Loạt biệt thự sai phép mọc lên tại Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang đến nay vẫn chưa “cắt ngọn” xong.

Loạt biệt thự sai phép mọc lên tại Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang đến nay vẫn chưa “cắt ngọn” xong.

Nhức nhối công trình trái phép ở Khánh Hòa, Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều dự án, công trình trái phép tại Khánh Hòa, Lâm Đồng vẫn sừng sững mọc lên, khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì “gạo đã thành cơm”. Đây là dấu hỏi lớn đặt ra với công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.

Bốn năm ròng rã cưỡng chế chưa xong

Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thiên Nhân 2 làm chủ đầu tư, “nổi tiếng” vì xây vượt tầng, đến nay vẫn chưa cưỡng chế xong.

Dự án này được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép năm 2009, có diện tích gần 7,3 ha. Theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt, Dự án có 69 lô biệt thự, mật độ xây dựng 40 - 60% và được xây 1 - 3 tầng.

Tuy nhiên, nhiều người sau khi mua đất của Công ty Thiên Nhân 2, đã công nhiên xây dựng biệt thự “khủng” cao 4 - 8 tầng. Đáng nói là, khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm của họ, thì việc xây dựng đã xong. Điều này gây phản ứng mạnh của các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa trong mỗi kỳ họp và bức xúc của nhân dân trong khu vực suốt thời gian dài.

Ông Đoàn Minh Long, đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang sai phạm rất nghiêm trọng, kéo dài và có dấu hiệu chống lưng, bảo kê. Từ khi các công trình tại đây xây dựng phần thô đã bị phát hiện sai phạm. Cơ quan chức năng địa phương ra các thông báo cấm thi công, song nhà đầu tư bất chấp, vẫn tiếp tục hoàn thiện công trình.

Để cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng sai phép, tỉnh Khánh Hòa phải tạm ứng ngân sách 30 tỷ đồng, thuê đơn vị tháo dỡ công trình sai phạm.

Để siết quản lý trật tự xây dựng, nhiều địa phương ngoài việc nghiêm túc xử lý công trình vi phạm, thì còn xem xét trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra sai phạm.

Mới đây, tổng số tiền chi phí đã bỏ ra để cưỡng chế các biệt thự tại lô A1, A2, B23, C37, C38 là gần 10 tỷ đồng.

Điều khó hiểu là, những công trình này đã có quyết định cưỡng chế từ năm 2019, nhưng trong mấy tháng qua mới bị chính quyền tháo dỡ.

Ông C.V.T (trú tại TP. Hà Nội), chủ đầu tư công trình ở lô B23 thừa nhận sai khi xây dựng công trình trái quy hoạch. Tuy nhiên, ông cũng như nhiều chủ đầu tư mong muốn được tự tháo dỡ để bớt chi phí, đồng thời cố gắng giữ lại những gì có thể tận dụng.

“Mình sai thì phải chịu, nhưng là công sức, mồ hôi của cả gia đình nên cũng mong giữ lại được phần tài sản là nội thất, kết cấu bền vững của công trình khi tháo dỡ phần sai phạm”, ông T. bày tỏ mong muốn.

Theo UBND phường Vĩnh Trường, 7 công trình còn lại, gồm các lô A6, A7, A12, A14, C30, D45, D46 sẽ tiếp tục được tháo dỡ hết. Những các công trình này đã được chủ đầu tư tự tháo dỡ phần chiều cao công trình, song họ chưa tháo dỡ phần mật độ xây dựng sai phép. Hiện UBND phường Vĩnh Trường đã làm xong các thủ tục lựa chọn nhà thầu để thực hiện cưỡng chế 7 công trình này.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Công Danh, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) cho biết, chính quyền tạm ứng trước để thực hiện việc tháo dỡ, sau này sẽ thu hồi từ chủ đầu tư công trình. Trong trường hợp chủ đầu tư không nộp trả, cơ quan chức năng sẽ phong tỏa tài khoản và tạm dừng giao dịch bất động sản đối với các lô đất này.

Dù vậy, dư luận vẫn băn khoăn, liệu sau khi tạm ứng ngân sách thì có thu lại được không, thời gian thu hồi là bao lâu.

Ngoài ra, sai phạm tại Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang có lỗi của nhiều cơ quan quản lý từ tỉnh đến xã, phường. Song, vẫn chưa rõ có ai bị xử lý kỷ luật hay không, nếu có thì hình thức kỷ luật ra sao?

Quản lý kiểu gì?

Tại Lâm Đồng cũng xảy ra tình trạng tương tự. Dự án Khách sạn Merperle Dalat, tại số 1 đường Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) xây dựng sai phép, nhưng cơ quan quản lý dường như… không nhìn thấy.

Khi cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản vi phạm (ngày 11/10/2023), thì “gạo đã nấu thành cơm”. Kết quả là, Công ty cổ phần Khải Vy (chủ đầu tư) đã xây vượt giấy phép xây dựng được cấp đến 4.450 m2 ở khu vực tầng hầm 1 và 2, phần mái. Trước đó, ngày 18/8/2023, doanh nghiệp xin điều chỉnh thiết kế công trình bằng diện tích đã xây vượt. Đến ngày 22/9/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương điều chỉnh giấy phép xây dựng. Thế nhưng, chủ đầu tư đã “cầm đèn chạy trước ô tô”, xây dựng khi chưa hoàn thành thủ tục để được điều chỉnh giấy phép xây dựng.

“Chắc do chủ đầu tư nóng vội” là trả lời của ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng với báo chí.

Theo ông Trung, dù Dự án Khách sạn Merperle Dalat đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho điều chỉnh giấy phép xây dựng, nhưng Công ty Khải Vy chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục tại Bộ Xây dựng.

“Quan điểm của chính quyền địa phương là kiên quyết xử lý vi phạm, không bao che hay hợp thức hóa các vi phạm của Công ty Khải Vy. Nếu sau thời hạn quyết định xử phạt đưa ra mà chủ đầu tư không hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng, thì sẽ bị cưỡng chế”, ông Trung khẳng định.

Xét về quy mô, Dự án Merperle Dalat Hotel được đánh giá là công trình khách sạn lớn nhất và cao nhất tại TP. Đà Lạt. Vậy mà không hiểu tại sao trong công tác quản lý trật tự xây dựng, “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”. Lẽ ra, Phòng Quản lý đô thị TP. Đà Lạt, cũng như UBND phường 10 phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý ngay từ khi đang xây dựng.

Anh K.L, một người dân Đà Lạt bức xúc cho rằng, người dân chỉ cần đổ vài xe cát để sửa lại ngôi nhà trong hẻm, thì lập tức lực lượng quản lý đô thị đã đến “hỏi thăm”, thế mà cả một công trình lớn như vậy, làm sai lại không ai hay. “Rất lạ với cung cách quản lý trật tự đô thị kiểu này”, anh K.L nêu thắc mắc.

UBND TP. Đà Lạt thông tin, qua kết quả kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động xây dựng, quản lý quy hoạch trên địa bàn thời gian qua, cụ thể là lĩnh vực cấp phép xây dựng, trật tự xây dựng, cho thấy nhiều cơ quan còn lúng túng trong giải quyết các sự vụ, sự việc, từ khâu tư vấn thiết kế (của đơn vị tư vấn) đến khâu thẩm định của Phòng Quản lý đô thị.

Còn theo UBND tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh một số địa phương thực hiện tương đối tốt công tác quản lý trật tự xây dựng như huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh… thì vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm và chưa thực hiện tốt công tác này, để xảy ra các vi phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn quản lý.

Để công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng thực sự có hiệu quả, xử lý nghiêm minh vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo về công tác này.

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu nghiêm túc chấn chỉnh, xử lý các trường hợp có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ để đánh giá thi đua, khen thưởng cuối năm.

Tin bài liên quan