Những dấu hỏi lớn từ báo cáo tài chính của CTCP Thuận Đức - vừa nộp hồ sơ đăng ký niêm yết

Những dấu hỏi lớn từ báo cáo tài chính của CTCP Thuận Đức - vừa nộp hồ sơ đăng ký niêm yết

(ĐTCK) Sàn giao dịch HOSE vừa thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết ngày 7/4/2020 của Công ty cổ phần Thuận Đức (TDP - UPCoM), doanh nghiệp thành lập tháng 1/2007 tại Hưng Yên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ polypropyleen, nổi bật là hạt nhựa tái chế và bao bì PP.

Năm 2019, Thuận Đức ghi nhận doanh thu thuần 1.196,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 61,9 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 60% và 86% so với năm 2018. Trong năm 2019 thị trường kinh doanh trên khắp các địa bàn cả nước và thị trường xuất khẩu túi siêu thị shopping bag đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018. Riêng doanh thu xuất khẩu túi siêu thị đạt 389,8 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018.

Trong báo cáo tài chính công ty mẹ quý IV/2019, Công ty hiện có tổng tài sản 1.375,7 tỷ đồng chủ yếu là tồn kho 591,9 tỷ đồng, chiếm 43,03% tổng tài sản; khoản phải thu ngắn hạn là 305,7 tỷ đồng, chiếm 22,2% tổng tài sản; tài sản cố định là 222,5 tỷ đồng, chiếm 16,2 tổng tài sản; đầu tư vào công ty con 119 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng tài sản.

Trong thuyết minh báo cáo tài chính, đến cuối năm 2019, tồn kho chủ yếu là thành phẩm 390,5 tỷ đồng, nguyên vật liệu là 184 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản phải thu chủ yếu đến từ khách hàng là 266 tỷ đồng, trong đó 121,6 tỷ đồng đồng là các bên liên quan, giao dịch nội bộ, 117,2 tỷ đồng là khoản phải thu khác, 27,2 tỷ đồng là phải thu công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Anh.

Nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Thuận Đức là 690,8 tỷ đồng, chiếm 50,2% tổng tài sản và còn lại chủ yếu là vốn chủ sở hữu.

Công ty cho biết, chủ nợ chủ yếu là Ngân hàng Nông Nghiệp và phát triển Nông Thôn dư nợ cho vay 249,3 tỷ đồng, Ngân hàng Quân Đội dư nợ 120,4 tỷ đồng, Ngân hàng Công Thương dư nợ 115,3 tỷ đồng, Ngân hàng Kỹ Thương 86,1 tỷ đồng… Có thể thấy đa phần các khoản vay của doanh nghiệp đều đến từ các ngân hàng lớn tại Việt Nam, điều này cũng có thể cho nhà đầu tư một tín hiệu tích cực

Tuy nhiên, một điểm không tích cực là mặc dù ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tới 86% so với năm 2018 tuy nhiên báo cáo lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh chính âm hai năm liên tiếp, năm 2018 âm 136,9 tỷ đồng, năm 2019 âm 202,1 tỷ đồng. Để tài trợ cho hoạt động kinh doanh chính âm như vậy, Thuận Đức phải huy động vốn từ bên ngoài, trong đó năm 2018 là 205,9 tỷ đồng, năm 2019 tiếp tục huy động 395,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trước thời điểm lên sàn, Công ty đã tăng vốn điều lệ từ 250 tỷ đồng lên gần 480 tỷ đồng, tăng thêm 92% chỉ trong vòng 1 năm, tuy nhiên lại có dấu hiệu dòng tiền huy động mới và vay nợ chảy vào đầu tư vào công ty con, cũng như khoản phải thu. Cụ thể, khoản phải thu trong năm tăng thêm 139,6 tỷ đồng, đầu tư vào công ty con tăng 119 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy mặc dù mới nộp hồ sơ niêm yết, nhưng trước thời điểm lên sàn doanh nghiệp đã tăng vốn điều lệ mạnh, dòng vốn này chảy chủ yếu vào hoạt khoản phải thu, cũng như công ty con, dòng tiền thực góp vốn chưa rõ ràng. Thêm vào đó, doanh thu tăng mạnh nhưng không có dòng tiền hoạt động kinh doanh, thậm chí còn âm 2 năm liên tục, đây là các dấu hỏi đối với doanh nghiệp mới niêm yết mà nhà đầu tư cần lưu ý.

Trên thị trường, cổ phiếu TDP chính thức đăng ký giao dịch trên UPCoM từ giữa tháng 11/2018, đóng cửa phiên 10/4 tại mức giá 22.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan