Những con tàu sắp đắm - Bài 1: Nhức nhối chuyện Vinafood 2, Licogi

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn nhà nước, hàng chục nghìn tỷ đồng vốn của các nhà đầu tư tư nhân đang bị bào mòn, nằm lãng phí tại các doanh nghiệp cổ phần hóa hoạt động kém hiệu quả. Thực trạng này đòi hỏi những giải pháp mạnh tay.

Những con tàu sắp đắm - Bài 1: Nhức nhối chuyện Vinafood 2, Licogi

Bài 1: Nhức nhối chuyện Vinafood 2, Licogi

Từng được kỳ vọng có sự đột phá sau cổ phần hóa, nhưng tình cảnh của Vinafood 2, Licogi… thậm chí còn thảm hại hơn xưa.

Vinafood 2, nỗi cay đắng của T&T Group

Nửa đầu năm nay, công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2 (mã VSF) đã báo lỗ sau thuế 160 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Vinafood 2 là công ty sản xuất gạo lớn nhất cả nước, với mạng lưới 22 công ty con và công ty liên kết. Đây cũng là doanh nghiệp độc quyền trong xuất khẩu gạo, được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh thấp, thua lỗ nặng đã trở thành câu chuyện kéo dài nhiều năm nay tại Tổng công ty. Lỗ lũy kế của doanh nghiệp tại thời điểm cuối tháng 6/2020 đã lên tới 2.188 tỷ đồng.

Không chỉ thua lỗ, Vinafood 2 cũng vướng nhiều ồn ào trong việc quản lý, sử dụng sai quy định và gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ án liên quan đến sai phạm nghiêm trọng của các cựu lãnh đạo Vinafood 2.

Còn nhớ, hồi đầu năm 2018, Tập đoàn T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển (hay được gọi là bầu Hiền) đã trở thành cổ đông chiến lược của Vinafood 2 với tỷ lệ nắm giữ 25%.

Việc bầu Hiển bỏ ra hơn 1.200 tỷ đồng để đầu tư vào Vinafood 2 được đánh giá như “phao cứu sinh” cho Vinafood 2 lúc bấy giờ. Thị trường kỳ vọng với đầu óc nhạy bén của bầu Hiển, tiềm lực tài chính và hệ sinh thái đa ngành đang hoạt động có hiệu quả tại T&T Group sẽ giúp giải quyết triệt để các vấn đề đang tồn tại ở Tổng công ty và vực dậy thành công thương hiệu này.

Vậy nhưng, những di chứng trước cổ phần hóa và tình trạng “bình mới, rượu cũ” trong quản trị doanh nghiệp, cơ chế bó cứng ở Vinafood 2 đã khiến nhà đầu tư chiến lược bất lực nhìn tài sản của mình cũng như tài sản của Nhà nước ở Công ty này ngày một bị bào mòn.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, việc cổ phần hóa phải mang đến sự thay đổi toàn bộ về lượng và chất, thực sự là “bình mới, rượu mới” thì mới đem lại hiệu quả. Nhưng ở Vinafood 2, suốt 2 năm sau cổ phần hóa, bộ máy quản trị vẫn là những con người cũ, lối điều hành cũ, mang dấu ấn đậm nét của sự thờ ơ, lừng khừng, “cha chung không ai khóc”. Sở hữu hơn 25% vốn, T&T Group chỉ có 2 ghế trên tổng số 5 ghế trong Hội đồng quản trị nên tiếng nói hầu như không có trọng lượng gì.

Chính vì vậy, mặc dù cổ phần hóa đã được 2 năm nhưng Vinafood 2 vẫn đang trong tình trạng: “Trước IPO có sao, thì sau IPO, Vinafood 2 vẫn dùng vậy”.

Đó là chưa nói tới, do những hệ lụy của giai đoạn trước cổ phần hóa khiến cho gần 2 năm kể từ thời điểm Vinafood 2 IPO thành công, các thủ tục quyết toán vốn nhà nước, bàn giao sang công ty cổ phần vẫn chưa được hoàn tất. Điều này dẫn đến Vinafood 2 hoạt động trong trạng thái cầm chừng với nguồn vốn thiếu hụt, bị động trong việc thu mua và dự trữ lúa gạo.

Tính đến cuối năm 2019, giá trị tồn kho của doanh nghiệp này chỉ đạt khoảng 727 tỷ đồng, con số thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Do đó, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, giá nguyên liệu lúa gạo trong nước tăng khoảng 25%, Vinafood 2 không còn lãi trong nhiều hợp đồng cố định giá đã ký với khách hàng trước đó.

Sự trì trệ, kém năng động đã khiến tổng công ty này rơi vào cảnh tụt hậu so với các doanh nghiệp cùng ngành. Từ trước 2018, thị trường chính của Vinafood 2 là các hợp đồng tập trung, hợp đồng Chính phủ. Khi chuyển sang thị trường thương mại, không thích ứng kịp, Tổng công ty hầu như không thể tìm kiếm được khách hàng mới. Vinafood 2 trượt dài trong tình trạng thua lỗ.

Licogi chỉ còn “vang bóng một thời”

Cổ phần hóa từ năm 2015, với sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần Bất động sản Khu Đông và sau đó là Bất động sản Gia Cường, những tưởng Tổng công ty Licogi (mã LIC) sẽ có bước đột phá. Tuy vậy, bức tranh tài chính - kinh doanh của Licogi ngày càng kém khả quan.

Hai quý đầu năm 2020, Licogi lỗ 33 tỷ đồng, tổng nợ phải trả trên báo cáo tài chính hợp nhất đến cuối quý II là 3.972 tỷ đồng, gấp 10 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 90% tổng nguồn vốn. Trong đó, có 3.449 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn.

Báo cáo kiểm toán của AASC vào cuối năm 2019 đã nhấn mạnh việc tồn tại yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của Licogi khi tính đến 31/12/2019, nợ ngắn hạn của Tổng công ty đã vượt tài sản ngắn hạn 1.371 tỷ đồng, lỗ luỹ kế chiếm 65,87% vốn điều lệ.

Việc duy trì sử dụng nợ vay quá lớn, gấp khoảng 10 lần vốn chủ sở hữu (so với trung bình ngành 4 lần) đã đè nặng lên khả năng chi trả lãi vay của Tổng công ty và ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh. Kinh doanh thua lỗ, tài chính mất cân đối khiến hồ sơ năng lực giảm điểm, gây khó khăn cho Licogi khi đấu thầu để tìm kiếm việc làm cũng như thiếu vốn để đầu tư cho dự án mới. Doanh nghiệp ngày càng khó khăn trong vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Phương án tái cấu trúc nguồn vốn, “chìa khóa” giúp Licogi thoát lầy hiện đi vào ngõ cụt. Nếu tăng cường vay nợ, chẳng những sẽ làm tăng thêm hệ số vay nợ (vốn đã rất lớn) tương ứng càng làm tăng rủi ro thanh khoản, mà tìm kiếm được đối tác cho vay cũng chẳng dễ dàng. Đồng thời, Tổng công ty cũng sẽ phải chịu lãi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro mà bên cho vay phải nhận, tương ứng làm tăng thêm gánh nặng chi phí lãi vay.

Còn với phương án tăng vốn cổ phần, do Licogi nằm trong danh sách doanh nghiệp nhà nước sẽ thoái vốn nên Nhà nước sẽ không bỏ thêm vốn vào doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc phủ quyết nếu Hội đồng quản trị đưa ra.

Thế “tam mã” trong cơ cấu cổ đông, với Bộ Xây dựng (nay là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC) sở hữu 40,71%, Bất động sản Khu Đông và Bất động sản Gia Cường sở hữu lần lượt 35% và 19,24%, theo nhận xét của một nhân sự từng tham gia Ban Kiểm soát Tổng công ty, gần như không thay đổi được cục diện ở doanh nghiệp.

Các quyết định liên quan đến kinh doanh, tài chính hầu như đều rơi vào bế tắc do không có sự đồng thuận. Cơ hội kinh doanh cứ trôi qua nhanh bởi cổ đông nhà nước thường cho ý kiến rất chậm trễ. Đáng chú ý là hơn 3 ha Khu đô thị Thịnh Liệt rơi vào cảnh bê trễ, phơi nắng, phơi sương cả thập kỷ nay.

Hình bóng một tổng công ty hàng đầu về nền móng công trình ngầm với gần 60 năm lịch sử hoạt động đang dần khuất dạng trên thị trường.

Cổ phần hóa ở Vinafood 2, Licogi và nhiều doanh nghiệp tương tự đang đứng trước nguy cơ thất bại.

Bài 2: Vì đâu nên nỗi?

Tin bài liên quan