Nhóm cổ phiếu APEC hồi sinh, thị trường duy trì đà tăng

Nhóm cổ phiếu APEC hồi sinh, thị trường duy trì đà tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái ngược với phiên sáng, lực cầu trong ít phút cuối phiên chiều 12/7 khá tích cực, kéo nhiều cổ phiếu hồi phục hoặc nới rộng đà tăng, qua đó giúp VN-Index duy trì đà tăng phiên thứ 4 liên tiếp.

Quán tính từ lực bán mạnh cuối phiên sáng khiến VN-Index nới đà giảm khi bước vào phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, lực đỡ từ các mã trụ đã kéo chỉ số này trở lại lên trên tham chiếu, nhưng không thể bứt lên mà chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu khi sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế.

Trước khi bước vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), thị trường trở lại vạch xuất phát. Trong đợt ATC, lực cầu hoạt động tích cực ở nhiều mã/nhóm giúp kéo hàng chục mã hồi phục tăng giá, cùng với đó là hàng loạt mã nới đà tăng, thậm chí lên mức kịch trần như nhóm cổ phiếu APEC, cổ phiếu mía đường và các mã đơn lẻ khác, qua đó giúp VN-Index duy trì đà tăng phiên thứ 4 liên tiếp.

Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 2,43 điểm (+0,21%), lên 1.154,2 điểm với 191 mã tăng và 233 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 788 triệu đơn vị, giá trị 16.668,7 tỷ đồng, giảm 14,8% về khối lượng và 11,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 91,6 triệu đơn vị, giá trị 2.289,6 tỷ đồng.

Các mã trụ như nhóm Vingroup, VCB, SAB, BVH, PLX và có thêm VNM, MWG vẫn là tác nhân chính giúp thị trường duy trì được đà tăng trong phiên rung lắc. Trong đó, khi VRE hạ độ cao khi còn tăng 2,9% so với 3,3% của phiên sáng, thì VHM lại nới rộng đà tăng lên 2,2%, VIC vẫn giữ phong độ với mức tăng 1,2%. Bên cạnh đó, VCB duy trì đà tăng 1%, BVH tăng 3%, cùng với đó còn có sự góp sức của VNM khi đảo chiều tăng 1%, PLX và FPT giữ được mức tăng nhẹ như phiên sáng, cùng với sự góp mặt thêm của MSN, MWG, GVR, BID. Đặc biệt, nhóm VN30 ghi nhận sự bứt lên của PDR khi vươn lên dẫn đầu mức tăng trong nhóm 3,8% lên 19.100 đồng, khớp 18 triệu đơn vị. Đây cũng là mã tăng mạnh nhất trong nhóm bất động sản, xây dựng.

Nhóm bất động sản sắc xanh cũng chiếm ưu thế, ngoài PDR, VHM, còn có thêm hàng loạt mã tăng như NHA, DRH, FIR, NTL…, trong khi ở chiều ngược lại, HBC là mã giảm mạnh nhất khi mất 2,6% xuống 9.420 đồng, HPX cũng giảm 2,2% xuống 4.040 đồng.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng ngoài VCB và BID, chỉ có thêm SHB tăng giá và cũng là mã tăng mạnh nhất dù chỉ tăng 1,1% lên 13.750 đồng, khớp 20,3 triệu đơn vị. Trong khi đó, STB vẫn là mã khớp lớn nhất nhóm và cũng là khớp lớn nhất thị trường với 32,1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,7% xuống 29.800 đồng.

Sắc đỏ cũng chiếm ưu thế trong nhóm chứng khoán, cả SSI cũng không còn giữ được đà tăng của phiên sáng mà quay đầu giảm 0,4% xuống 27.950 đồng, khớp 23 triệu đơn vị. Trong khi đó, VND giảm 1,7% xuống 17.600 đồng và cũng là mã giảm mạnh nhất nhóm, khớp cũng cao nhất nhóm với 30,8 triệu đơn vị.

Nhóm thép ngoài VCA, phiên chiều có thêm SMC và POM tăng giá, trong đó POM leo mạnh với mức tăng 2,8% lên 6.990 đồng, SMC tăng 1,8% lên 14.350 đồng. Trong khi đó, HPG giảm 1,1% xuống 27.000 đồng, khớp 27,8 triệu đơn vị. HSG đứng giá tham chiếu, còn NKG chỉ giảm nhẹ.

Phiên chiều nay chứng kiến sự khởi sắc của cổ phiếu mía đường khi cả SBT và LSS đều leo lên mức kịch trần khi đóng cửa 16.900 đồng và 13.550 đồng. Trong đó, riêng SBT trong đợt ATC khớp tới 1,83 triệu đơn vị ở mức trần, nâng tổng khối lượng khớp lên 8,8 triệu đơn vị cả ngày. LSS khiêm tốn hơn nhưng cũng khớp mức kỷ lục, gần 4,5 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, tạo sự chú ý nhất trong phiên chiều là nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái APEC trên sàn HNX như IDJ, APS, API khi đồng loạt quay đầu tăng trần với thanh khoản tốt. Trong đó, IDJ khớp lớn nhất với 6,56 triệu đơn vị, APS khớp 2,8 triệu đơn vị và API khớp 1,94 triệu đơn vị và đều còn dư mua trần. Ngoài ra, sàn HNX chiều nay cũng chứng kiến nhiều mã đơn lẻ khác tăng trần, nhưng thanh khoản không cao. Trong các mã đáng chú ý, cũng không có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với phiên sáng, khiến HNX-Index không thể quay đầu trở lại khi đóng cửa với sắc đỏ, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp trước đó.

Cụ thể, HNX-Index giảm 0,34 điểm (-0,15%), xuống 228,88 điểm với 86 mã tăng và 99 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 101 triệu đơn vị, giá trị 1.687,7 tỷ đồng, giảm 14,8% về khối lượng và 9,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,5 triệu đơn vị, giá trị 167,5 tỷ đồng.

SHS vẫn là mã thanh khoản tốt nhất sàn với 16,77 triệu đơn vị, đóng cửa vẫn mức tăng nhẹ 0,7% lên 14.300 đồng. CEO vẫn là mã kế tiếp với 14,4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm mạnh 5,1% xuống 20.600 đồng.

UPCoM dù phần lớn thời gian giao dịch dưới tham chiếu trong phiên chiều, nhưng lại thoát hiểm trong phút cuối phiên để đóng cửa với sắc xanh nhạt, dù mức tăng rất khiêm tốn.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,11%), lên 85,91 điểm với 147 mã tăng và 115 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,4 triệu đơn vị, giá trị 914,9 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với phiên hôm qua và là phiên có thanh khoản thấp nhất tuần. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,5 triệu đơn vị, giá trị 29,8 tỷ đồng.

BSR vượt qua SBS trở thành mã có giao dịch lớn nhất thị trường với 12,3 triệu đơn vị, so với 10,93 triệu đơn vị. Cả 2 mã này đều đóng cửa tăng giá lần lượt là 1,1% lên 18.200 đồng và 6,4% lên 8.300 đồng. Trong khi đó, C4G giảm 0,7% xuống 14.200 đồng, khớp 2,84 triệu đơn vị.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có sự phân hóa, trong đó 2 hợp đồng đáo hạn gần nhất tăng, ngược chiều với thị trường cơ sở. Theo đó, VN30 hôm nay giảm 0,13 điểm (-0,01%), xuống 1.146,54 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 7 là VN30F2307 tăng 3,8 điểm (+0,33%), lên 1.141,8 điểm với 164.512 hợp đồng được giao dịch, giá trị 18.750 tỷ đồng. Khối lượng mở 61.483 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo, nhưng mức giảm của các mã không lớn, trong khi mã tăng mạnh nhất là CHPG2314 do PHS phát hành khi tăng kịch trần lúc đóng cửa, tương đương mức tăng 49,7% lên 2.860 đồng, nhưng thanh khoản chỉ 100 đơn vị. Hôm nay ghi nhận thanh khoản tốt trên thị trường chứng quyền khi có tới 8 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, chủ yếu do HSC, ACBS, KIS phát hành, trong đó cao nhất là CSTB2224 do HSC phát hành với 2,63 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,9% xuống 4.870 đồng.

Tin bài liên quan