Nới điều kiện thành lập, có “loạn” chi nhánh ngân hàng?

Nới điều kiện thành lập, có “loạn” chi nhánh ngân hàng?

(ĐTCK-online) Theo Quyết định 13/2008/QĐ-NHNN về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại (NHTM), các ngân hàng phải đảm bảo vốn điều lệ đạt mức trên 100 tỷ đồng/chi nhánh nếu chi nhánh được mở tại TP. HCM và Hà Nội, trên mức 50 tỷ đồng/chi nhánh nếu chi nhánh được mở tại các địa phương khác. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này đang soạn thảo quy định mới theo hướng loại bỏ điều kiện về vốn đối với việc thành lập chi nhánh. Liệu sự thông thoáng này có gây nên tình trạng “loạn” mở rộng mạng lưới của các ngân hàng?

Ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bảo Việt

Nới điều kiện thành lập, có “loạn” chi nhánh ngân hàng? ảnh 1

Mở rộng mạng lưới là vấn đề có tính chiến lược ở mỗi NHTM, việc mở ra điểm giao dịch kèm theo đó là đầu tư chi phí lớn, nên ngân hàng phải tính toán. Kể cả đã mở ra các chi nhánh mà hoạt động không hiệu quả thì ngân hàng chắn chắn cũng đóng cửa và ngược lại, một khi mở ra vẫn có hiệu quả thì không có lý do gì dừng lại. Dù sao, các quy định mới cũng đang trong giai đoạn dự thảo, nhưng việc không đặt ra vấn đề đảm bảo một lượng vốn nhất định thể hiện sự thay đổi về quan điểm, nhận thức của cơ quan quản lý. NHNN nên để cho thị trường tự điều chỉnh và cuối cùng là để bản thân các NHTM tự tính toán bài toán hiệu quả khi mở rộng mạng lưới.

 

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam

Việc mở chi nhánh/phòng giao dịch của nhiều ngân hàng hiện rất lộn xộn. Các ngân hàng thi nhau mở rộng mạng lưới mà không tính đến hiệu quả thực sự. Tôi cho rằng, “bung ra” như vậy chủ yếu là do ngân hàng chỉ tính đến cạnh tranh huy động vốn, chứ chưa tính đến hiệu quả, chất lượng của dịch vụ đi kèm. Nếu tính đúng, tính đủ, chắc chắn nhiều địa điểm hoạt động không hiệu quả, bởi chi phí mở và duy trì một chi nhánh rất lớn. Trong cơ chế thị trường mà bảo ngăn cấm là khó, nhưng NHNN cũng nên có những giới hạn nhất định. Ví dụ, quy mô của ngân hàng là bao nhiêu, chất lượng hoạt động như thế nào mới được mở tương ứng bấy nhiêu chi nhánh.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

Nới điều kiện thành lập, có “loạn” chi nhánh ngân hàng? ảnh 3

Quyết định mở rộng hay không mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng phản ánh năng lực quản trị của mỗi ngân hàng trong việc bành trướng về mạng lưới hay phát triển các loại hình dịch vụ. Tuy nhiên, khi mở rộng hoạt động, các rủi ro cũng sẽ phát sinh tương ứng. Và câu hỏi đầu tiên là năng lực về vốn, về quản trị con người của ngân hàng liệu có phù hợp, thích ứng, theo kịp cùng quá trình phát triển mạng lưới. Do vậy, việc quy định vốn điều lệ phải là bao nhiêu mới được mở phòng giao dịch/chi nhánh là không cần thiết. Điều quan trọng hơn là việc hoàn thiện các tiêu chuẩn giám sát của NHTM đó nói riêng và của NHNN vơi hệ thống ngân hàng nói chung.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Nới điều kiện thành lập, có “loạn” chi nhánh ngân hàng? ảnh 4

Các NHTM bị “thúc ép” mở rộng chi nhánh/phòng giao dịch bởi 2 lý do: Thứ nhất, ngân hàng buộc phải tăng vốn điều lệ theo lộ trình, do tăng vốn nhanh nên dẫn tới việc phải tăng nhanh nguồn huy động, tăng cho vay để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Điều này khiến các NHTM phải hướng tới mở rộng mạng lưới, dù trong một giai đoạn nhất định nào đó, các chi nhánh mở mới có thể lỗ. Thứ hai, ở góc độ cạnh tranh, ngân hàng muốn phát triển bền vững thì phải tăng tốc huy động được nguồn vốn từ thị trường 1, muốn huy động được vốn thì phải mở chi nhánh, đồng thời sợ các ngân hàng khác mở rộng địa bàn “vợt” mất vốn nên tạo ra một trào lưu mở rộng thị phần. Như vậy, nguyên nhân sâu xa nhất của việc mở rộng mạng lưới ồ ạt là do vốn điều lệ tăng nhanh, nên nếu NHNN đưa ra quy định về hạn mức vốn làm điều kiện mở chi nhánh cũng không thể ràng buộc được NHTM. Do vậy, nếu quy định mới loại bỏ ràng buộc về tài sản để mở chi nhánh là điều bình thường. Khi thị trường phát triển đến một giai đoạn nào đó sẽ hình thành những phân khúc rõ ràng giữa ngân hàng lớn, ngân hàng bé.