Nhóm cổ phiếu ngân hàng đảo chiều, VN-Index vẫn giữ được mốc 1.300 điểm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đảo chiều, VN-Index vẫn giữ được mốc 1.300 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trên diện rộng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng gây sức ép lớn, đã khiến thị trường đảo chiều giảm, thậm chí VN-Index có thời điểm "thủng" mốc 1.300 điểm.

Trong phiên giao dịch sáng 16/5, thị trường gặp áp lực bán gia tăng trên diện rộng và VN-Index đã chuyển qua trạng thái rung lắc, rồi nới rộng biên độ giảm mạnh hơn về cuối phiên.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực bán tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và sự “đuối sức” của “tân binh” VPL, đã khiến VN-Index lùi sâu hơn và xuyên thủng mốc 1.300 điểm chỉ sau thời gian ngắn mở cửa.

Mặc dù thị trường nhanh chóng “vá” lại vùng tâm lý mạnh này và đã có những nhịp bật hồi, nhưng áp lực bán thường trực, đặc biệt là sức ép lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến VN-Index khó tiến xa.

Thị trường khép lại phiên cuối tuần ghi nhận mức giảm gần 12 điểm và vẫn bảo toàn được mốc 1.300 điểm với thanh khoản duy trì trên mức 20.000 tỷ đồng. Một “nhịp nghỉ” sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp với mức tăng gần 50 điểm là điều hết sức bình thường, đặc biệt trong bối cảnh chỉ số chung đang đi vào vùng kháng cự mạnh.

Chốt phiên, sàn HOSE có 132 mã tăng và 186 mã giảm, VN-Index giảm 11,81 điểm (-0,9%) xuống mức 1.301,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 905,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 20.756 tỷ đồng, giảm 18,87% về khối lượng và giảm 19,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 53,5 triệu đơn vị, giá trị gần 1.122,8 tỷ đồng.

Nhóm VN30 kết phiên giảm hơn 17 điểm khi có tới 24 mã giảm và chỉ 4 mã tăng. Trong đó, VRE tăng tốt nhất là 1,4%, các mã PLX, SAB và VIC chỉ biến động nhẹ quanh mức 0,5%.

Trái lại, FPT lùi sâu hơn trong phiên chiều và đóng cửa giảm 3,2%; tiếp theo là BVH và VPB giảm 2,7%, VIB giảm 2,4%, STB giảm 2,2%, BID và SSB giảm 2,1%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi BCG mất sắc tím, đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ 0,3%, với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 4 của thị trường với gần 33,5 triệu đơn vị; thì TCB tiếp tục có thêm phiên tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh đạt 9,4 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, với đà giảm sâu của FPT, nhóm cổ phiếu công nghệ đã trở thành nhóm dẫn đầu đà giảm của thị trường khi có thêm CMG giảm 3,2%, ELC giảm 2,2%, FOX, TTN… đều giảm nhẹ.

Tuy nhiên, tác động mạnh nhất là dòng bank, với sắc đỏ bao trùm toàn ngành. Trong đó, SHB giảm 1,8% và khớp gần 47,5 triệu đơn vị, VPB giảm 2,7% và khớp gần 38 triệu đơn vị, MBB giảm 1,6% và khớp gần 29 triệu đơn vị, TCB giảm 1,5% và khớp hơn 20 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán giảm nhẹ, với một số mã ngược dòng thành công như CTS tăng 2,8%, BSI và APG tăng hơn 1%, FTS đứng giá tham chiếu. Trong đó, VIX có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt gần 68 triệu đơn vị và đóng cửa giảm nhẹ 0,4%; SSI thuộc top 5 với hơn 30,2 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa cũng giảm nhẹ 0,8%.

Trong khi đó, cùng sự hồi phục nhẹ của nhà Vingroup gồm VIC tăng 0,25% và VRE tăng 1,5%, nhóm cổ phiếu bất động sản đã lấy lại sắc xanh. Một số mã đáng chú ý trong nhóm này như DXG tăng 1,5% và TCH tăng 2,5% với thanh khoản cùng đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù khá nỗ lực để tìm lại sắc xanh ở cuối phiên sáng, nhưng áp lực bán trên diện rộng cùng sức ép lớn từ nhóm cổ phiếu HNX30, đã khiến HNX-Index nhanh chóng quay đầu giảm trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HNX có 60 mã tăng và 103 mã giảm, HNX-Index giảm 0,59 điểm (-0,27%) xuống 218,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 81,25 triệu đơn vị, giá trị 1.146 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 7 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 kết phiên giảm 4,3 điểm khi có tới 20 mã giảm và chỉ còn 2 mã là NTP và DTD khởi sắc với mức tăng tương ứng là 2,1% và 1,1%. Trong số cổ phiếu giảm, L18 dẫn đầu với mức giảm 2,6%, HUT, TNG và SHS cùng giảm 2,3%...

Trong đó, SHS vẫn là mã có thanh khoản vượt trội trên thị trường với hơn 15 triệu đơn vị khớp lệnh.

Điểm sáng sàn HNX vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với một vài mã đáng chú ý như DL1 đóng cửa tăng 8,3% và khớp lệnh chỉ thua SHS, với gần 8,1 triệu đơn vị, LIG, FID và DDG cùng tăng kịch trần, thanh khoản đạt trên dưới 2 triệu đơn vị, TIG tăng 2,9% và khớp gần 1,5 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch phân hóa và rung lắc nhẹ.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%) xuống 95,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 76,5 triệu đơn vị, giá trị 562,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7,5 triệu đơn vị, giá trị 38,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu họ BCG là BCR tiếp tục có thêm phiên khoe sắc tím, đóng cửa tại mức giá trần 2.600 đồng/CP, với thanh khoản cao nhất thị trường, đạt hơn 14,6 triệu đơn vị và dư mua trần 1,25 triệu đơn vị.

Trong khi đó, AAH và BVB có thanh khoản đứng ở vị trí tiếp theo, lần lượt đạt 3,78 triệu đơn vị và 3,37 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng giảm 2,3% và 0,8%.

Một số mã giao dịch tích cực khác trên thị trường như DDV tăng 2,6% và khớp 2,4 triệu đơn vị, SBS tăng 2,1% và khớp 2,24 triệu đơn vị, C4G tăng 2,7% và khớp hơn 2 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN302506 giảm 11,7 điểm, tương đương -0,8% xuống 1.384,2 điểm, khớp lệnh đạt hơn 195.890 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế áp đảo. Trong đó, CVPB2407 phiên này thanh khoản cao nhất, khớp hơn 2,13 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 9,1% xuống 100 đồng/cq. Tiếp theo là CMWG2401 khớp 1,71 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 14,3% xuống 300 đồng/cq.

Tin bài liên quan