Từ năm 2017, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Nhựa Đồng Nai bắt đầu chững lại

Từ năm 2017, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Nhựa Đồng Nai bắt đầu chững lại

Nhựa Đồng Nai: Gánh nặng khi lấn sân sang những ngành nghề mới

(ĐTCK) Không chỉ có nhiều nhân sự  liên quan đứng sau thâu tóm Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (NVT - HOSE), Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP - HNX) còn thâu tóm một loạt doanh nghiệp kinh doanh nước sạch. Tuy nhiên, đi cùng với đó là sức ép tài chính ngày càng đè nặng lên vai DNP.

“Tay chơi mới” trong ngành nước

Trong các số báo trước, Báo Đầu tư Bất động sản đã phản ánh về tình trạng kinh doanh xuống dốc của NVT với số lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6/2019 lên tới 679 tỷ đồng và cuộc tranh giành quyền kiểm soát Công ty giữa nhóm cổ đông mới và lãnh đạo cũ của NVT. Kết quả, nhóm cổ đông mới đã giành thắng lợi khi được cho là đã nắm tới hơn 57% vốn cổ phần NVT, đồng thời tiến hành thay hàng loạt lãnh đạo cũ của NVT bằng các nhân sự mới.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều cá nhân lãnh đạo và cổ đông lớn mới của NVT đều ít nhiều có liên quan tới 1 cái tên, đó là Nhựa Đồng Nai.

Không chỉ được cho là đứng sau vụ thâu tóm NVT, DNP còn là cái tên được nhắc tới nhiều thời gian qua với hàng loạt vụ thâu tóm các công ty trong ngành nước sạch.

Vậy DNP có tiềm lực như thế nào mà mạnh tay tung hàng trăm tỷ đồng đi thâu tóm các doanh nghiệp ngoài ngành?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tiền thân của DNP là Công ty Diêm Đồng Nai, được thành lập năm 1993, sau đó đổi tên thành Nhựa Đồng Nai vào năm 1998. Từ năm 2013 trở về trước, lĩnh vực kinh doanh chính của DNP là sản xuất ống nhựa xây dựng (ống HDPE, ống uPVC) và bao bì sản xuất theo phương thức gia công cho thị trường châu Âu. Ngoài ra, DNP còn kinh doanh nguyên vật liệu, phụ gia ngành nhựa, phụ kiện cho cấp thoát nước.

DNP bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất, cung ứng nước sạch từ năm 2014 với việc đầu tư vào Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen) và Công ty cổ phần Bình Hiệp. Cũng từ đây, DNP liên tiếp tăng vốn điều lệ và liên tục tiến hành mua lại cổ phần của nhiều doanh nghiệp ngành nước.

Ghi nhận từ báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019, tới cuối tháng 6/2019,  sau 5 lần tăng vốn, vốn điều lệ của DNP đạt hơn 1.000 tỷ đồng, với tổng tài sản đạt hơn 7.058 tỷ đồng, gấp 25 lần năm 2013, vốn chủ sở hữu gấp hơn 30 lần.

Nhựa Đồng Nai: Gánh nặng khi lấn sân sang những ngành nghề mới ảnh 1

Trong lĩnh vực sản xuất nhựa, tính tới cuối tháng 6/2019, bên cạnh Nhà máy Đồng Nai, DNP đang sở hữu 2 công ty khác là Nhựa Tân Phú (51,01%) và Nhựa Đồng Nai miền Trung (99,33%). Còn trong ngành nước, DNP đang đầu tư và sở hữu hơn 10 công ty con và công ty liên kết như Công ty cổ phần Bình Hiệp (86,36%%), Nhà máy nước Đồng Tâm (52,68%), Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận (57,26%), Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội (86,36%), Công ty cổ phần Công trình Đô thị Châu Thành (90,28%), Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh (59,41%)… với tổng công suất thiết kế lên đến 1 triệu m3/ngày đêm, trải dài trên 11 địa phương, theo Báo cáo Thường niên 2018 của DNP.

Bên cạnh đi thâu tóm doanh nghiệp khác, DNP cũng trực tiếp triển khai song song 2 dự án nhà máy nước sạch có tổng công suất 160.000 m3/ngày đêm tại Bắc Giang và Long An. Công ty này đặt mục tiêu, trong 5 năm tới tăng công suất lên gấp đôi, tương đương 2 triệu m3/ngày.

Chưa dừng lại ở đó, ban lãnh đạo DNP cho biết, trong năm nay sẽ tiến hành nâng sở hữu lên chi phối tại 3 doanh nghiệp nữa, cùng với đó là không ngừng tìm kiếm thêm các cơ hội mới. Gần nhất là tham gia vào cuộc đua thâu tóm hơn 84% Công ty cổ phần Thoát nước Bình Phước (Bpwaco), giá khởi điểm trọn lô là 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại cuộc đua này, DNP sẽ phải vượt qua đối thủ khá nặng kỳ là cặp đôi công ty liên kết Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) và Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (Tdmwater).

Áp lực tài chính ngày càng lớn

Cùng với sự chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nước sạch, cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của DNP cũng thay đổi đáng kể. Tỷ trọng doanh thu mảng nước sạch từ 4,4% năm 2015, đã tăng lên 15% năm 2018 và dự kiến lên đến 34,2% trong năm 2019. Việc đẩy mạnh đầu tư vào nước sạch giúp DNP tăng trưởng đột biến với mức tăng doanh thu bình quân đạt 55,2%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 101%/năm trong giai đoạn 2013 - 2016.

Tuy nhiên, từ năm 2017, tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận của Công ty có dấu hiệu chững lại khi lãi gộp liên tục sụt giảm bất chấp doanh thu tăng trưởng. Năm 2017, tổng doanh thu DNP là 1.504,7 tỷ đồng, tăng hơn 50 tỷ đồng so với năm 2016, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm tới gần 24 tỷ (tương đương giảm gần 25%). Con số của năm 2018 còn giảm sâu hơn khi doanh thu tăng hơn 676,1 tỷ đồng (tương đương tăng gần 45% so với năm 2017), lên 2.180,8 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm tới gần 83,1% so với năm 2017, chỉ còn hơn 12,2 tỷ đồng.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, ghi nhận từ báo cáo tài chính soát xét cho thấy, doanh thu tiếp tục tăng trưởng khi đạt 1.252,1 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế của 6 tháng giảm tới 61,6%, chỉ còn hơn 11,1 tỷ đồng.

Bên cạnh những khó khăn chung của ngành nhựa do giá dầu tăng (chiếm từ 60 - 70% giá thành), thì việc liên tục tung tiền đầu tư vào ngành nước sạch là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của DNP khiến chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính gia tăng.

Tính tới ngày 30/6/2019, tổng nợ phải trả của DNP lên tới 5.144,4 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với vốn chủ sở hữu. Trong đó, riêng vay nợ tài chính của DNP đã lên tới hơn 4.158,7 tỷ đồng, chiếm hơn 80,8% nợ phải trả và bằng 2 lần so với vốn chủ sở hữu.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng lên, nợ vay cao tạo ra áp lực chi phí tài chính với DNP, nhất là khi kỳ vọng về ngành nước sạch hiện nay chưa thực sự quá ấn tượng.

Dự báo đến năm 2020, dân số đô thị nước ta đạt 44 triệu người, nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị cũng tăng lên 9,4 - 9,6 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, lưu ý rằng, do đặc thù xuất phát điểm là đơn vị kinh doanh của Nhà nước, giới hạn về khu vực và quy mô tài sản, nguồn vốn khá nhỏ, lại chịu sự quản lý chặt về giá…, nên doanh thu và lợi nhuận của các công ty cấp nước khó tạo ra đột biến.

Mặt khác, đầu tư hệ thống nước sạch cho vùng nông thôn rất tốn kém, bởi các hộ gia đình thường ở xa nhau, nên đường ống dẫn nước phải kéo dài. Vốn bỏ ra lớn, khả năng thu hồi chậm, lợi nhuận thấp, lại chưa có chính sách ưu đãi đi kèm.

Chưa kể, sau sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà thời gian vừa qua, rất nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét lại việc quản lý và đặt giới hạn với các doanh nghiệp kinh doanh ngành nước một cách chặt chẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu điều này xảy ra, bài toán với các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nước như DNP sẽ không thực sự dễ dàng như tính toán trước đây.

Với ngành nhựa, theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), tổng công suất thiết kế hiện tại của các doanh nghiệp ống nhựa gấp khoảng 1,5 lần tổng nhu cầu tiêu thụ ống của thị trường, dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt, đặc biệt trong mảng ống nhựa dân dụng.

Ghi nhận thực tế cho thấy, trong 3 năm gần đây, lượng đầu tư của các nhà sản xuất mới như Hoa Sen (HSG), Tân Á Ðại Thành, Phúc Hà, Thuận Phát... khiến thị trường sản phẩm ống nhựa ở Việt Nam rất căng thẳng. Năng lực cung hiện nay hơn gần 2 lần so với tổng cầu thị trường (dự kiến cầu thị trường đạt khoảng 350.000 - 400.000 tấn).

Do cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng chính sách giá và chiết khấu như một biện pháp tăng sức cạnh tranh, cho dù lỗ. Điều này sẽ là bài toán kinh doanh lớn đối với DNP khi ngành nhựa vẫn là ngành kinh doanh chủ đạo của doanh nghiệp này.

Chưa kể, nếu nghi vấn thâu tóm NVT là sự thật, thì DNP lại thêm gánh nặng tái cơ cấu NVT trong bối cảnh doanh nghiệp này gần như cạn kiệt về tài sản, trong khi khoản lỗ lũy kế lên tới 679 tỷ đồng không biết khi nào mới bù hết.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan