Dòng tiền đang tập trung vào các nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng như Vingroup, đầu tư công, năng lượng…

Dòng tiền đang tập trung vào các nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng như Vingroup, đầu tư công, năng lượng…

Kỳ vọng vào nội lực thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh diễn biến thị trường chứng khoán bị chi phối bởi các thông tin từ bên ngoài và có những ẩn số khó đoán định, các yếu tố nội tại được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trụ đỡ, hỗ trợ xu hướng phục hồi trong quý II này.

VN-Index có thể tiếp tục hồi phục

Diễn biến thuế quan, yếu tố địa chính trị toàn cầu và chính sách kinh tế trong nước đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư cũng như các chuyên gia.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, những yếu tố này không chỉ tác động trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến dòng tiền và chiến lược đầu tư, khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc đánh giá cơ hội và rủi ro. Thêm vào đó, tháng 5 thường là thời điểm các doanh nghiệp FDI rút lãi gửi về nước sau khi chốt sổ năm tài chính, gây áp lực lên tỷ giá, trong khi chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể khiến nguồn cung USD giảm (khối doanh nghiệp FDI có thể chần chừ giải ngân, còn các doanh nghiệp xuất khẩu hạn chế bán USD).

Mặc dù vậy, VN-Index đang có diễn biến hồi phục sau nhịp giảm mạnh đầu tháng 4 khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng ở mức cao với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi, trong bối cảnh thị trường toàn cầu đã lấy lại điểm số đã mất vì yếu tố thuế quan trước đó. Bởi lẽ, vấn đề thuế quan có dấu hiệu hạ nhiệt và với Việt Nam, nhiều khả năng sẽ có những tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán thương mại trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, Công ty Chứng khoán MB nhận định, việc đồng USD giảm giá, hỗ trợ đồng tiền của khu vực châu Á cũng như các thị trường mới nổi sẽ góp phần thu hút dòng tiền đầu tư quốc tế quay trở lại thị trường Việt Nam. Thực tế, khối ngoại có động thái mua ròng nhẹ trong thời gian gần đây. Ở trong nước, Chính phủ quyết tâm giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025, bất chấp kinh tế có thể bị tác động không nhỏ từ yếu tố bên ngoài. Bên cạnh đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I và đại hội cổ đông 2025 nhìn chung tích cực, chính sách tiền tệ nới lỏng cùng chính sách tài khóa mở rộng - đặc biệt là đầu tư công - sẽ là những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán.

“Về kỹ thuật, trong kịch bản cơ bản, VN-Index có thể dao động trong vùng 1.200 - 1.240 điểm để chờ thông tin từ các cuộc đàm phán Việt - Mỹ, yếu tố chính tác động đến thị trường trong tháng 5. Trong kịch bản tích cực, chỉ số có thể hồi phục về vùng 1.270 - 1.280 điểm”, ông Dũng dự báo.

Lựa chọn nhóm ngành tiềm năng

Các nhóm ngành không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan và xu hướng bảo hộ ở các nước lớn như ngân hàng, bất động sản, xây dựng, bán lẻ, công nghệ có khả năng sẽ được thúc đẩy để bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác.

Thanh khoản toàn thị trường đã giảm từ mức bình quân 24.000 tỷ đồng/phiên giai đoạn trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 xuống khoảng 18.000 tỷ đồng/phiên, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng, chờ đợi thông tin từ các cuộc đàm phán Việt - Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, dòng tiền tập trung vào các nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng như Vingroup, đầu tư công, năng lượng.

“Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở mức vừa phải để linh hoạt giao dịch theo dòng tiền. Theo tôi, tỷ trọng này ở mức 60/40 trong giai đoạn hiện tại là phù hợp”, ông Nguyễn Tiến Dũng khuyến nghị.

Anh Nguyễn Xuân Bách, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, trước đây, việc định giá thị trường chung cũng như từng cổ phiếu cụ thể đều dựa trên nền tảng kinh tế, nhưng câu chuyện thuế quan xuất hiện nên việc định giá cũng như chiến lược đầu tư sẽ phải tính toán lại. Chiến lược đầu tư của anh đang thiên về giao dịch ngắn hạn, với tỷ trọng cổ phiếu ở mức 50 - 60% giá trị tài sản ròng.

“Tôi đã ‘về bờ’ nên thận trọng với hoạt động giải ngân mới nhằm bảo toàn và phát triển nguồn vốn, còn những nhà đầu tư vẫn đang trong tình trạng thua lỗ bởi biến động thị trường đầu tháng 4 có thể cân nhắc nắm giữ cổ phiếu dài hạn. Bởi lẽ, các biến động kinh tế sớm hay muộn cũng qua đi và chu kỳ phát triển mới sẽ tiếp tục”, anh Bách nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, giai đoạn thị trường giằng co như hiện tại là cơ hội để tái cơ cấu danh mục. Nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu bluechips không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan nhưng thời gian qua cũng giảm giá mạnh cùng với đà giảm chung của thị trường. Về trung và dài hạn, triển vọng của một số nhóm ngành vốn được đánh giá cao như xuất khẩu (thủy sản, dệt may, đồ gỗ), cảng biển, khu công nghiệp sẽ giảm sức hấp dẫn. Ngược lại, các nhóm ngành không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan và xu hướng bảo hộ ở các nước lớn như ngân hàng, bất động sản, xây dựng, bán lẻ, công nghệ có khả năng sẽ được thúc đẩy để bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác.

Thực tế cho thấy, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2025 ở mức 8%, trong khi hoạt động xuất khẩu vốn là một trong ba lực đẩy chính của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi thông tin thuế quan, hoạt động đầu tư công đang được đẩy mạnh. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng như đá, xi măng, nhựa đường, thép.

Nhóm bán lẻ cũng có triển vọng sáng khi Chính phủ có thể sẽ triển khai thêm các chính sách kích cầu nội địa nhằm bù đắp dư địa tăng trưởng bị co lại của hoạt động xuất khẩu.

Với ngành ngân hàng, đây vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và hỗ trợ sự phục hồi của thị trường bất động sản. Tính đến ngày 15/4/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm ngoái (1,21%). Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 được nhiều chuyên gia đánh giá là khả thi.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest khuyến nghị, giai đoạn này, nhà đầu tư nên tăng tỷ trọng danh mục nắm giữ ở nhóm ít chịu tác động bởi thuế quan như ngân hàng, bán lẻ. Bên cạnh đó, duy trì một phần danh mục ở nhóm vận tải trong nước và kho bãi, lợi nhuận nhóm này dự báo sẽ tích cực trong quý II/2025 khi giá cước vận tải biển trong nước có xu hướng tăng và chi phí đầu vào đang giảm do giá xăng dầu giảm. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể “đặt cược” một phần danh mục ở nhóm chịu ảnh hưởng bởi thuế quan như dệt may, bất động sản khu công nghiệp, vì có thể sẽ nhận được “phần thưởng” từ kỳ vọng rằng câu chuyện thuế quan sẽ được đàm phán thành công. Lưu ý, với bất động sản khu công nghiệp, nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu của doanh nghiệp có khoản doanh thu chưa thực hiện lớn và lượng tiền gửi ngân hàng dồi dào.

Tin bài liên quan