Nhóm ngân hàng là tâm điểm

Nhóm ngân hàng là tâm điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, VN-Index tiếp tục có một tuần hồi phục tốt, với tâm điểm là nhóm ngành ngân hàng.

Đa phần cổ phiếu của các ngân hàng tốp đầu đều có 1 tuần tăng giá ấn tượng. Tiêu biểu, TCB tăng 7%, mã MBB và ACB cùng tăng 5%, CTG tăng 4%… Tăng trưởng tốt và định giá rẻ là lý do thu hút dòng tiền của nhóm cổ phiếu “vua”. Bên cạnh đó, sự hồi phục tốt của các cổ phiếu trong VN30 đã góp phần giúp chỉ số chung tăng mạnh. Thậm chí, nhìn trên đồ thị kỹ thuật, nhóm VN30 đã vượt qua vùng đỉnh được tạo ra vào tháng 3 năm nay. Trong đó, đà hồi phục của nhóm này có sự đóng góp không nhỏ bởi cổ phiếu họ Vingroup.

Đáng chú ý, khối nhà đầu tư nước ngoài có một tuần mua ròng mạnh mẽ, lên tới gần 3.000 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu bluechips như MBB, FPT, MWG, VPB, SHB. Ở chiều ngược lại, VHM, VCB, MSN là những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất.

Nhìn chung, động thái tích cực của khối ngoại trong những tuần gần đây là tín hiệu tốt cho thị trường chung. Nhà đầu tư cần tiếp tục chứng kiến điều đó trong các tuần tới để xác định rõ hơn xu hướng giao dịch của khối này, xem đó là sự quay lại mua ròng trong ngắn hay dài hạn.

Tình hình thế giới tuần qua có một số điểm đáng chú ý. Đầu tiên là Mỹ, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lập trường cứng rắn, cho rằng lãi suất dài hạn có thể phải duy trì ở mức cao hơn vì các cú sốc nguồn cung, nhưng thị trường lại đang đón nhận điểm sáng là lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Điều này cho thấy, chính sách tiền tệ của Fed đã phát huy hiệu quả, ngay cả khi Tổng thống Mỹ có tăng thuế nhập khẩu thì giá cả tiêu dùng vẫn chưa bị đẩy lên quá mạnh. Đây là “tin tốt trong rủi ro”, phần nào giúp trấn an nhà đầu tư.

Căng thẳng thương mại giữa một số nước lớn chưa hạ nhiệt. Sau khi Mỹ công bố đánh thuế mạnh lên thép và nhôm từ Ấn Độ, nước này đang xem xét khả năng đáp trả. Động thái này làm dấy lên lo ngại về một chu kỳ “ăn miếng trả miếng” trong thương mại toàn cầu, dù trước đó Mỹ đã đạt một vài thỏa thuận với Anh, Trung Quốc và sắp tới có thể sẽ đạt được với Ấn Độ.

Về kịch bản thị trường chứng khoán tuần này, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ bắt đầu gặp áp lực chốt lời, đặc biệt là các nhóm cổ phiếu đã phục hồi tốt từ vùng đáy và chưa có nhịp điều chỉnh trở lại. VN-Index có thể đi ngang tích lũy quanh vùng 1.280 - 1.300 điểm, với thanh khoản giảm dần, kéo dài trong 1 - 2 tuần, trước khi có những tín hiệu tích cực hơn vào đầu tháng 6.

Xét về định giá, sau cú sốc “thiên nga đen” về thuế quan, VN-Index nhanh chóng rơi về vùng định giá thấp, với P/E xuống dưới 11 lần - mức hấp dẫn hiếm thấy trong hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, chỉ số sớm bật tăng trở lại sau đó, với sự góp sức không nhỏ từ nhóm cổ phiếu Vingroup.

Dù P/E hiện tại thấp hơn trung vị 5 năm (khoảng 14 lần), nhưng sự “rẻ” này phần lớn đến từ nhóm ngân hàng - ngành có tỷ trọng lớn trong chỉ số chung. Điều đó đặt ra một kịch bản: nếu cổ phiếu ngân hàng được kéo tăng trở lại, VN-Index có thể nhanh chóng tiệm cận vùng định giá trung bình. Khi đó, mặt bằng định giá của nhiều nhóm ngành cũng như thị trường chung sẽ không còn thực sự hấp dẫn.

Nếu điều đó xảy ra trong bối cảnh chưa có chất xúc tác mới từ vĩ mô hay tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, thị trường có thể rơi vào trạng thái “định giá không còn rẻ, nhưng kỳ vọng cũng chưa đủ mạnh”. Một pha điều chỉnh sâu rất có thể diễn ra - tương tự như những gì đã xảy ra vào tháng 8 - 9/2023.

Đối với nhà đầu tư, đây là thời điểm cần theo dõi sát sao diễn biến đàm phán thương mại, ưu tiên cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô lớn, có khách hàng quốc tế ổn định và nền tảng tài chính vững chắc để vượt qua giai đoạn chờ đợi chính sách thuế quan rõ ràng hơn.

Tin bài liên quan