Sự trùng hợp thú vị là không khí tại các sàn giao dịch chứng khoán vui vẻ hẳn lên cũng từ thời điểm này, giá cổ phiếu rậm rịch tăng trở lại vào những ngày cuối tuần qua. Cảm giác hụt hẫng cùng cực trong 2 tháng mất ngủ vừa qua bắt đầu được thay thế bằng đam mê tìm kiếm lợi nhuận và người ta đặt ra câu hỏi, đã đến lúc "đua" theo thị trường hay chưa?
Theo lý thuyết, lãi suất tăng luôn là một mối lo ngại cho giá cổ phiếu. Về hiệu quả kinh doanh, khi lãi suất cho vay ở mức cao, 20%/năm, lãnh đạo một tập đoàn có trụ sở tại Hà Nội bình luận: "Lãi suất cao như thế thì doanh nghiệp không biết phải xoay sở thế nào mới đủ lời để hài lòng cổ đông". Doanh nghiệp này cho biết, tình hình tiêu thụ sản phẩm giảm 20% trong tháng 5 và giảm nhanh hơn trong tháng 6.
Ghi nhận từ một số công ty niêm yết có trụ sở tại TP. HCM cho thấy, tình hình không thuận lợi trong quý II đã khiến cho các dự án đầu tư năm 2008 ít nhiều chậm lại, chi phí đồng vốn tăng lên trong khi sức mua của thị trường bị ảnh hưởng. Có thể kết luận rằng, việc giá cổ phiếu sụt giảm liên tục trong thời gian qua đã phản ánh chiều hướng sức khỏe của doanh nghiệp, mặc dù mức độ sụt giảm hơi quá tiêu cực do tâm lý chán nản của nhà đầu tư. Trong 3 tháng qua, VN-Index giảm tốc độ kỷ lục 50%, HASTC-Index giảm 60%.
Cũng theo lý thuyết, khi lãi suất tiền gửi là thực dương (cao hơn lạm phát), lượng tiền gửi của người dân tại các ngân hàng sẽ tăng lên, giải quyết được cơn khát tiền tại các ngân hàng đang ở trạng thái căng thẳng. Bằng chứng là hầu hết ngân hàng đều đã và đang áp dụng một chính sách ưu đãi hơi ngược đời: lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng xấp xỉ kỳ hạn 12 tháng và cao hơn nhiều so với lãi suất kỳ hạn 24 tháng. Nhiều ngân hàng còn linh hoạt đưa ra lãi suất cực kỳ ưu đãi cho kỳ hạn tiền gửi 24 giờ và 48 giờ. Tình thế này cho thấy, về dài hạn không lo ngại, nhưng trong ngắn hạn thì nhu cầu vốn vẫn khá căng thẳng.
Cơ hội hồi phục của giá chứng khoán vào thời điểm này có thể đánh giá phần nào qua việc đi tìm câu trả lời một số câu hỏi sau:
- Danh sách các mặt hàng thiết yếu nằm trong sự điều tiết giá của Nhà nước hiện lên đến 14 mặt hàng (xăng, dầu; xi măng; thép xây dựng...). Xu hướng giá cả thế giới cuối năm sẽ tác động như thế nào tới hiệu quả của việc bình ổn giá đối với thị trường trong nước?
- Tình hình lạm phát tăng cao và chưa có khả năng giảm nhanh, điều gì sẽ xảy ra với mặt bằng giá hàng hóa khi chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng cao?
- Lãi suất và lạm phát đều tăng cao khiến chi phí cơ hội đầu tư tăng lên, liệu giá chứng khoán có đủ hấp dẫn để nhà đầu tư lựa chọn phiêu lưu với cổ phiếu thay vì chắc ăn là gửi tiết kiệm?
- Sau cơn lũ trên TTCK, trong đó có nguyên nhân là do ngân hàng bán ra tài sản thế chấp bằng cổ phiếu đang mất giá, nguy cơ đối với các khoản vay thế chấp bằng bất động sản trong nửa cuối năm 2008 ở mức nào? Được biết, mặt bằng giá nhà đất nhiều dự án tại TP. HCM và Hà Nội đã giảm 40 - 70% so với đỉnh điểm.
- Tình trạng nhà đầu tư chịu nhiều thua lỗ về khá hạn hẹp nguồn vốn như hiện nay sẽ quyết định thế nào đến tốc độ hồi phục của thị trường?
Theo ghi nhận nhanh của phóng viên ĐTCK, các công ty chứng khoán và tổ chức đầu tư tỏ ra khá thận trọng về khả năng hồi phục mạnh của TTCK Việt
Xét một cách cảm tính, mặt bằng giá chứng khoán hiện nay là khá hấp dẫn khi đã giảm 50 - 70% trong nửa đầu năm 2008 và những nhà đầu tư dài hạn cảm thấy có lý để mua vào. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế vi mô và vĩ mô chưa thực sự ổn định trở lại, nhà đầu tư vẫn cần có thái độ thận trọng đối với các dấu hiệu biến động của giá chứng khoán hay sự lạc quan quá mức của thị trường.