Cuộc chiến thương hiệu “nhôm Việt Pháp” đang là tâm điểm của thị trường nhôm Việt

Cuộc chiến thương hiệu “nhôm Việt Pháp” đang là tâm điểm của thị trường nhôm Việt

“Nhôm Việt Pháp” và câu chuyện bảo vệ thương hiệu

(ĐTCK) Cuộc chiến giành thương hiệu “nhôm Việt Pháp” của hơn 30 doanh nghiệp sản xuất nhôm đang nóng hơn bao giờ hết và nó cho thấy còn nhiều vấn đề trong việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.

Những người đi trước

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, những doanh nghiệp đầu tiên xây dựng thương hiệu có cụm từ “nhôm Việt Pháp” trên thị trường nhôm Việt tính từ năm 2010 trở về trước chỉ một đến hai công ty.

Một trong số đó là Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp, mã số doanh nghiệp: 0104242130, thành lập ngày 11/5/2009, địa chỉ tại Lô A2, đường CN8 - Khu công nghiệp Từ Liêm, Hà Nội.

Đơn vị còn lại, thành lập từ năm 2003 là Công ty Sản xuất công nghiệp và xây lắp Hà Nội, có địa chỉ ở 466 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Với nhãn hiệu đăng ký “nhôm Việt - Pháp Shal”, có thời hạn hiệu lực đến ngày 22/8/2013.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Ngô Việt Thắng, Phó giám đốc Trung tâm thẩm định nhãn hiệu (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Công ty Sản xuất công nghiệp và xây lắp Hà Nội đã hết thời hạn hiệu lực đăng ký nhãn hiệu, nhưng không gia hạn. Do đó, nhãn hiệu “nhôm Việt - Pháp Shal” của công ty này không còn được bảo hộ.

Còn theo chia sẻ của ông Vũ Văn Phụ, Giám đốc Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp, công ty ông thành lập từ năm 2009 và có Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số: 221044 với hình tháp Eiffel cách điệu. Màu sắc nhãn hiệu gồm: Trắng, xanh, đỏ… và thời điểm được cấp giấy chứng nhận này, không có công ty nào sử dụng thương hiệu “nhôm Việt Pháp”.

“‘Nhôm Việt Pháp’ là tên thương mại đã được xác lập và bảo hộ của Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy Nhôm Việt Pháp. Qua rất nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, Công ty vẫn giữ nguyên tên thương mại “Nhôm Việt Pháp” trong các giao dịch của mình để nhằm phân biệt với các chủ thể kinh doanh khác cho đến tận thời điểm hiện tại”, ông Phụ khẳng định.

Tuy nhiên, ông Phụ cho biết, điều đáng tiếc là sau bao nỗ lực phát triển doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu “nhôm Việt Pháp” có vị thế trên thị trường, thì sau đó có hàng chục doanh nghiệp có tên đăng ký kinh doanh, thương hiệu có cụm từ “nhôm Việt Pháp” cũng ra đời.

“Điều này khiến chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, bởi khách hàng khó nhận diện được đâu là sản phẩm chuẩn của Công ty. Thậm chí, có sản phẩm nhái thương hiệu “nhôm Việt Pháp”, chất lượng kém trà trộn vào thị trường. Khi người tiêu dùng phát hiện, vì không biết đơn vị sản xuất, nên đã phản ánh và lầm tưởng là sản phẩm của chúng tôi vì có chữ ‘nhôm Việt Pháp’ trên sản phẩm”, ông Phụ cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một số nhà phân phối nhôm ở Hà Nội cho biết, trên thị trường nhôm Việt Nam hiện nay có rất nhiều công ty sản xuất, nhiều nhãn hiệu sản phẩm. Trong đó, thương hiệu “nhôm Việt Pháp” đã trở thành đại trà, vì người tiêu dùng thường lựa chọn loại sản phẩm này. Tuy nhiên, hiện thị trường có quá nhiều công ty, sản phẩm có tên “nhôm Việt Pháp” khiến khách hàng và các đơn vị phân phối băn khoăn.

Việc có tới hàng chục công ty cùng sản xuất trong lĩnh vực nhôm có tên na ná nhau được cấp phép hoạt động khiến nhiều dấu hỏi đặt ra về trách nhiệm của cơ quan cấp phép. Bởi theo quy định tại Điều 42, Luật Doanh nghiệp và Điều 17, Nghị định 78/2015/NĐ-CP, tên doanh nghiệp không được trùng và gây nhầm lẫn với doanh nghiệp đã đăng ký. Trường hợp doanh nghiệp thành lập sau có sự vi phạm, thì doanh nghiệp trước có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết.

“Nhôm Việt Pháp” không phải là của riêng?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về lý do vì sao thị trường lại tồn tại nhiều sản phẩm nhôm có cùng nhãn hiệu “nhôm Việt Pháp”, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm của các công ty gần như ít được quan tâm. Vì thường với tâm lý một nhãn hiệu được đăng ký công ty đó phải thử nghiệm trên thị trường xem nó có tồn tại được hay không.

Do đó, họ thường đi đăng ký khi nhãn hiệu đó đã được thị trường đã thừa nhận và phát triển lớn mạnh, phạm vi ảnh hưởng của nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu rộng. Tuy nhiên, đợi đến khi đó lại nảy sinh ra nhiều vấn đề, vì không chỉ một công ty, mà rất nhiều công ty khác cũng tìm cách đăng ký nhãn hiệu uy tín đó.

Chẳng hạn, với câu chuyện của “nhôm Việt Pháp”, dù là doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn”, nhưng Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp Shal - Nhà máy nhôm Việt Pháp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu cho tên “Nhôm Việt Pháp Shal”. Sau đó, đơn vị này tố cáo các đơn vị khác xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal” của mình.

“Nhôm Việt Pháp” và câu chuyện bảo vệ thương hiệu ảnh 1

Cuộc chiến chưa có hồi kết, nhưng các bên đều thua vì khách hàng không nhận diện được sản phẩm...

Kết quả, vừa qua, công an tỉnh Phú Thọ đã thu giữ hơn 100 tấn nhôm của Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp với lý do là hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal”.

Tuy nhiên, sau đó, khi các bên đưa vụ việc lên Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, cơ quan này cho rằng, yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là phải hội tụ đủ 3 yếu tố sau: Thứ nhất, dấu hiệu được gắn (thể hiện, trình bày) trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo, phương tiện kinh doanh khác. Thứ hai, trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu. Thứ ba, được sử dụng một cách không hợp pháp, cụ thể là đối tượng được người thứ ba sử dụng nhưng không được chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc không được pháp luật cho phép.

Xét theo những tiêu chí kể trên, có một yếu tố không đáp ứng, đó là những từ nhôm Việt Pháp, hệ Shal, hệ Pma, Việt Pháp… không có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm với nhãn hiệu đã được bảo hộ là “Nhôm Việt Pháp Shal”.

Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ phân tích, các danh từ kể trên được sử dụng phổ biến bởi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nhôm thanh định hình để chỉ và phân biệt các chủng loại sản phẩm tương ứng. Nghĩa là các thuật ngữ nói trên không thực hiện chức năng phân biệt nguồn gốc sản phẩm (một chủng loại có thể do các doanh nghiệp khác nhau sản xuất, tức là có các nguồn gốc khác nhau).

Cũng theo Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, chữ “nhôm Việt Pháp” đã được rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhôm thanh định hình sử dụng từ lâu với danh nghĩa là tên thương mại. Tương tự, chữ “Shal” cũng đã được nhiều đơn vị doanh nghiệp sử dụng từ nhiều năm trước. Trong bối cảnh này, bản thân các chữ kể trên đã mất khả năng tự phân biệt nguồn gốc của nhôm thanh định hình, cũng như các sản phẩm khác cấu tạo từ nhôm thanh định hình. Vì vậy, các chữ “nhôm”, “nhôm Việt Pháp”, “Shal” chỉ gây ấn tượng tương tự về hình thức chứ không có tác dụng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu.

Từ những phân tích nêu trên, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận, không đủ căn cứ để khẳng định dấu hiệu “nhôm hệ Việt Pháp” (hoặc nhôm Việt Pháp) xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal” đã được bảo hộ.

Đại diện Hiệp hội Nhôm Việt Nam cũng cho rằng, tên gọi “Nhôm Việt Pháp” là một tên chung, hay là tên kỹ thuật của một hệ nhôm và được hơn 30 công ty, nhà máy sản xuất nhôm thanh định hình trong nước sử dụng. Việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp tên gọi “Nhôm Việt Pháp” làm nhãn hiệu riêng cho một công ty là không phù hợp, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà sản xuất nhôm.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, theo ông Ngô Việt Thắng, “nhôm Việt Pháp” không phải là hệ nhôm mà là nhãn hiệu.

Được biết, Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp Shal - Nhà máy nhôm Việt Pháp vẫn giữ nguyên quan điểm tố cáo các đơn vị khác xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal” của mình.

Câu chuyện về thương hiệu “nhôm Việt Pháp” đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Các đơn vị đều đưa ra những lý lẽ để biện minh cho mình.

Liên quan đến cuộc chiến tranh giành thương hiệu “nhôm Việt Pháp”, Báo Đầu tư Bất động sản tiếp tục tìm hiểu và cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan