Những cổ phiếu mất giá “quá đà”

Những cổ phiếu mất giá “quá đà”

(ĐTCK) Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/6, TTCK Việt Nam khởi sắc trở lại với màu xanh bao phủ 2 sàn. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu tháng 5 trở lại đây, thị trường vẫn nằm trong xu thế giảm điểm, với việc VN-Index mất tới 10,89% giá trị, còn HNX-Index mất 7,27% giá trị.

Hơn 1 tháng qua, thị trường đã chứng khiến hàng loạt cổ phiếu lao dốc không phanh. Theo thống kê của ĐTCK, toàn thị trường có tới 69,09% số mã giảm giá, trong khi chỉ có 27,64% số mã tăng giá và 3,28% số mã đứng giá. Trong số đó, có tới 20 cổ phiếu giảm từ 30% trở lên.

 

Vừa qua, chỉ một số ít cổ phiếu phục hồi sau khi lao dốc

 

VIE - Mất giá vì lỗ nặng

VIE là cổ phiếu của CTCP Công nghệ viễn thông VITECO niêm yết trên sàn Hà Nội kể từ ngày 6/5/2011 với 1,56 triệu cổ phiếu, nhưng chỉ có hơn 50% được giao dịch tự do. Trong hơn 1 tháng qua, cổ phiếu VIE đã giảm giá hơn 54% giá trị, từ mức 12.200 đồng/CP xuống 5.600 đồng/CP. Nguyên nhân chính của tình trạng này là Công ty thua lỗ trong 2 quý liên tiếp (quý IV/2011 lỗ 0,78 tỷ đồng, quý I/2012 lỗ 1,51 tỷ đồng). Việc giảm giá của VIE chỉ diễn ra từ đầu tháng 5 trở lại đây, ngay sau khi công ty này công bố kết quả kinh doanh quý I/2012 trên website của Sở GDCK Hà Nội (2/5/2012). Tuy nhiên, việc VIE mất giá có lẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nhà đầu tư, do cổ phiếu này ít có giao dịch và không được quan tâm nhiều.

Những cổ phiếu mất giá “quá đà” ảnh 2

Mặc dù giảm sàn liên tục và phải giải trình với HNX vào ngày 17/5/2012, nhưng ông Nguyễn Tuấn Hòa, Tổng giám đốc VIE cho biết, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường, không có diễn biến nào gây ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu. Được biết, năm 2012, VIE đặt kế hoạch kinh doanh 115,9 tỷ đồng doanh thu và 0,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 5%. Công ty sẽ phát hành 187.300 cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 25:3, nhằm tăng vốn điều lệ. Năm 2011, Công ty đạt 102,9 tỷ đồng doanh thu, nhưng lợi nhuận sau thuế âm 2,4 tỷ đồng.

 

ASM - Giảm giá vì tin đồn phá sản?

ASM là cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai An Giang, niêm yết trên sàn HOSE tổng cộng hơn 39,7 triệu cổ phiếu, trong đó có hơn 32,6 triệu cổ phiếu lưu hành tự do. Lợi nhuận quý I/2012 của Công ty ở mức dương, nhưng có giảm so với cùng kỳ năm trước. Cổ phiếu ASM giảm giá khá mạnh kể từ đầu tháng 5 trở lại đây. Từ mức giá 25.300 đồng/CP ngày 2/5, ASM đã giảm về mức 14.300 đồng/CP ngày 5/6, mất tới 43,5%. Nguyên nhân của việc ASM giảm giá là do xuất hiện tin đồn Công ty sắp phá sản, cùng tin đồn xảy ra mâu thuẫn trong Ban lãnh đạo. Dù có tin đối tác nước ngoài có thể mua lại 20% cổ phần của Công ty, cùng việc 1 cổ đông lớn bán ra tới 1,5 triệu cổ phiếu, nhưng ASM vẫn không ngừng rớt giá.

Những cổ phiếu mất giá “quá đà” ảnh 3

Trong ngày 5/6, Công ty đã có văn bản gửi cổ đông và tới các cơ quan chức năng khẳng định, tin đồn phá sản là không có thật. Hiện tại, Công ty vẫn hoạt động bình thường, ngoài yếu tố thị trường thì không có thông tin bất thường nào làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Trong văn bản gửi đi, HĐQT ASM nhấn mạnh, cổ đông nên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, không để thông tin nhiễu chi phối. Chính vì vậy, cổ phiếu này đã đảo chiều tăng sát mức trần sau 5 phiên giảm liên tiếp trước đó.

 

 CVN - Cổ đông “mất lòng tin”?

