Hệ thống KRX và cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là một trong các điều kiện để đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường.

Hệ thống KRX và cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là một trong các điều kiện để đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường.

Nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Một cuộc họp với các ngân hàng lưu ký trong nước và nước ngoài đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức tuần qua để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ vấn đề ký quỹ trước giao dịch.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền trước khi mua để quản lý rủi ro thanh toán. Quy định này hạn chế vòng quay vốn, gia tăng chi phí cơ hội hoặc chi phí tài chính cho nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường.

Với đặc điểm giao dịch không hủy ngang (locked-in trade), chứng khoán/tiền của lệnh giao dịch sau khi được khớp là phần tài sản đảm bảo quan trọng cho giao dịch. Vì vậy, yêu cầu phải ký quỹ 100% bằng tiền ngay tại thời điểm đặt lệnh mua được coi là trở ngại lớn đối với nhà đầu tư.

Việc gỡ nút thắt này tiếp tục là một nỗ lực trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

Các động thái của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gần đây cho thấy, cơ quan quản lý đang tập trung nguồn lực để triển khai các công việc nhằm đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng như FTSE Russel. Nhìn chung, các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam, vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhóm tiêu chí định tính mới là rào cản chính trong quá trình nâng hạng.

Bên cạnh nút thắt về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và cơ chế ký quỹ trước giao dịch, việc vận hành hệ thống KRX và cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là điều kiện để các giao dịch được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán. Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, sau giai đoạn kiểm thử hệ thống trong quý II/2023 với 76 công ty chứng khoán, có 25 công ty hoàn thành 100% các kịch bản kiểm thử, 36 công ty thực hiện trên 80%, 15 công ty đạt dưới 80%. Theo kế hoạch, KRX sẽ được hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai.

Việt Nam vẫn trong danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russel trong kỳ đánh giá năm nay. Cơ hội được FTSE Russel nâng hạng có thể rõ hơn ngay trong năm 2024 và khả năng được nâng hạng bởi MSCI trong một vài năm sau đó.

Trong chiến lược tổng thể về phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2025, mục tiêu của Chính phủ hướng đến là nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Việc nâng hạng sẽ mang lại vị thế mới cho thị trường, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài

Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới khi tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do với hầu hết các cường quốc trên thế giới, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, không khó để nhìn ra những kết quả đạt được của thị trường chứng khoán khi thể hiện rõ vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu xét theo quy mô vốn hóa so với một số quốc gia trong khu vực, thị trường Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ và chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế.

So với mục tiêu, khoảng thời gian còn lại để thị trường được nâng hạng không còn nhiều, đòi hỏi nỗ lực lớn của cơ quan quản lý và các thành viên thị trường.

Theo kết quả xếp hạng thị trường được FTSE Russell công bố ngày 28/9/2023, Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market). Trước đó, Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi từ tháng 9/2018.

Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi và sẽ được xem xét nâng hạng trong kỳ đánh giá vào tháng 3/2024.

Việc rà soát thường niên về phân hạng thị trường nằm trong các chỉ số cổ phiếu toàn cầu của FTSE được thực hiện vào tháng 9 hàng năm.

FTSE Russell đánh giá, quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra chậm hơn dự báo, một phần do đại dịch Covid-19.

Tin bài liên quan