Những miếng "pho-mát" hấp dẫn...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo phản ánh của một số độc giả, thời gian gần đây, họ liên tục nhận được lời mời chào đầu tư dưới nhiều hình thức, từ gửi tiền hưởng lãi suất cao, đầu tư chứng khoán và chứng khoán phái sinh quốc tế.

Từ gửi tiền với lãi suất cao…

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Quản lý tài sản EMIR đang chào mời nhà đầu tư gửi tiền với lãi suất lên đến 15,5%/năm, tài sản đảm bảo là các bất động sản (căn hộ, biệt thự) với giá trị được cho là lớn hơn giá trị của khoản đầu tư. Tài sản thế chấp được phía EMIR đưa ra là bất động sản thuộc Dự án Centum Wealth Complex (TP. Thủ Đức, TP.HCM), Khu dân cư Đông Nam đô thị Đông Phát (TP. Thanh Hoá), biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Phoenix (Quảng Ninh)…

Phóng viên đã tiếp cận với bà Lê Ngọc, người tự xưng là nhân viên kinh doanh của EMIR để tìm hiểu về thông tin này. Theo lời bà Ngọc, hình thức góp vốn kinh doanh của EMIR đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đạt 195 giao dịch/tháng, với số tiền lên tới 315 tỷ đồng và hiện Công ty đã thu hút được 16.100 nhà đầu tư.

Cũng theo người này, mức lãi suất đã cam kết với nhà đầu tư được đảm bảo bằng hình thức ký công chứng. Theo đó, chủ đầu tư ký công chứng hợp đồng mua bán tài sản để đảm bảo lãi suất đã cam kết với nhà đầu tư. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày đến hạn tiền gửi, nếu chủ đầu tư không thực hiện được trách nhiệm trả gốc, lãi như đã cam kết thì tài sản thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư.

ANFIN: Anfin đang huy động vốn như một tổ chức tín dụng.

ANFIN: Anfin đang huy động vốn như một tổ chức tín dụng.

Bình luận về việc nhiều tổ chức không phải tổ chức tín dụng huy động vốn với lãi suất cao hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất tiền gửi của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay (dưới 7%/năm), PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, các hình thức huy động vốn với lãi suất cao không còn mới, đã được các cơ quan quản lý cũng như giới chuyên gia cảnh báo nhiều lần. Một trong số các rủi ro lớn là nhà đầu tư “mắc bẫy” Ponzi - lấy tiền của người sau trả cho người trước. Theo đó, nếu nhà đầu tư tham gia và giới thiệu được càng nhiều người đầu tư cùng thì càng được chiết khấu hoặc lãi suất cao/số tiền huy động được.

“Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, nhà đầu tư càng phải cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của mình”, ông Thịnh khuyến cáo.

… đến đầu tư chứng khoán quốc tế

Cũng theo phản ánh của độc giả, sau khi cổ phiếu Vinfast (mã VFS) niêm yết thành công trên sàn Nasdaq (Mỹ), họ đã nhận được lời mời “mở tài khoản để nhận cổ phiếu thưởng từ VFS”, hoặc “mở tài khoản để mua cổ phiếu VFS”. Đặc biệt, sau những phiên cổ phiếu VFS tăng giá mạnh, nhiều đơn vị môi giới càng ráo riết bám sát nhà đầu tư với các lời mời gọi… “đổi đời”.

Một trong những đơn vị đang mời gọi nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu VFS là Neotrades. Theo đó, nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch trên nền tảng của Neotrades và mua bán các cổ phiếu trên sàn quốc tế, trong đó có VFS. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể đầu tư cả chứng khoán phái sinh quốc tế qua kênh này.

Thậm chí, theo giới thiệu của người môi giới, Neotrades là một trong ít sàn giành được “quyền phân phối VFS” ngay từ ngày đầu niêm yết.

Ngoài Neotrades, nhiều nhà đầu tư cho hay còn nhận được các lời mời gọi đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế, hoặc mua cổ phiếu VFS và các cổ phiếu trên sàn quốc tế khác từ nhiều bên khác nhau. Theo đó, nhà đầu tư thực hiện nạp tiền qua tài khoản của đơn vị trung gian, hoặc tải phần mềm MT5 rồi tự mình thực hiện các giao dịch trên nền tảng website của các đơn vị môi giới.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về việc giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, các nhà đầu tư cá nhân không được mua cổ phiếu tại các sàn quốc tế nếu không có sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Vì các giao dịch được thực hiện bằng USD, nhà đầu tư cá nhân chưa được phép thu mua ngoại tệ để thực hiện việc này. Ngoài ra, việc chuyển tiền ra nước ngoài còn còn phải tuân thủ các quy định về đầu tư (thành lập dự án, xin giấy phép…), về sử dụng ngoại hối.

Theo ông Hiếu, người dân Việt Nam nếu muốn tham gia đầu tư chứng khoán trên thị trường quốc tế hiện chỉ có cách là thực hiện qua các công ty trung gian, môi giới. Tuy nhiên, rủi ro là nếu các sàn này đóng cửa, ngừng giao dịch, nhà đầu tư sẽ không thể rút tiền.

Tin bài liên quan