Nhơn Trạch 2 (NT2) trông chờ quý cuối năm

Nhơn Trạch 2 (NT2) trông chờ quý cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 đã kết thúc đợt đại tu kéo dài. Kể từ tháng 11, nhà máy sẽ trở lại hoạt động hết công suất và kỳ vọng tình hình kinh doanh 2 tháng cuối năm sẽ khởi sắc để bù đắp thiếu hụt trước đó.

Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào trung tuần tháng 4/2023, ông Ngô Đức Nhân - Giám đốc CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2) “dự báo sớm” sẽ lỗ ít nhất 180 tỷ đồng trong 3 tháng 8, 9, 10 và Công ty sẽ lấy lợi nhuận từ các tháng 7, 11 và 12 để bù vào.

Không ngoài dự liệu, trong quý III/2023, Nhơn Trạch 2 công bố mức lỗ sau thuế 124 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 199 tỷ đồng, đây cũng là quý lỗ đậm nhất của Nhơn Trạch 2 kể từ ngày niêm yết.

Trong tháng 8, giá thị trường không đạt chi phí biến đổi, nhà máy vận hành với sản lượng thấp. Ngày 1/8/2023, tổ máy ST4 lại xảy ra sự cố ở hệ thống trục, nhà máy đã tổ chức khắc phục và khả dụng tổ máy từ ngày 8/8/2023, nhưng sản lượng chỉ đạt 19,4 triệu kWh (bằng 6% kế hoạch tháng) với doanh thu 78,7 tỷ đồng, tương đương 13% kế hoạch tháng.

Sang tháng 9, nhà máy bắt đầu thực hiện đại tu dự kiến kéo dài 100.000 giờ vận hành (EOH) kể từ ngày 7/9/2023. Do sản lượng Qc được giao thấp và giá thị trường thấp hơn chi phí biến đổi, nhà máy vận hành với sản lượng đạt 5 triệu kWh trong 6 ngày đầu tháng, đem về doanh thu 35,4 tỷ đồng.

Thông tin mới nhất từ Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (công ty mẹ của Nhơn Trạch 2), đến ngày 31/10/2023, nhà máy tiếp tục thực hiện đại tu nên sản lượng sản xuất điện tháng 10 chỉ đạt 9,8 triệu kWh, là phần sản lượng vận hành chạy thử trong quá trình đại tu, doanh thu đạt 27,4 tỷ đồng.

Do sản lượng điện đạt thấp 34,2 triệu kWh với doanh thu ghi nhận chỉ 141,5 tỷ đồng trong tháng 8 và 9 đã dẫn đến mức lỗ nặng trong quý III vừa qua. Với việc hoàn thành đại tu, nhà máy sẽ trở lại hoạt động “full” công suất kể từ tháng 11.

Ban lãnh đạo Nhơn Trạch 2 cho biết, công suất nhà máy đã tăng lên khoảng 18 MW sau khi đại tu. Theo kế hoạch, trong tháng 11, dự kiến sản lượng đạt 350,2 triệu kWh, đem về 697,9 tỷ đồng doanh thu.

Ban lãnh đạo Nhơn Trạch 2 cho biết, công suất nhà máy đã tăng lên khoảng 18 MW sau đại tu. Trong tháng 11, dự kiến sản lượng đạt 350,2 triệu kWh, đem về 697,9 tỷ đồng doanh thu.

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, nhà máy điện này xác định khó khăn có thể đến từ giá khí tăng cao dẫn đến giá thành sản xuất điện tăng, khiến khả năng huy động giảm. Bên cạnh đó, nguồn khí suy giảm nên khả năng cấp khí cho các nhà máy điện bị ảnh hưởng.

Tình trạng này có thể lặp lại như trong giai đoạn tháng 4-5/2023, khi nhu cầu phụ tải tăng cao nhưng nguồn khí cho phát điện giảm mạnh, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thường xuyên huy động Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 với sản lượng điện rất thấp (thấp hơn sản lượng Qc).

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI thông tin thêm, Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 đã không thể hoạt động đạt mức đáp ứng nhu cầu điện khi tình trạng thiếu điện diễn ra trong quý II/2023. Khi các mỏ khí đang dần cạn kiệt với tốc độ nhanh hơn dự kiến, nhà máy này còn phải chia sẻ nguồn cung khí với Nhà máy điện Nhơn Trạch 1. Thậm chí, Nhơn Trạch 2 đã phải vận hành bằng dầu diesel đắt đỏ trong tháng 4 và 5 để sản xuất 51 triệu kWh điện, tương đương 7% sản lượng điện của nhà máy.

Một chuyên gia theo dõi Nhơn Trạch 2 chia sẻ rằng, doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào sản lượng điện hồi phục trong 2 tháng cuối năm 2023, nhưng rủi ro tiếp tục đến từ nguồn cung khí dù doanh nghiệp đã ký hợp đồng khí bao tiêu, khi tình trạng “chập chờn” của Nhơn Trạch 1 vẫn diễn ra. Ngoài ra, giá điện trên thị trường điện cạnh tranh đang bị kéo xuống thấp (đạt 829 đồng/kWh trong tháng 10) do sự tham gia nhiều hơn của nhóm thủy điện.

Ngoài ra, vấn đề tài chính của Tập đoàn Điện lực (EVN) kéo dài hơn dự kiến cũng khiến Nhơn Trạch 2 phải tăng huy động nợ ngắn hạn để đảm bảo nhu cầu vốn lưu động. Đến cuối quý III/2023, nợ ngắn hạn của Công ty tăng gần 50% so với đầu năm, lên 926 tỷ đồng và toàn bộ là khoản vay tại Vietcombank. Trong khi đó, khoản phải thu từ Công ty Mua bán Điện (EPTC) đã lên đến xấp xỉ 3.042 tỷ đồng. Nhơn Trạch 2 cho biết, trong những tháng tới sẽ tích cực thu hồi tiền điện, cân đối dòng tiền để phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Thông thường, nhu cầu điện thường tăng cao vào tháng 11 và 12. Với việc hoàn tất bảo dưỡng, SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 của Nhơn Trạch 2 có thể tăng hơn 6% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế cả năm có thể giảm tới 52% so với năm 2022.

Tuy nhiên, sang năm 2024, SSI Research cho rằng lợi nhuận của Nhơn Trạch 2 sẽ tăng trưởng 37% khi công suất hoạt động cải thiện do không tiến hành bảo dưỡng lớn và tình trạng thiếu khí ít trầm trọng hơn.

Các tổ chức khí hậu quốc tế đánh giá, hiện tượng El Nino hay điều kiện thời tiết trung tính sẽ tiếp tục chiếm ưu thế ít nhất cho đến tháng 5/2024, tạo điều kiện cho những nguồn nhiệt điện chạy than và khí như Nhơn Trạch 2 được huy động nhiều hơn.

Tin bài liên quan