Nỗi sợ hãi về sự bất ổn của hệ thống ngân hàng lan sang Deutsche Bank

Nỗi sợ hãi về sự bất ổn của hệ thống ngân hàng lan sang Deutsche Bank

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Deutsche Bank đã trở thành tâm điểm của một đợt bán tháo cổ phiếu tài chính khác vào phiên giao dịch cuối tuần.

Bên bờ vực

Cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm 8,53% vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu (24/3) sau khi các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này tăng đột biến vào tối thứ Năm (23/3) do lo ngại về sự bất ổn của các ngân hàng châu Âu vẫn tiếp diễn (trong phiên ngày 24/3, có thời điểm cổ phiếu Deutsche Bank bị bán tháo giảm 14%).

Cổ phiếu của ngân hàng Đức đã giảm ngày thứ ba liên tiếp và hiện đã mất hơn 20% giá trị trong tháng này. Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) - một hình thức bảo hiểm cho các trái chủ của ngân hàng chống lại tình trạng vỡ nợ - đã tăng vọt lên 173 điểm cơ bản vào đêm thứ Năm (22/3) từ 142 điểm cơ bản vào ngày hôm trước, là mức cao nhất kể từ khi sản phẩm này được giới thiệu vào năm 2019.

Trước đó, CDS tăng cao cũng là khúc dạo đầu cho việc UBS mua lại Credit Suisse dưới sự thúc đẩy của chính phủ Thụy Sĩ.

Việc giải cứu khẩn cấp Credit Suisse sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) đã gây ra mối lo ngại lây lan giữa các nhà đầu tư, vốn càng sâu sắc hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Mặc dù lãi suất cao hơn sẽ làm tăng lợi nhuận của ngân hàng bằng cách tăng số tiền họ có thể kiếm được so với số tiền họ trả cho tiền gửi, nhưng một số khoản đầu tư dài hạn có thể mất giá trị nghiêm trọng và gây ra thua lỗ trừ khi các ngân hàng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ các khoản đầu tư đó.

Các nhà quản lý và ngân hàng trung ương của Thụy Sĩ và toàn cầu đã kỳ vọng rằng việc UBS tiếp quản Credit Suisse sẽ giúp làm dịu thị trường, nhưng các nhà đầu tư rõ ràng vẫn không tin rằng thỏa thuận này sẽ đủ để ngăn chặn căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng.

Trái phiếu cấp một (AT1) của Deutsche Bank - một loại tài sản được chú ý trong tuần này sau khi các trái phiếu AT1 của Credit Suisse bị xóa sổ gây tranh cãi như một phần của thỏa thuận giải cứu - cũng bị bán tháo mạnh.

Giống như Credit Suisse, Deutsche Bank là một trong 30 ngân hàng được xem là tổ chức tài chính quan trọng trên toàn cầu theo các quy tắc quốc tế, do đó cần phải nắm giữ mức dự trữ vốn cao hơn vì sự thất bại của bản thân ngân hàng có thể gây ra tổn thất trên diện rộng.

Việc bán tháo cổ phiếu của Deutsche Bank diễn ra bất chấp việc ngân hàng này có dự trữ vốn vượt quá yêu cầu quy định và có lãi 10 quý liên tiếp. Năm ngoái, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng là 5,7 tỷ euro (6,1 tỷ USD).

Rủi ro lan tỏa

Các cơ quan quản lý tài chính và chính phủ đã có những hành động trong những tuần gần đây để ngăn chặn nguy cơ lây lan từ các vấn đề xảy ra với các ngân hàng.

“Tuy nhiên, trong một môi trường kinh tế không chắc chắn và niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn mong manh, có nguy cơ các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn hiện tại mà không gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài hơn trong và ngoài lĩnh vực ngân hàng”, Moody’s cho biết.

“Ngay cả trước khi căng thẳng ngân hàng trở nên rõ ràng, chúng tôi đã dự đoán các điều kiện tín dụng toàn cầu sẽ tiếp tục suy yếu vào năm 2023 do lãi suất cao hơn đáng kể và tăng trưởng thấp hơn, bao gồm cả suy thoái kinh tế ở một số quốc gia”, Moody’s cho biết.

Moody’s gợi ý rằng, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát, thì các điều kiện tài chính còn thắt chặt càng lâu thì nguy cơ “căng thẳng lan rộng ra ngoài lĩnh vực ngân hàng, gây ra thiệt hại kinh tế và tài chính càng lớn”.

Andreas Lipkow, chiến lược gia tại Comdirect Bank cho biết: “Tình hình sẽ không được giải quyết bằng những lời an ủi, mà sẽ chỉ được xoa dịu bằng những dữ kiện và số liệu cụ thể. Do đó, cần có sự kiên nhẫn và số liệu hàng quý sắp tới từ các ngân hàng sẽ được xem xét kỹ lưỡng”.

Áp lực đối với các ngân hàng châu Âu đang đến sau khi các nhà quản lý và giám đốc điều hành công ty tìm cách trấn an các nhà giao dịch về sức khỏe của ngành. Thành viên hội đồng quản trị Deutsche Bank, Fabrizio Campelli cho biết, việc UBS tiếp quản Credit Suisse do Chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian là "không có dấu hiệu" cho thấy tình trạng của các ngân hàng châu Âu.

Ông cũng nói rằng tiền gửi cá nhân của Deutsche Bank “rất đa dạng” và do đó không có loại rủi ro tập trung tồn tại như ở SVB.

James Athey, Giám đốc đầu tư tại Abrdn cho biết: “Mối nguy hiểm lớn hơn là triển vọng kinh tế và thực tế là cả nền kinh tế và hệ thống tài chính sẽ đối phó với suy thoái như thế nào. Đó là khi khả năng suy giảm tài sản có nhiều khả năng xảy ra”.

Stuart Cole, Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô tại Equiti Capital cho biết: “Deutsche Bank đã được chú ý trong một thời gian, giống như cách mà Credit Suisse đã từng làm. Ngân hàng đã trải qua nhiều lần tái cơ cấu và thay đổi lãnh đạo nhằm nỗ lực trở lại nền tảng vững chắc, nhưng cho đến nay, dường như không có nỗ lực nào trong số này thực sự hiệu quả”.

Tin bài liên quan