Nới tín dụng vào chứng khoán không dễ

Nới tín dụng vào chứng khoán không dễ

(ĐTCK) Trước thực tế dòng tín dụng từ ngân hàng vào chứng khoán còn thấp, có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính nên nghiên cứu đề xuất việc tăng room tín dụng vào chứng khoán để hỗ trợ thị trường thời hậu dịch. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, cần cân nhắc kỹ nhiều yếu tố. 

Nhiều nhà đầu tư trên TTCK quan tâm và chờ đợi diễn biến của đề xuất nên nới room tín dụng vào chứng khoán lên trên mức 5% so với quy định hiện hành. Ông có quan điểm như thế nào về nội dung này?

TS. Cấn Văn Lực.

Trong bối cảnh hiện nay, khả năng bố trí nguồn vốn để đáp ứng cho yêu cầu tăng room tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán nếu xét thấy cần thiết không phải là vấn đề lớn, vì nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang ở mức độ tương đối thấp.

Vấn đề mấu chốt là cần tính toán kỹ các yếu tố mang tính tổng thể, chứ không đơn thuần nhìn vào những vấn đề đơn lẻ.

Theo đó, trong bối cảnh room tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán vẫn còn hạn mức (mới sử dụng 30.452 tỷ đồng, chiếm 0,37% trong tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng - PV), thì lý do đưa ra đề xuất cần tăng thêm room chưa thật thuyết phục.

Mặt khác, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ đang hướng mạnh dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi, từ đó tiếp sức cho TTCK. Vậy ở đây có nên hướng thêm dòng vốn chảy vào chứng khoán không khi đây là lĩnh vực được xếp vào diện rủi ro cao?

Cùng với đó, cần xem xét kỹ các công ty chứng khoán có nhu cầu vay thêm vốn để đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng cho mục tiêu giao dịch ký quỹ hay không nữa.

Ông vừa nhắc đến nhu cầu vốn của công ty chứng khoán. Thực tế, một số công ty không huy động được vốn qua phát hành trái phiếu, nên có nhu cầu tìm nguồn vốn thay thế với chi phí hợp lý, có thể đến từ ngân hàng. Liệu mong muốn này có phải là một yếu tố đáng xem xét để nới room tín dụng với lĩnh vực chứng khoán?

Việc các công ty chứng khoán không thành công trong huy động vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất không phải là thấp, trước hết cần phải xem lại điều kiện, điều khoản phát hành trong bối cảnh hiện nay nhà đầu tư thận trọng hơn với các rủi ro.

Nếu việc nới room tín dụng với lĩnh vực chứng khoán được cho là cần thiết, theo ông có cần nhiều thời gian để sửa đổi các quy định pháp lý hay không?

Các quy định về room tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán được quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc sửa đổi này, nếu xét thấy cần thiết cũng cần phải có thời gian.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, chứng khoán được xác định là lĩnh vực rủi ro cao, nên một khi sửa đổi quy định hiện hành theo hướng tăng tỷ lệ room tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, thì sẽ khiến cho chi phí vốn của các ngân hàng thương mại tăng cao hơn so với hiện tại.

Điều này sẽ gây khó khăn cho nỗ lực điều hành giảm mặt bằng lãi suất như cơ quan quản lý đang nỗ lực triển khai để hỗ trợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp dần phục hồi sau dịch Covid-19.

Trong một diễn biến có liên quan, việc Ngân hàng Nhà nước vừa thêm một lần nữa giảm một loạt mặt bằng lãi suất điều hành, theo ông việc này có ý nghĩa như thế nào với các doanh nghiệp và TTCK?

Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành mở ra cơ hội giúp lãi suất cho vay có điều kiện giảm thêm, qua đó có tác dụng hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn.

Đây là điều doanh nghiệp mong đợi, bởi họ có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng với chi phí thấp hơn, có thêm điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, đầu tư mới hậu dịch Covid-19.

Điều này sẽ giúp cho nhu cầu tín dụng của nền kinh tế dần tăng trở lại và nếu quản lý tốt rủi ro, sẽ quay trở lại hỗ trợ tích cực cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Khi đời sống kinh tế, xã hội cải thiện, nhiều doanh nghiệp trở lại quỹ đạo kinh doanh hiệu quả, sẽ là nền tảng chính hỗ trợ tích cực cho TTCK Việt Nam.

Tin bài liên quan