CVN là cổ phiếu của CTCP Vinam  niêm yết trên sàn Hà Nội từ  ngày 6/8/2010 với 3,25 triệu cổ phiếu, trong đó 2,67 triệu cổ phiếu được tự do chuyển nhượng. Đây là cổ phiếu có P/E cao thuộc hàng kỷ lục, lên tới gần 150 lần. Sự giảm giá của cổ phiếu có nguyên nhân là lợi nhuận của Công ty chỉ đạt vài chục triệu đồng/quý và liên tục có xu hướng sụt giảm. Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty cùng một số cổ đông lớn đăng ký “thoái vốn” liên tục trong thời gian qua. Hành trình giảm giá của CVN kéo dài từ năm 2011, nhưng từ đầu tháng 5 trở lại đây, cổ phiếu này mới giảm mạnh, từ 21.400 đồng/CP xuống còn 12.200 đồng/CP, giảm tới 43%.

Những cổ phiếu mất giá “quá đà” ảnh 4

Mới đây, một tổ chức chuyên nghiệp là Quỹ Lotus-Mekong River Equity Fund đã mua 465.100 cổ phiếu CVN và trở thành cổ đông lớn, đồng thời tham gia vào HĐQT của Công ty. Diễn biến này liệu có thể hứa hẹn một sự cải tổ của CVN? Theo Nghị quyết ĐHCĐ của Công ty cuối tháng 5, CVN đặt kế hoạch doanh thu 12 tỷ đồng, lợi nhuận 680 triệu đồng, chia cổ tức 12%.

KSD - cổ đông bị “mắc bẫy”

KSD là cổ phiếu của Tổng CTCP Xuất khẩu Đông Nam Á Haminco niêm yết trên sàn HNX từ 28/4/2010 với 10,7 triệu cổ phiếu lưu hành, trong đó 6,7 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng tự do. Tính đến ngày 5/6, giá KSD chỉ còn 3.200 đồng/CP, giảm tới gần 43% so với đầu tháng 5/2012. Tuy nhiên, so với mức giá cao nhất 6.600 đồng/CP mà KSD đã đạt được ngày 9/5/2012, thì cổ phiếu này đã giảm tới 51,5%. Nguyên nhân chính của việc KSD giảm giá mạnh là do Công ty thua lỗ khá nặng trong quý I/2012.

Những cổ phiếu mất giá “quá đà” ảnh 5

Ngày 30/5, KSD công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2012, với mức lỗ lên tới 19,5 tỷ đồng.Tính đến 31/3, tổng tài sản ngắn hạn của KSD là 97,9 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 98,5 tỷ đồng.

Diễn biến đáng chú ý là từ giữa tháng 3/2012, một loạt cổ đông nội bộ của KSD, kể cả Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT đã đăng ký bán hàng trăm nghìn cổ phiếu, ngay khi cổ phiếu này đang tăng giá mạnh. Quá trình bán cổ phiếu này kết thúc cũng là lúc KSD rớt giá mạnh. Khi đã rẻ như một… mớ rau, liệu hành trình giảm giá của KSD có còn tiếp diễn? Đáng chú ý là trong thời gian qua, giao dịch của KSD khá sôi động và không ít nhà đầu tư đã phải ngậm ngùi vì “trót ôm” cổ phiếu này.

 

IFS - Hành trình chốt lời?

Không giống những cổ phiếu trên, cổ phiếu IFS của CTCP Thực phẩm quốc tế rớt giá mạnh trong tháng 5 lại chủ yếu do áp lực chốt lời của giới đầu cơ lướt sóng. Được niêm yết từ 17/10/2006, từng bị tạm ngừng giao dịch do thua lỗ 2 năm liên tiếp, IFS đã quay trở lại HOSE từ 26/1/2011. IFS là một cổ phiếu khá quen thuộc với nhiều nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt là những nhà đầu cơ chuyên nghiệp.

Những cổ phiếu mất giá “quá đà” ảnh 6

Việc rớt giá tới 40,3% từ mức 6.200 đồng/CP xuống còn 3.700 đồng/CP của IFS chỉ có thể giải thích do cổ phiếu này đã tăng quá nóng ngay một tháng trước đó. Trong tháng 4, cổ phiếu IFS đã có tới 10 phiên liên tiếp tăng trần, chính Công ty cũng không thể lý giải tại sao ngoài việc trùng thời điểm Công ty tổ chức ĐHCĐ thường niên. Nay cổ phiếu giảm được lý giải do đầu tháng 5, Công ty công bố lợi nhuận trước thuế quý I/2012 là âm 231.813 USD. Như vậy, đây là quý thứ 4 liên tiếp IFS có lợi nhuận âm, báo hiệu một năm đầy sóng gió của cổ phiếu này.

Trên đây là 5 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua mà ĐTCK có dịp điểm tên. Nhà đầu tư có thể tham khảo danh sách 20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất kèm theo.