSBS, MBS, IVS, SHS

T3/19/5

HOSE(+7,87/1,49%/536,82)

HNX(+0,93/1,22%/77,44)

MBKE, MSBS, VCSC

BVSC, SSI, VDSC

FPTS, SHS, IVS, BSC, MBS, KIS

T4/20/5

HOSE(+13,28/2,47%/550,1)

HNX(+1,9/2,45%/79,34)

VCSC, MSBS, MBKE, IVS

BVSC, FPTS, VDSC, SHS, MBS, SSI, KIS

BSC

T5/21/5

HOSE(+2,46/0,45%/552,56)

HNX(+0,37/0,46%/79,71)

MSBS, BVSC, IVS

FPTS, MBKE, VDSC, MBS, SHS, SSI, BSC, VCSC, KIS

T6/22/5

HOSE(+9,26/1,68%/561,82)

HNX(-0,16/0,2%/79,55)

VCSC, MSBS, BVSC

FPTS, MBKE, VDSC, BSC, SHS, MBS, KIS, SSI, IVS

Tin bài liên quan